Chúng ta

Thủ tướng chứng kiến FPT ký thỏa thuận hợp tác với UPS

Thứ năm, 1/6/2017 | 09:05 GMT+7

Trong khuôn khổ chuyến thăm Mỹ của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, FPT đã ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược với UPS, công ty dẫn đầu thế giới trong lĩnh vực Logistics có quy mô doanh thu 61 tỷ USD.

Một trong những điểm nhấn trong chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đến Mỹ (từ ngày 29-31/3) là thúc đẩy các hợp tác thương mại và đầu tư song phương. Khoảng gần 100 doanh nghiệp tháp tùng Thủ tướng thúc đẩy những hợp đồng ký kết cụ thể.

Trưa ngày 31/5 (giờ địa phương), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur L. Ross chứng kiến lễ trao các bản ký kết một loạt thỏa thuận về thương mại và đầu tư trị giá nhiều tỷ USD, trong đó có FPT và Tập đoàn UPS.

thumbnail-IMG-1458-6721-1496271089.jpg

Bà Leslie Griffin, Phó Chủ tịch UPS, và anh Bùi Hoàng Tùng, CEO FPT USA, cùng ký thoả thuận trước sự chứng kiến của Thủ tướng Việt Nam và Bộ trưởng Thương mại Mỹ.

Theo thỏa thuận hợp tác, FPT và UPS sẽ dựa trên thế mạnh riêng của từng bên để cùng hỗ trợ các công ty vừa và nhỏ của Việt Nam (SMEs) nâng cao hiệu suất trong nền kinh tế số thông qua thương mại điện tử xuyên biên giới.

Đồng thời, UPS coi FPT là đối tác chiến lược có thể cung cấp các giải pháp công nghệ tiên tiến và các dịch vụ CNTT hiệu quả nhằm giúp UPS mở rộng kinh doanh, tối ưu các hoạt động và mang lại lợi ích cho các khách hàng và cổ đông của UPS.

Theo CEO FPT USA Bùi Hoàng Tùng, FPT và UPS chính thức bắt đầu mối quan hệ đối tác - khách hàng từ năm 2016. Hiện UPS là một trong những khách hàng quan trọng nhất của FPT tại Mỹ trong chiến lược chuyển đổi số.  

UPS là công ty dẫn đầu thế giới về dịch vụ logistics với quy mô doanh thu năm 2016 là 61 tỷ USD và 343.000 nhân sự. Tại thời điểm này, UPS đặc biệt chú trọng đến các công nghệ điện toán đám mây, dữ liệu lớn, học máy, trí tuệ nhân tạo và Robotics. Hiện diện trên thị trường Việt Nam từ năm 1994, đến năm 2013, UPS trở thành công ty chuyển phát nhanh 100% vốn nước ngoài đầu tiên tại Việt Nam.

thumbnail-IMG-1463-7243-1496271089.jpg

Lãnh đạo cấp cao Việt Nam và Mỹ chụp hình lưu niệm với lãnh đạo FPT và UPS sau lễ ký.

FPT hiện là một trong số ít những công ty CNTT của Việt Nam tạo được dấu ấn tại thị trường Mỹ. Thành lập năm 2008, sau hơn 8 năm phát triển, FPT đã có 6 văn phòng tại 6 thành phố lớn của Mỹ gồm New York, Seattle, Chicago, Los Angeles, Dallas và Sunnyvale với trên 150 nhân viên đến từ 15 quốc gia, cung cấp dịch vụ CNTT cho hơn 20 khách hàng là các tập đoàn hàng đầu của Mỹ trong lĩnh vực sản xuất máy bay, thiết kế hệ thống điều khiển thang máy, truyền hình vệ tinh, ngân hàng... Những năm gần đây, FPT Mỹ luôn tăng trưởng bình quân 45% mỗi năm.

Năm 2016, doanh thu từ thị trường Mỹ của FPT đạt 1.003 tỷ đồng, dự kiến năm 2017 đạt 1.300 tỷ đồng.

Cũng trong sự kiện, hãng hàng không Vietjet ký thỏa thuận với CFM International, liên doanh giữa General Electrics (GE) và Safran, về việc cung cấp 215 động cơ máy bay kèm dịch vụ kỹ thuật, bảo dưỡng trị giá 3,6 tỷ USD.

Ngoài ra, Vietjet cũng ký bản ghi nhớ với GECAS thuộc GE về cung cấp tài chính thuê mua tàu bay trị giá 1 tỷ USD và ký với Honeywell Aviation hợp đồng cung cấp và bảo dưỡng động cơ phụ (APU) cho 98 tàu bay trị giá 180 triệu USD.

Cạnh đó, Tập đoàn Phú Cường và Tập đoàn GE đạt thỏa thuận 2 tỷ USD về nhập thiết bị turbin điện gió và dịch vụ bảo dưỡng cho dự án phát triển 800 MW điện gió ở Sóc Trăng; Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) ký thỏa thuận nhập một số thiết bị cho Nhà máy điện turbin khí sử dụng khí mỏ Cá Voi Xanh trị giá 600 triệu USD; Công ty TNHH Tín Thành có bản ghi nhớ với Tập đoàn Roberts về hợp tác đầu tư và thương mại trị giá 3 tỷ USD.

>> Nikkei: ‘Thủ tướng ‘mở lối’ cho FPT, Vietjet tăng tốc thị trường Mỹ’

Nguyên Văn

Ý kiến

()