Chương trình do trường THPT FPT tổ chức trên fanpage VnExpress, với sự tham gia của chị Phan Hồ Điệp - Giảng viên Khoa Giáo dục đặc biệt (ĐH Sư phạm Hà Nội) - mẹ Đỗ Nhật Nam; chị Nguyễn Thị Uyên Thuý - Hiệu trưởng trường THPT FPT Cần Thơ và anh Hoàng Cao Chung - Phó hiệu trưởng trường THPT FPT Hà Nội.
Chương trình do trường THPT FPT tổ chức, được livestream trên fanpage của VnExpress. |
Điểm cộng của mô hình nội trú
Theo khảo sát 1.300 độc giả trên fanpage VnExpress mới đây, 45% độc giả đồng ý cho con đi học nội trú tuổi 15, số còn lại chọn không nên cho con xa nhà thời điểm này. Là phụ huynh có con xa nhà từ tuổi 13, chị Phan Hồ Điệp chia sẻ: "Đến giờ, sau sáu năm Đỗ Nhật Nam đi học xa nhà, tôi thấy biết ơn môi trường nội trú đã cho con về cả tri thức và cả tuổi thơ nhiều biến động, giúp con dần tự lập và trưởng thành hơn. Nếu chọn lại, tôi vẫn quyết định buông tay con dù trái tim có nhiều vết xước".
Mặc dù "được" nhiều, chị Điệp không quên quãng thời gian khó khăn khi đối mặt với việc cho con du học sớm. Đầu tiên là nỗi nhớ khủng khiếp" - sáu tháng liền cứ nhắc tới con, nước mắt chị lại chảy ròng. Thứ hai là cảm giác lo lắng, dù chuẩn bị cho con kỹ đến đâu, chị vẫn không khỏi lo lắng vấn đề sức khoẻ, thay đổi khí hậu, hay con có tự chủ học hành không, có bị sốc văn hoá không...
"Mọi người hay gọi Nam là thần đồng nhưng với tôi Nam bình thường, không có gì quá xuất chúng hay tài năng nên tôi rất lo con sẽ gặp khó khăn ở môi trường mới", chị Điệp nói. Về phía Nhật Nam, chị Điệp cho rằng, con phải đối mặt với nỗi nhớ nhà nhưng thường hay giấu không nói ra, chưa kể môi trường mới nên việc hoà nhập, giao lưu văn hoá sẽ gặp nhiều khó khăn.
Học sinh tự lập, chủ động hơn trong môi trường nội trú ở THPT FPT. |
Hiện nhiều phụ huynh lựa chọn môi trường nội trú để con em học tập và rèn luyện. Cuộc sống xa nhà đòi hỏi học sinh phải vượt qua thử thách của bản thân nhưng cũng là hình thức đầu tư cho tương lai qua việc rèn luyện sự độc lập và tổ chức cuộc sống khoa học.
Hiệu trưởng trường THPT FPT Cần Thơ, chị Nguyễn Thị Uyên Thuý cho hay, lý do lớn nhất phụ huynh chọn môi trường nội trú cho con là mong muốn con tự lập, trưởng thành hơn, dần hình thành các kỹ năng mềm, tạo bước đệm để sau này con có thể đi du học hay học đại học xa nhà mà không bỡ ngỡ. Tại THPT FPT, nhà trường còn có chương trình học giúp các em vận dụng những kỹ năng mềm vào đời sống sinh hoạt, tập thể, để khi đối mặt khó khăn, các em biết cách giải quyết, tự tin hơn khi đưa ra các quyết định.
Khó khăn khi trẻ học nội trú
Bàn về mặt trái khi cho con xa nhà từ sớm, như ăn uống không điều độ, khi ốm viên thuốc không biết uống thế nào, dễ bị lôi kéo, chỉ chơi không chịu học, anh Hoàng Cao Chung - Phó hiệu trưởng trường THPT FPT Hà Nội khẳng định, những lo lắng trên đều có "cơ hội" xảy ra ở môi trường nội trú. Đơn giản nhất là bữa ăn sẽ không bao giờ ngon như cơm mẹ nấu, hay các em phải xếp hàng giữa trưa nóng nực chờ đến lượt mua cơm, đối mặt với những vấn đề như mất điện, mất nước khi sống tập thể hay phải chia sẻ không gian sinh hoạt với các bạn đến từ nhiều nơi khác nhau.
"Đôi khi, giữa học sinh với nhau có thể xảy ra va chạm, xích mích... nhưng chính những điều này sẽ giúp các em học cách hy sinh sở thích của mình vì người khác để trưởng thành hơn. Còn việc dễ a dua, bị bạn bè lôi kéo, nhà trường sẽ đưa ra các mức kỷ luật khác nhau. Các em ý thức rõ nếu vi phạm thì hậu quả như thế nào để từ đó trách nhiệm hơn với hành vi và quyết định của mình", thầy Chung chia sẻ.
Không gian nội trú của học sinh THPT FPT. |
Nhận được câu hỏi nhiều mẹ cho con đi học nội trú xa bị mang tiếng "ác" với con, là bỏ mặc con trong giai đoạn con cần cha mẹ nhất, chị Phan Hồ Điệp cho rằng, khi nuôi con, bạn phải vượt qua nhiều định kiến, nếu cứ chạy theo ý kiến mọi người, con bạn sẽ khó có môi trường giáo dục đúng đắn, xuyên suốt. "Nhiều lần khi Nam còn nhỏ tôi phải vượt qua những câu hỏi như tại sao con đang chơi với ông bà lại bắt đi ngủ khi mới 21h, hay sao lại bảo con mang sách khi đi du lịch, sao cho con đi du học sớm, vì muốn bố mẹ muốn nhàn hơn à", chị Điệp nhớ lại.
Mặt khác, phụ huynh hãy xuất phát từ chính đứa trẻ, hãy quan sát bằng sự thấu cảm, nhìn nhận tính cách con xem con có phải đứa trẻ thích được hoà nhập hay khó khăn khi làm điều đó; những thứ bạn chuẩn bị cho con đã đủ để con bước vào cuộc sống tự lập chưa. "Nếu sáng bố mẹ vẫn phải gọi con dậy, bê đồ ăn lên tận nơi cho con, hay kiểm soát mọi cảm xúc của con thì việc đẩy cho con đi một cách đột ngột là tàn nhẫn - con như con chim non còn yếu ớt phải thả quá sớm. Vì vậy, yêu thương hay tàn nhẫn là do cách bạn chuẩn bị cho con như thế nào, chứ không có đáp án nào chính xác cho câu hỏi này", chị Điệp nhận định.
Những kỹ năng học sinh tuổi 15 cần trang bị
Phần thảo luận tiếp theo đề cập đến một trong những tiêu chí mà giáo dục nước ta đang hướng đến đó là đào tạo mỗi cá nhân đều là một công dân toàn cầu (có thể học tập và làm việc trong và ngoài nước, thích nghi với nhiều điều kiện môi trường khác nhau).
Chị Nguyễn Thị Uyên Thuý cho biết, môi trường giáo dục tại THPT FPT trang bị cho các con kiến thức, kỹ năng, tâm thế và sức khoẻ. Về kiến thức, trường rèn luyện các con kỹ năng tự học, tự thích nghi với sự thay đổi rất nhanh của xã hội. Như đợt dịch Covid-19, FPT School xác định học online ngay từ đầu nên các em chủ động tiếp cận nhanh. Bên cạnh đó là kỹ năng 4C: giao tiếp, sáng tạo, hợp tác, tư duy phản biện. Học sinh được rèn tư duy phản biện sẽ biết cách nhìn nhận, đánh giá vấn đề ở nhiều góc độ khác nhau, từ đó áp dụng vào cuộc sống thuận lợi, nhạy bén hơn.
Học sinh THPT FPT học Vovinam. |
Thầy Hoàng Cao Chung chia sẻ thêm, dù là công dân toàn cầu hay công dân toàn quốc, điều quan trọng các em cần là phải có sức khoẻ, nên các chương trình đào tạo của FPT đều thay chương trình thể dục bằng môn võ Vovinam. Đây là môn học nghiêm túc, giúp các em nâng cao thể lực, tính kỷ luật, tôn sư trọng đạo - những điều dù ở môi trường nào đều phải có. Ngoài ra, FPT còn dạy môn nhạc cụ dân tộc và xem đây là môn chính khoá quan trọng như bất kỳ môn học nào khác.
"Có thể các em nghĩ mình bị ép học nhưng trong bối cảnh thực tế khi ra khỏi Việt Nam, những bộ môn mang màu cờ sắc áo này sẽ mang lại giá trị mà chỉ khi đó các em mới cảm nhận hết được", thầy Chung cho hay.
Bên cạnh những kỹ năng được nhà trường trang bị, chị Phan Hồ Điệp cũng chia sẻ cách phụ huynh giúp con em trang bị những kỹ năng cần có của một công dân toàn cầu. Trước tiên, đó là khả năng tự lập. Theo chị Điệp, phụ huynh hãy trang bị cho con khi con còn nhỏ, và cần chia theo lứa tuổi, có thang đo cụ thể. Ví dụ, 3 tuổi sẽ có khoảng 20 đầu mục công việc con có thể làm (phụ huynh hãy ghi ra các đầu mục và đánh dấu xem con làm được đến đâu).
Tiếp theo là tính kỷ luật: gia đình cần có nguyên tắc - gia phong, không nên quá nuông chiều con, coi con như cái rốn của vũ trụ. Ngoài ra, cha mẹ cần là tấm gương để con noi theo. Làm được những điều này, dù con ở đâu, học nội trú hay thế nào, con sẽ luôn thành công theo cách nào đó.
Sau 6 năm xa nhà, chị Điệp cho biết: "Đỗ Nhật Nam đã thay đổi và trưởng thành hơn rất nhiều. Con biết cách quản lý tài sản cá nhân, biết quản lý tài chính thậm chí biết kiếm tiền, quản lý thời gian tốt, đặc biệt, con biết thương mẹ nhiều hơn... Những thay đổi đó lớn hơn tất cả những thứ thuộc về học thuật".
>> Chuyên gia FPT tư vấn các sản phẩm AI cho doanh nghiệp
Trân Trân
Ý kiến
()