Theo Bộ phận Phân tích (SSI Research) của Chứng khoán Sài Gòn (SSI), năm 2018, doanh thu thuần của Tập đoàn FPT sẽ giảm đáng kể với mức 47%, xuống 22.700 tỷ đồng do FPT không còn hợp nhất doanh thu tại Synnnex FPT (tiền thân là FPT Trading) và FPT Retail. Lợi nhuận ròng sẽ giảm 16% xuống 2.956 tỷ đồng, và thu nhập trên mỗi cổ phiếu (EPS) đạt 3.996 đồng.
Cách đây 10 năm, ngày 31/12/2008, FPT chính thức cán đích doanh số 1 tỷ USD trong năm tài khóa 2008. Sự kiện này ghi dấu ấn quan trọng trong 20 năm phát triển của tập đoàn, đồng thời khẳng định vị trí công ty CNTT - Viễn thông hàng đầu Việt Nam.
Kết thúc năm 2017, FPT ghi nhận doanh thu hợp nhất đạt 43.845 tỷ đồng (gần chạm mốc 2 tỷ USD) tăng 8% so với năm 2016.
Tuy nhiên, kể từ ngày 18/12, FPT Retail và FPT Trading trở thành công ty liên kết của FPT, khi tỷ lệ sở hữu của tập đoàn tại hai đơn vị này lần lượt giảm còn 47% và 48%. Và từ năm 2018, FPT sẽ không ghi nhận doanh thu từ mảng Bán lẻ và Phân phối trong báo cáo tài chính. Với doanh thu ước tính đạt 22.700 tỷ đồng từ báo cáo phân tích của SSI Research, FPT thuần công nghệ vượt mốc doanh thu 1 tỷ USD trong năm nay. Theo tỷ giá USD ngày 28/5 do Ngân hàng Nhà nước công bố, 1 USD bằng 22.596 đồng.
FPT đạt mốc 1 tỷ USD doanh thu năm 2008. Sau 10 năm, nhà F vẫn vượt mốc này với vị thế mới: tập đoàn thuần công nghệ khi không còn hợp nhất mảng Phân phối và Bán lẻ. |
Trong năm 2019, SSI Research cho rằng doanh thu và lợi nhuận trước thuế tăng lần lượt 16,5% và 13%, đạt 26.500 tỷ đồng và 3.930 tỷ đồng. Mảng outsourcing (dịch vụ thuê ngoài phần mềm) và dịch vụ viễn thông vẫn là động lực tăng trưởng chính. Tăng trưởng lợi nhuận thấp hơn so với tăng trưởng doanh thu do chi phí khấu hao tăng từ chi phí vốn đầu tư mới trong năm 2018, chủ yếu là ở phân khúc viễn thông.
Về chiến lược mảng outsourcing, SSI Research cho rằng do thị phần của FPT trong thị trường dịch vụ thuê ngoài phần mềm thế giới còn nhỏ, công ty đặt kế hoạch tăng trưởng 25% mỗi năm. Tại thị trường Nhật Bản, FPT cạnh tranh với các doanh nghiệp Trung Quốc, và tại thị trường sử dụng ngôn ngữ tiếng Anh, công ty cạnh tranh với các doanh nghiệp Ấn Độ.
FPT sẽ đặt trọng tâm vào chuyển đổi số (digital transformation), do nhận thấy nhu cầu lớn trên thị trường chuyển đổi số toàn cầu. Chuyển đổi số đang dần thay đổi một số ngành như ngân hàng và bảo hiểm. Tỷ trọng doanh thu từ chuyển đổi số chiếm 20% tổng doanh thu trong năm 2017, và tăng đến 22% trong quý 1/2018.
FPT lên kế hoạch tăng tỷ trọng doanh thu từ mảng này trong 3-5 năm tới, ước tính tốc độ tăng trưởng trung bình 50%/năm. Với tỷ trọng doanh thu tăng từ chuyển đổi số, khả năng sinh lời cải thiện nhờ tỷ suất lãi khoảng 20%, cao hơn so vớt tỷ suất mảng dịch vụ thuê ngoài phần mềm trung bình là 17%.
Cạnh đó, công ty sẽ mở rộng quy mô thông qua M&A tại các nước khác.
Đối với mảng dịch vụ viễn thông, công ty có khoảng 2 triệu thuê bao băng rộng cố định, trong đó 95% là dịch vụ cáp quang “fiber to the home” (FTTH). FPT lên kế hoạch tăng trưởng thuê bao hàng năm 18-19% trong vòng 3-5 năm tới, chủ yếu ở các thành phố Cấp 2 và Cấp 3. Do đó, doanh thu bình quân trên mỗi thuê bao (APRU) dự báo giảm từ mức hiện tại ~ 8 USD/ tháng và doanh thu ước tính tăng thêm 15%/năm.
Theo SSI Research, với truyền hình Internet (IPTV), công ty lên kế hoạch đạt 1,3-1,5 triệu thuê bao, và hòa vốn vào cuối năm 2019.
Trong mảng giáo dục, FPT ước tính tỷ lệ số học sinh nhập học sẽ tăng trưởng 30% trong vài năm tới, tương tự như trong 2 năm qua. FPT quyết định bắt đầu cung cấp dịch vụ giáo dục từ cấp mầm non đến lớp 12 khi nhận thấy nhu cầu lớn cho các dịch vụ giáo dục chất lượng cao tại Việt Nam và thu nhập người dân tăng lên trong khi chất lượng các trường công lập lại chưa cao.
>> SK Holdings đề xuất hợp tác với FPT triển khai nhà máy thông minh tại Việt Nam
Chi Vy
Ý kiến
()