Chúng ta

Sếp Phần mềm FPT than gặp khó trong xuất nhập khẩu

Thứ ba, 15/11/2016 | 14:07 GMT+7

Đại diện đơn vị cho hay, công ty đang gặp khó khăn trong quá trình thực hiện xuất nhập khẩu sản phẩm phần mềm do một số quy định về giấy phép của một số bộ, ngành bị chồng chéo, thời gian nhập hàng hóa kéo dài…

Ngày 11/11, Vụ Công nghệ thông tin, Bộ Thông tin - Truyền thông, tổ chức buổi tọa đàm, trao đổi ý kiến với chủ đề: “Xuất nhập khẩu phần mềm và nội dung số - Hiện trạng, khó khăn, vướng mắc và đề xuất phương án quản lý”. Anh Nguyễn Đức Quỳnh, GĐ FPT Software HCM, đại diện đơn vị, tham gia sự kiện.

Theo anh Quỳnh, Thông tư số 14 ban hành năm 2011 của Bộ Thông tin - Truyền thông quy định đối với các thiết bị thu phát sóng vô tuyến điện phải xin giấy phép hợp quy chuẩn và phải phù hợp với quy hoạch tần số vô tuyến điện quốc gia đang gây khó khăn cho hoạt động xuất nhập khẩu phần mềm của doanh nghiệp. Cạnh đó, các quy định truyền thống hiện không còn phù hợp với thiết bị tích hợp nhiều tính năng công nghệ khác nhau, chẳng hạn: đồng hồ kèm máy đo nhịp tim, loa có màn hình cảm ứng, mắt kính tích hợp phần mềm cảm biến… Các quy định không định nghĩa được rõ sản phẩm nhập khẩu là sản phẩm tiêu dùng hay công cụ hỗ trợ nghiên cứu sản xuất.

images801494-kiem-tra-hang-xua-6539-4488

Cán bộ Hải quan thực hiện kiểm tra hàng hóa công nghệ. Ảnh: Hải quan.

“Đặc biệt, việc nhập hàng tốn rất nhiều thời gian, trung bình thời gian xử lý giấy tờ hành chính khoảng 30-40 ngày làm việc cho một lô hàng, trong đó 30 ngày cho việc xin giấy phép từ các cơ quan khác nhau, 10 ngày cho việc thông quan”, anh Quỳnh dẫn chứng.

GĐ FPT Software HCM cho rằng, quy định này làm tổn hại trực tiếp tới sản xuất vì các chi phí vận hành tăng theo, như: tăng ca, điện nước, xe đưa rước nhân viên, chi phí nhàn rỗi (chờ thiết bị nhập khẩu về)… Ngoài ra, việc chậm trễ nhập hàng còn ảnh hưởng đến tiến độ sản xuất theo hợp đồng, doanh nghiệp bị phạt, đền hợp đồng. Sức cạnh tranh trong khu vực (Trung Quốc, Ấn Độ, Philippines) thấp vì thủ tục, hành lang pháp lý không phù hợp. 


“Đối với các thiết bị điện tử, công nghệ phục vụ cho mục đích nghiên cứu phát triển phần mềm của ngành CNTT, khi doanh nghiệp muốn nhập khẩu chỉ cần xin công văn tập trung một đầu mối tại Bộ Thông tin - Truyền thông nhằm tiết kiệm thời gian nhập hàng”, anh Quỳnh kiến nghị. “Quy định cũng cần tạo ra cơ chế tiếp nhận phản ánh của doanh nghiệp cho những phát sinh trong việc xuất nhập khẩu các thiết bị mới, đáp ứng xu hướng công nghệ mới”.

Trong khi đó, bà Trịnh Thị Thanh Hà, đại diện Harvey Nash Việt Nam, cho rằng quá trình hoàn thuế giá trị gia tăng kéo dài, mất khoảng một năm, kể từ khi nộp hồ sơ xin hoàn thuế đến lúc được hoàn thuế.

Cạnh đó, theo đại diện các doanh nghiệp tham dự sự kiện, một số khó khăn đang cản trở như: quy định tính thuế nhà thầu đối với phần mềm, nội dung số nhập khẩu chưa rõ; chưa có hướng dẫn về thủ tục, chứng từ đối với hợp đồng xuất khẩu phần mềm qua Internet gây khó khăn cho doanh nghiệp khi áp dụng chính sách ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp; không có thống kê chính xác phần mềm xuất nhập khẩu và nội dung số…



Đại diện Vụ Công nghệ thông tin cho hay, phần mềm, nội dung số là hàng hóa vô hình, tuy nhiên được áp dụng quy trình thủ tục xuất nhập khẩu như hàng hóa hữu hình. Phần mềm, nội dung số chưa có mã số HS (HS - Harmonized Commodity Description and Coding System là mã số của hàng hóa xuất nhập khẩu theo một hệ thống phân loại hàng hóa) nên việc tiến hành thủ tục trên danh nghĩa vật mang tin, chứ không phải là trên phần mềm đó.

“Điều này gây khó khăn, vướng mắc cho cả cơ quan quản lý và doanh nghiệp. Trên cơ sở đó, Chính phủ đã giao Bộ Thông tin - Truyền thông chủ trì nghiên cứu, xây dựng quyết định của Thủ tướng Chính phủ về thí điểm quản lý hoạt động xuất nhập khẩu phần mềm, nội dung số và dịch vụ phần mềm”, đại diện Vụ Công nghệ thông tin khẳng định.

FPT Software hiện là công ty phần mềm lớn nhất Việt Nam xét trên cả quy mô doanh thu và nhân lực. Tính đến hết năm 2015, FPT Software đạt doanh thu 181 triệu USD, tăng 34% so với 2014 và quy mô nhân lực trên 9.000 người. Công ty đã và đang cấp dịch vụ cho khoảng 400 khách hàng là các công ty lớn trên toàn cầu. Nhờ nỗ lực nghiên cứu phát triển các giải pháp dịch vụ trên nền công nghệ mới SMAC, đặc biệt là trong lĩnh vực Cloud, FPT đã được Amazon Web Services và Microsoft Nhật Bản công nhận là đối tác chiến lược trong mảng công nghệ Cloud.

>> 'Vào FPT Software, bạn phải selfie ở New York'

Chi Vy

Ý kiến

()