Chúng ta

Năm rực rỡ của cổ phiếu nhà FPT

Thứ sáu, 23/2/2024 | 08:33 GMT+7

Cổ phiếu FPT, FPT Retail, FPT Telecom, FPTS đều “thăng hoa”, thậm chí lập đỉnh lịch sử.

Quý Mão nhìn chung là một năm không dễ dàng đối với nhà đầu tư chứng khoán tại Việt Nam dù VN-Index đã hồi về gần 1.200 điểm. Rất nhiều cổ phiếu trồi sụt thất thường, thậm chí chưa thoát khỏi vùng đáy. Trong bối cảnh đó, các cổ phiếu "họ" FPT trở thành điểm sáng khi FPT, FPT Retail, FPT Telecom, FPTS đều tăng mạnh, thậm chí lên đỉnh lịch sử.

Vốn hóa FPT tăng gần 50%

Sau giai đoạn đi ngang tích luỹ, cổ phiếu FPT đã bất ngờ tăng tốc ngoạn mục từ đầu tháng 2, qua đó leo lên lập đỉnh lịch sử mới 104.600 đồng/cp (kết phiên ngày 22/2). Vốn hóa thị trường tương ứng hơn 132.000 tỷ đồng (tương đương 5,5 tỷ USD), tăng gần 50% so với thời điểm cách đây một năm. Con số này cũng đưa FPT trở lại top 10 doanh nghiệp niêm yết giá trị nhất sàn chứng khoán sau nhiều năm vắng bóng, đồng thời củng cố vững chắc vị trí số 1 trong ngành công nghệ tại Việt Nam.

-7627-1708651886.png

Diễn biến giá cổ phiếu FPT trong 1 năm qua.

Đà tăng của FPT được hỗ trợ tích cực bởi kết quả kinh doanh khởi sắc với doanh thu và lợi nhuận liên tục tăng trưởng qua từng năm. Năm 2023, FPT ghi nhận doanh thu 52.618 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 9.203 tỷ đồng, lần lượt tăng 19,6% và 20,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là mức doanh thu và lợi nhuận kỷ lục của FPT kể từ khi hoạt động.

Năm 2023, doanh thu mảng dịch vụ CNTT nước ngoài đạt 24.288 tỷ đồng (1 tỷ USD), tăng 28,4%, nhờ mức tăng trưởng mạnh mẽ đến từ thị trường Nhật Bản (+43,4%) và châu Á-Thái Bình Dương (APAC) (+37,7%). Doanh thu ký mới của mảng CNTT nước ngoài đạt 29.777 tỷ đồng (+37,6%), trong đó có 37 dự án (+19,4%) với quy mô trên 5 triệu USD. FPT đặt mục tiêu doanh thu mảng CNTT nước ngoài đạt 5 tỷ USD vào năm 2030 (tương đương mức tăng trưởng kép 26% trong giai đoạn 2024-2030).

-3202-1708651886.jpg
 

Trong năm 2023, FPT cũng đã quyết liệt mở rộng thị trường thông qua M&A để thúc đẩy tăng trưởng trong tương lai. FPT đã mở rộng địa bàn bằng việc mua lại 3 công ty Mỹ và 1 công ty EU trong năm 2023, nhờ đó tăng cường đáng kể khả năng công nghệ và năng lực bán hàng. Cụ thể, FPT đã công bố việc mua lại Intertec vào tháng 2, Landing AI (Mỹ) vào tháng 10, Cardinal Peak (Mỹ) vào tháng 11 và Aosis (Pháp) vào tháng 12.

Trong báo cáo mới nhất, Công ty CP Chứng khoán TP HCM (HSC) duy trì khuyến nghị Mua vào dành cho mã FPT.

Theo HSC, cổ phiếu FPT đang giao dịch với P/E (Chỉ số P/E - Price to Earning ratio - chỉ số đánh giá mối quan hệ giữa giá thị trường của cổ phiếu (Price) với thu nhập trên một cổ phiếu (EPS)) trượt dự phóng 1 năm là 17,1 lần, cao hơn 1 độ lệch chuẩn so với bình quân từ tháng 1/2021 ở mức 15,6 lần nhưng vẫn thấp hơn 27% so với bình quân các công ty cùng ngành là 21,6 lần.

HSC nhấn mạnh, triển vọng lợi nhuận của FPT vẫn rất mạnh mẽ trong bối cảnh kinh tế khó khăn hiện nay. Công ty sẽ hưởng lợi từ xu hướng công nghệ mới nhất (AI tạo sinh và phương tiện kết nối) nên chúng tôi tin rằng nhu cầu sẽ mang tính cấu trúc và bền vững trong thời gian dài. HSC kỳ vọng FPT sẽ được định giá lại ở mặt bằng cao hơn. 

HSC duy trì khuyến nghị Mua vào và giá mục tiêu là 124.800đ. Tại thị giá hiện tại – và sau khi giá cổ phiếu tăng lần lượt 7% và 18% trong 1 tháng và 3 tháng qua - tiềm năng tăng giá vẫn là 20%.

FPT Telecom (FOX) - cổ phiếu tỷ USD ngành viễn thông

Một doanh nghiệp đầu ngành khác nhà FPT là FPT Telecom (mã FOX) cũng bứt phá rất mạnh trong năm vừa qua. Cổ phiếu này đã tăng hơn 60% trong năm Quý Mão và hiện giao dịch trên vùng đỉnh lịch sử với thị giá 61.500 đồng/cp (phiên ngày 22/2). Vốn hóa thị trường vượt mốc 30.000 tỷ đồng (khoảng 1,3 tỷ USD). Con số này giúp FPT Telecom giữ vững vị trí số 1 về vốn hóa trong ngành viễn thông trên sàn chứng khoán.

-7721-1708651886.png

Diễn biến giá cổ phiếu FPT Telecom trong 1 năm qua.

Tương tự như FPT, đà tăng của cổ phiếu FOX cũng được hỗ trợ bởi kết quả kinh doanh khởi sắc của FPT Telecom. Riêng trong quý 4/2023, doanh nghiệp viễn thông nhà F ghi nhận doanh thu thuần 4.115 tỷ đồng, tăng 5% so với cùng kỳ 2022. Lợi nhuận sau thuế đạt 590 tỷ đồng, tăng gần 14% so với quý 4/2022.

Lũy kế cả năm 2023, FPT Telecom ghi nhận doanh thu thuần đạt 15.806 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 2.428 tỷ đồng, lần lượt tăng 7% và 8% so với năm trước. Đây là mức lợi nhuận kỷ lục doanh nghiệp từng đạt được trong một năm. Kết quả này đã nối dài chuỗi tăng trưởng lợi nhuận lên 6 năm liên tiếp.

FPT Retail (mã FRT) - kỳ vọng "át chủ bài" Long Châu

Cũng lập đỉnh lịch sử nhưng đà bứt phá của cổ phiếu FPT Retail (mã FRT, sàn HoSE) thậm chí còn gây ấn tượng hơn. Sau một năm, thị giá FRT đã tăng gấp đôi lên mức 126.500 đồng/cp, tương ứng giá trị vốn hóa hơn 17.000 tỷ đồng. Con số này gấp hơn 3 lần so với thời điểm cổ phiếu FRT mới chào sàn chứng khoán cách đây gần 6 năm.

-2898-1708651886.png

Diễn biến giá cổ phiếu FPT Retail trong 1 năm qua.

Đáng chú ý, đà bứt phá của FRT lại diễn ra trong giai đoạn ngành bán lẻ ICT (một trong những trụ cột của FPT Retail) gặp rất nhiều khó khăn do sức mua suy yếu. Thực tế, trong năm 2023, FPT Retail đã lỗ 3/4 quý, lợi nhuận trước thuế cả năm âm 294 tỷ đồng. Đây là năm đầu tiên doanh nghiệp bán lẻ này thua lỗ kể từ khi niêm yết.

Tuy nhiên, FPT Retail vẫn đón những tín hiệu tích cực từ Long Châu, động lực tăng trưởng chính trong tương lai. Riêng quý cuối năm 2023, doanh thu chuỗi nhà thuốc này đã tăng khoảng 60% lên gần 5.000 tỷ đồng. Đây là quý đầu tiên doanh thu chuỗi dược phẩm của FPT Retail vượt chuỗi bán lẻ ICT.

Năm 2023, FPT Retail đã tiếp tục mở rộng chuỗi Long Châu với 560 cửa hàng mở mới, nâng số lượng nhà thuốc ra doanh thu lên 1.497 cửa hàng. Con số này đưa Long Châu trở thành chuỗi nhà thuốc lớn nhất Việt Nam. Doanh thu bình quân mỗi nhà thuốc trên một tháng vẫn duy trì 1,1 tỷ đồng năm 2023, các cửa hàng mới mở chỉ cần khoảng 6 tháng để đạt điểm hoà vốn.

Chứng khoán FPTS (mã FTS) - cổ phiếu tăng bằng lần

Dù chưa vượt đỉnh lịch sử trong năm Quý Mão vừa qua nhưng cổ phiếu chứng khoán FPT đã gây ấn tượng rất mạnh với mức tăng đến 150%. Cổ phiếu này hiện dừng ở mức 51.000 đồng/cp, tương ứng vốn hóa thị trường gần 11.000 tỷ đồng. Con số này chỉ thấp hơn khoảng 5% so với mức cao nhất mà công ty chứng khoán này từng đạt được hồi tháng 11/2021.

-7792-1708651886.png
 

Giống như FRT, cổ phiếu FTS tăng mạnh trong bối cảnh tình hình kinh doanh không thật sự khởi sắc. Quý 4/2023, FPTS ghi nhận doanh thu hoạt động đạt hơn 181 tỷ đồng, giảm 17% so với cùng kỳ 2022, chủ yếu do từ doanh và môi giới kém hiệu quả. Sau khi trừ chi phí, FPTS lãi trước thuế 63,6 tỷ đồng, giảm 42% so với cùng kỳ 2022.

Dù vậy, lợi nhuận trước thuế luỹ kế cả năm vẫn tăng gần 23% so với năm 2022, đạt gần 542 tỷ đồng, tăng 23% so với năm 2022. Với kết quả đạt được, công ty chứng khoán này đã hoàn thành vượt kế hoạch lợi nhuận cả năm đề ra.

FPT Online (mã FOC) - cổ phiếu cùng chiều lợi nhuận

Khác biệt nhất trong "họ" FPT, FPT Online (FOC) lại có một năm Quý Mão chưa thành công khi thị giá giảm gần 27%. Cổ phiếu này thậm chí còn có thời điểm rơi xuống vùng giá thấp nhất kể từ khi lên sàn. Hiện mức giá của FOC là 79.000 đồng, tương đương vốn hóa thị trường tương ứng 1.455 tỷ đồng, nhỏ nhất trong số các doanh nghiệp "họ" FPT trên sàn chứng khoán.

-8031-1708651886.png
 

Đà giảm của cổ phiếu FOC cũng đồng pha với lợi nhuận của FPT Online. Trong quý 4/2023, doanh nghiệp ghi nhận doanh thu thuần đạt 207 tỷ đồng, giảm nhẹ so với cùng kỳ. Trừ các chi phí, lợi nhuận sau thuế giảm gần 15% so với quý 4/2022, xuống còn 47 tỷ đồng.

Lũy kế cả năm 2023, FPT Online ghi nhận doanh thu đạt 620 tỷ đồng, giảm 20% so với năm trước. Lợi nhuận sau thuế đạt 113 tỷ đồng.

Hà Linh

Ý kiến

()