Chúng ta

MBS: Phần mềm và Bán lẻ là điểm sáng của FPT

Thứ hai, 11/7/2016 | 15:13 GMT+7

Trong báo cáo phân tích cổ phiếu FPT, Chứng khoán Ngân hàng Quân đội (MBS) cho rằng xuất khẩu phần mềm của FPT Software và Bán lẻ của FPT Retail là điểm sáng trong hoạt động kinh doanh của FPT.

“FPT đang là một trong những doanh nghiệp công nghệ thông tin của Việt Nam tạo được dấu ấn tại thị trường Mỹ", MBS nhận định. "Sau 7 năm phát triển, FPT đã có 6 văn phòng tại các bang lớn của Mỹ gồm New York, Seatle, Chicago, Los Angeles, Dallas và Sunnyvale với trên 100 nhân viên đến từ 15 quốc gia trên toàn cầu, cung cấp dịch vụ công nghệ thông tin cho hơn 20 khách hàng là các tập đoàn hàng đầu của Mỹ trong lĩnh vực sản xuất máy bay, thiết kế hệ thống điều khiển thang máy, truyền hình vệ tinh, ngân hàng…”. 

Anh3-2706-1425973440-5592-1444-9776-7807

“FUSA đang đặt mục tiêu doanh thu 100 triệu USD vào năm 2016, góp 1/3 doanh số trong mục tiêu 1 tỷ USD của FPT Software vào năm 2020”, anh Bùi Hoàng Tùng (giữa), GĐ FUSA, tự tin và cho biết Mỹ là một trong hai thị trường trọng điểm của FPT Software và là thị trường đầy tiềm năng. “FPT USA đóng góp một phần rất lớn về doanh thu cho công ty, nâng tầm cạnh tranh của công ty tại thị trường Mỹ cũng như trên toàn cầu”.

Trong những năm gần đây, FPT tại Mỹ (FUSA) luôn tăng trưởng bình quân 45% mỗi năm. Năm 2016, FPT đặt mục tiêu doanh thu đạt 100 triệu USD tại thị trường này. Theo dự báo của Gartner, trong giai đoạn 2015-2017, tổng chi cho dịch vụ công nghệ thông tin của Mỹ đạt khoảng 1.286 tỷ USD, gấp gần 2,5 lần so với con số tổng của khu vực châu Á - Thái Bình Dương gồm Australia, Nhật Bản, New Zealand, Singapore, Hàn Quốc. Có thể thấy cơ hội cho FPT nói chung và Việt Nam nói riêng tại Mỹ là rất lớn.

Với những con số ấn tượng, mảng Bán lẻ của FPT cũng được MBS điểm danh. Theo đó, sau 4 tháng đầu năm, FPT Shop đã mở mới 58 cửa hàng, nâng số lượng cửa hàng của hệ thống FPT Shop lên 310 trên toàn quốc. FPT Shop - ra đời sau cùng của làng bán lẻ thiết bị di động sau 4 năm mở rộng hoạt động đã nhanh chóng vươn lên vị trí thứ hai, nhờ tốc độ tăng trưởng doanh thu trung bình 97%/năm và số cửa hàng tăng 71%/năm.

2-6-2254-1468210676.jpg

Mảng Bán lẻ của FPT cũng cán những mốc ấn tượng trong năm 2015.

“Trong năm 2015, FPT Shop là công ty con tăng trưởng nhanh nhất với doanh thu tăng 50%, lợi nhuận trước thuế tăng 335% so với năm 2014. Kết thúc 4 tháng đầu năm 2016, lợi nhuận trước thuế của FPT Retail tiếp tục tăng trưởng tốt đạt 55 tỷ đồng, tăng 36% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 106% kế hoạch đặt ra”, Chứng khoán Ngân hàng Quân đội dẫn chứng. “Lĩnh vực Xuất khẩu phần mềm và Bán lẻ các sản phẩm công nghệ tiếp tục là hai điểm sáng lớn nhất của hoạt động kinh doanh trong 4 tháng đầu năm”.

Cụ thể, lĩnh vực Xuất khẩu phần mềm ghi nhận tốc độ tăng trưởng 38% về doanh thu và 23% về LNTT, đạt tương ứng 102% và 100% kế hoạch. Đặc biệt, Nhật - thị trường lớn nhất của FPT tại nước ngoài - đạt mức tăng trưởng doanh thu cao nhất trong các năm trở lại đây, với mức tăng 58% so với 4 tháng đầu năm 2015. Lĩnh vực bán lẻ cũng ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng với mức tăng 34% về doanh thu và 36% về LNTT sau 4 tháng, đạt tương ứng 106% và 103% kế hoạch.

Kết thúc 5 tháng đầu năm 2016, FPT ghi nhận doanh thu hợp nhất đạt 14.633 tỷ đồng, đạt 97% kế hoạch. Lợi nhuận trước thuế đạt 1.037 tỷ đồng, vượt 9% so với kế hoạch. Lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ đạt 722 tỷ đồng, đạt 116% kế hoạch, lãi cơ bản trên cổ phiếu đạt 1.572 đồng/cp. Lợi nhuận từ thị trường nước ngoài tăng 58% sau 5 tháng.

Định hướng toàn cầu hóa cũng tiếp tục duy trì kết quả khả quan với doanh thu từ thị trường nước ngoài sau 5 tháng tiếp tục tăng 36% so với cùng kỳ, đạt 2.195 tỷ đồng. Lợi nhuận từ thị trường nước ngoài đạt 313 tỷ đồng, tăng mạnh 45% so với cùng kỳ. Trong đó, đóng góp lớn nhất từ lĩnh vực xuất khẩu phần mềm với tốc độ tăng trưởng doanh thu 38% và lợi nhuận trước thuế 26%. Thị trường Nhật đạt mức tăng trưởng doanh thu 58% so với 5 tháng đầu năm 2015.

FPT đặt kế hoạch khá thận trọng cho năm 2016 với doanh thu đạt 45.796 tỷ đồng, tăng 14,5% và lợi nhuận trước thuế đạt 3.151 tỷ đồng, tăng 10,5% so với thực hiện năm 2015.

“Với tình hình kinh doanh khả quan trong 5 tháng đầu năm, chúng tôi dự phóng doanh thu thuần đạt 43.654 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 2.040 tỷ đồng, tăng lần lượt 15% và 7,6% so với thực hiện năm 2015, EPS forward năm 2016 đạt 5.131 đồng/cổ phiếu”, MBS dự đoán. “Bằng các phương pháp định giá FCFE, FCFF, chúng tôi đưa ra mức định giá bình quân đối với cổ phiếu FPT là 50.500 đồng/cổ phiếu, cao hơn 18,82% so với mức giá hiện tại là 42.500 đồng/cổ phiếu tại ngày giao dịch 4/7”.

Tuần qua, cổ phiếu FPT có một phiên giảm và 4 phiên tăng. Tính chung cả tuần, giá cổ phiếu FPT tăng 1.700 đồng/cổ phiếu (+4,06%) từ mức 41.900 đồng/cổ phiếu lên 43.600 đồng/cổ phiếu.

>> FPT là Top 'Bộ ba kỹ trị' của sàn chứng khoán Việt

Nguyên Văn

Ý kiến

()