Chúng ta

Mảng cốt lõi của FPT sẽ tăng trưởng lợi nhuận trên 30%

Thứ năm, 18/2/2016 | 15:18 GMT+7

Theo ước tính của VDSC, doanh thu và lợi nhuận trước thuế năm 2016 của FPT lần lượt tăng trưởng 7,5% và 11,4%. Đồng thời, EPS năm 2016 sẽ đạt khoảng 4.800 đồng, tương ứng mức P/E hiện tại khoảng 9.9x.

Công ty Cổ phần Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) vừa công bố báo cáo phân tích về triển vọng cổ phiếu FPT trong năm 2016. Theo VDSC, trong năm 2016, tăng trưởng của FPT sẽ đến từ CNTT và bán lẻ. Mảng CNTT được kỳ vọng sẽ duy trì tăng trưởng cao, với ước tính tăng trưởng lợi nhuận trước thuế hơn 30% và sẽ đóng góp khoảng 38,5% vào tổng lợi nhuận trước thuế trong năm 2016. Trong đó, lĩnh vực gia công phần mềm ước tính tăng trưởng 28%.

Đồng thời, VDSC kỳ vọng sự tăng trưởng của lĩnh vực giải pháp phần mềm sẽ bù đắp một phần sự sụt giảm của lĩnh vực tích hợp hệ thống. Trong năm nay, VDSC dự báo việc mở rộng thị trường hoạt động các nước đang phát triển như Lào, Campuchia, Myanmar, Bangladesh… sẽ giúp mảng giải pháp phần mềm tăng trưởng khoảng 20% về lợi nhuận trước thuế và đóng góp hơn 15% vào tổng lợi nhuận trước thuế của mảng CNTT.

fpt-is-5882-1455778742.jpg

Với động lực tăng trưởng chính là khối Công nghệ và Phân phối - Bán lẻ (tổng lợi nhuận của hai khối năm 2016 dự kiến tăng trưởng trên 20%), lợi nhuận trước thuế của FPT dự kiến tăng trưởng hai con số.

Đối với mảng bán lẻ, xu hướng mở rộng cửa hàng sẽ tiếp diễn trong năm 2016, VDSC dự báo tăng thêm 80 cửa hàng và nâng tổng số lên 330 shop. Biên lợi nhuận trước thuế theo đó dự báo tăng 2,9% từ mức 2,3% của năm 2015 và lợi nhuận trước thuế tương ứng tăng trưởng khoảng 70% so với năm trước, đóng góp 10% vào tổng lợi nhuận trước thuế của tập đoàn.

Trong lĩnh vực phân phối thiết bị công nghệ, sự thay đổi nhanh chóng về đặc điểm ngành sẽ khiến nhà phân phối như FPT Trading bị suy giảm tăng trưởng, chẳng hạn Apple cấp phép cho Thế giới di động, FPT Shop và DGW được nhập hàng trực tiếp, Nokia thay đổi chính lược kinh doanh. Theo ước tính của VDSC, Thế giới di động và FPT Shop trực tiếp nhập sản phẩm Apple sẽ làm suy giảm khoảng 3.000 tỷ đồng doanh thu trong mảng phân phối của FPT trong năm 2016.

Ở mảng viễn thông, đầu tư vốn lớn vào các dự án quang hóa vẫn ở mức cao. Ước tính chi phí đầu tư quang hóa cho các tỉnh thành ngoài TP HCM và Hà Nội trong năm 2016 vào khoảng 1.800 tỷ đồng.

Ngoài ra, việc phải trích lập 1,5% doanh thu vào quỹ viễn thông công cộng cũng là một khoản chi phí đáng kể mà FPT Telecom phải ghi nhận kể từ năm 2016. VDSC cho rằng kinh doanh tích hợp hệ thống sẽ chưa hồi phục trong năm nay do sụt giảm doanh thu từ khối khách hàng Nhà nước và Ngân hàng.

Câu chuyện thoái vốn của SCIC tại FPT Telecom khả năng mang lại mức P/E cao hơn đối với FPT ở một vài thời điểm trong năm. Riêng về giá trị mang lại đối với FPT về mặt tăng trưởng lợi nhuận, VDSC đánh giá phụ thuộc vào việc FPT có thể nâng được sở hữu bao nhiêu tại FPT Telecom trong tương lai.

Theo ước tính của VDSC, doanh thu và lợi nhuận 2016 của FPT lần lượt tăng trưởng 7,5% và 11,4%. Đồng thời, EPS năm 2016 sẽ đạt khoảng 4.800 đồng, tương ứng với mức P/E hiện tại khoảng 9.9x. FPT cũng có chính sách cổ tức khá ổn định, với mức tỷ suất cổ tức khoảng 4-6% mỗi năm.

VDSC kỳ vọng FPT là cổ phiếu đáng để nhà đầu tư ngại rủi ro tích lũy tại các giai đoạn điều chỉnh của thị trường. Ngoài ra, các thời điểm xuất hiện thông tin xoay quanh vấn đề thoái vốn của SCIC và thoái vốn FPT Shop có thể là cơ hội cho đầu tư ngắn hạn.

Trong phiên giao dịch hôm nay (ngày 18/2), cổ phiếu FPT tăng 800 đồng, ở mức giá 48.100 đồng.

Năm 2015, FPT đã trở lại quỹ đạo tăng trưởng hai chữ số, cả doanh thu và lợi nhuận, lần lượt ở mức 14% và 16%. Kết thúc năm 2015, doanh thu toàn tập đoàn ước đạt 40.002 tỷ đồng, tăng trưởng 14% so với năm 2014, đạt 101% kế hoạch năm. Lợi nhuận trước thuế toàn tập đoàn ước đạt 2.851 tỷ đồng, tăng 16% so với năm 2014, đạt 100% kế hoạch.

Lợi nhuận sau thuế toàn tập đoàn ước đạt 2.438 tỷ đồng, tăng 17% so với năm 2014. Lợi nhuận sau thuế thuộc về cổ đông công ty mẹ ước đạt 1.933 tỷ đồng, tăng 18% so với năm 2014. Lãi cơ bản trên cổ phiếu ước đạt 4.369 đồng, tăng 17% so với năm 2014.

Khối Công nghệ (gồm ba mảng là Phát triển phần mềm, Tích hợp hệ thống và Dịch vụ CNTT) vốn được coi là mũi nhọn của FPT vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng cao, ghi nhận doanh thu 8.605 tỷ đồng trong năm 2015, tăng 22% và LNTT đạt 926 tỷ đồng, tăng 25% so với cùng kỳ.

Khối Viễn thông (gồm hai mảng là Dịch vụ viễn thông và Nội dung số) ghi nhận doanh thu tăng 16% và lợi nhuận trước thuế tăng 10% so với cùng kỳ, đạt tương ứng 5.484 tỷ đồng và 1.041 tỷ đồng.

Khối Phân phối - Bán lẻ các sản phẩm công nghệ (gồm hai mảng là Phân Phối và Bán lẻ) có doanh thu và lợi nhuận trước thuế tăng lần lượt 11% và 24%, đạt tương ứng 25.212 tỷ đồng và 729 tỷ đồng trong năm 2015. Trong lĩnh vực Bán lẻ, năm 2015, FPT đã vận hành 252 cửa hàng trên phạm vi toàn quốc, với doanh thu tăng 51% và đặc biệt là lợi nhuận trước thuế tăng 335% so với cùng kỳ, vượt 47,5% kế hoạch cả năm của mảng này.

Định hướng Toàn cầu hóa tiếp tục mang lại kết quả khả quan trong năm 2015. Doanh thu từ thị trường nước ngoài toàn tập đoàn ước đạt 4.859 tỷ đồng, tương đương 221 triệu USD, tăng 41% so với năm 2014. Lợi nhuận trước thuế ước đạt 674 tỷ đồng, tương đương 31 triệu USD, tăng 17%. Doanh thu từ thị trường nước ngoài của FPT tăng mạnh càng khẳng định hướng chiến lược của tập đoàn đang được thực thi tốt và trở thành mũi tăng trưởng mới.

Hội đồng quản trị FPT vừa phê duyệt kế hoạch kinh doanh năm 2016 với doanh thu dự kiến đạt 45.796 tỷ đồng (ước tính 2 tỷ USD), tăng 14,5% so với năm 2015 và lợi nhuận trước thuế mục tiêu đạt 3.151 tỷ đồng, tăng 10,5%. Trong đó, khối công nghệ và phân phối - bán lẻ được xác định là động lực tăng trưởng chính, cùng với hạ tầng viễn thông và các hoạt động nghiên cứu phát triển tiếp tục được tập trung đầu tư mạnh mẽ. Tổng lợi nhuận của hai khối viễn thông, phân phối - bán lẻ dự kiến tăng trên 20% năm nay.

>> FPT tổ chức đại hội đồng cổ đông thường niên cuối tháng 3

Nguyên Văn

Ý kiến

()