Chúng ta

Kinh nghiệm chiếm lĩnh thị phần quốc tế của FPT

Chủ nhật, 8/1/2023 | 08:22 GMT+7

FPT phát triển năng lực toàn diện, địa phương hóa theo từng khu vực, hội nhập nhân sự, từ đó chiếm lĩnh thị phần lớn về công nghệ tại Nhật Bản, Singapore.

Cách phát triển thị trường nước ngoài là chủ đề mà đại diện FPT trao đổi tại Diễn đàn Quốc gia Phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam lần IV (VFTE 2022).

-5953-1670980893.jpg

FPT Singapore (màn hình trái) và FPT Nhật Bản (màn hình phải) tham gia VFTE 2022 theo hình thức trực tuyến. Ảnh: Đình Tùng

Tư vấn toàn diện trong chuyển đổi số

Từ đầu cầu Nhật Bản, đại diện FPT cho biết đơn vị đã hoạt động gần 20 năm tại quốc gia này. Trong đó, 15 năm đầu tiên chủ yếu là gia công phần mềm ra nước ngoài, cơ bản làm theo khách hàng bảo giống như "osin cao cấp".

Năm năm gần đây, FPT chuyển hướng sang chuyển đổi số, từ đi làm thuê trở thành đối tác chiến lược, giúp khách hàng trong quá trình chuyển đổi số đầy khó khăn. Không phải doanh nghiệp nào cũng đưa ra chiến lược chuyển đổi số, chưa kể không biết cách triển khai. Điều này đòi hỏi FPT cần có kỹ năng tư vấn, điều tra... để có thể hỗ trợ khách hàng.

Chiến lược thành công của đơn vị xoay quanh ba hướng. Một là tập trung phát triển năng lực toàn diện. Không chỉ tập trung vào vấn đề kỹ thuật, FPT tại Nhật Bản còn phát triển năng lực liên quan đến tư vấn, giúp tiếp cận doanh nghiệp từ giai đoạn định hình ra chiến lược.

Hai là, quá trình chuyển đổi số đòi hỏi phải sát sao với khách hàng, hướng dẫn họ thực hiện. Do đó, FPT hiện chiến lược địa phương hóa, mở văn phòng ở khắp các tỉnh thành. Hiện tại, tập đoàn có 13 văn phòng tại khắp các tỉnh thành của Nhật và dự kiến mở thêm 5 cái nữa trong tương lai.

Thứ ba, doanh nghiệp chú trọng chiến lược hội nhập nhân sự bởi hiện tại chất xám chủ yếu mang từ Việt Nam sang nước ngoài. Hiện trong số 2.000 nhân viên FPT Nhật Bản, tỷ lệ người Nhật chỉ 20%. Thời gian tới, doanh nghiệp đặt mục tiêu phát triển tỷ lệ người Nhật lên 50%.

"Nhân sự người Nhật chính là cầu nối gắn kết giá trị Việt Nam với Nhật Bản. Nhân sự là vấn đề cốt lõi nên FPT rất chú trọng điều này", vị đại diện cho hay.

-9406-1670980893.jpg

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cùng Thứ trưởng Thông tin Truyền thông Phạm Đức Long tham quan gian hàng của FPT tại triển lãm trong khuôn khổ VFTE 2022. Ảnh: Đình Tùng

Thấu hiểu văn hóa thị trường

Sau 15 năm hoạt động tại Singapore, đại diện FPT cho biết doanh nghiệp này đã nhanh chóng chiếm lĩnh thị phần lớn về công nghệ, giải pháp chuyển đổi số tại đảo quốc sư tử.

FPT Singapore nằm trong top 50 doanh nghiệp công nghệ thông tin lớn nhất trong số hơn 3.000 doanh nghiệp tại đây. Hoạt động tại thị trường kinh tế số phát triển mạnh mẽ của khu vực, đội ngũ FPT luôn ý thức các giải pháp đáp ứng nhu cầu tốc độ phát triển của các doanh nghiệp.

Theo đó, ngoài cung cấp dịch vụ IT truyền thống, chuyển đổi số theo từng khu vực, FPT tại Singapore trong 5 năm trở lại đây đã đẩy mạnh tư vấn và thiết kế giải pháp từ A-Z, xây dựng kiến trúc, triển khai, vận hành.

"FPT hướng tới tăng giá trị cho khách hàng về công nghệ, tư vấn giải pháp, thay vì chỉ cung ứng sản phẩm. Các giải pháp được đo đạc, giải bài toán cho khách hàng một cách cụ thể", đại diện đơn vị nói.

-4405-1670980893.jpg

Ngoài phần trình bày của hai đơn vị thành viên, anh Nguyễn Văn Khoa - Tổng giám đốc Tập đoàn FPT cũng có tham luận tại VTFE 2022 về hành trình toàn cầu hóa từ năm 1999. Ảnh: Đình Tùng

Doanh nghiệp đã xây dựng đội ngũ thấu hiểu văn hóa của thị trường. Đội ngũ tại Singapore có hơn 50% số lượng nhân viên là người bản địa, đến từ quốc gia khác Việt Nam, điều này tạo nên nhiều cái nhìn mới, tư duy mới, đóng góp kinh nghiệm, trải nghiệm đa dạng trong khu vực.

FPT đặt mục tiêu lọt vào top 20 công ty giải pháp công nghệ thông tin ở Singapore vào năm 2025. Các khách hàng của FPT tại Singapore gồm nhiều cái tên lớn trong khu vực như CapitaLand, Singapore Airlines, các bộ, ban ngành...

Diễn đàn Quốc gia Phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam là chương trình thường niên do Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức. Ở năm thứ tư, VFTE 2022 hướng tới thúc đẩy quá trình triển khai Chương trình Chuyển đổi số Quốc gia với mục tiêu kép: phát triển đồng bộ ba trụ cột - Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, đẩy mạnh quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước; hình thành các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam có năng lực cạnh tranh toàn cầu.

VFTE 2022 diễn ra vào ngày 8/12. Sự kiện quy tụ gần 1.000 lãnh đạo Chính phủ, chuyên gia, người đứng đầu doanh nghiệp hàng đầu về công nghệ. Chương trình có ba hoạt động chính: phiên thảo luận; trao giải Sản phẩm công nghệ số Make in Viet Nam 2022; triển lãm giải pháp số Make in Viet Nam tiêu biểu.

Đình An

Ý kiến

()