Ngày 25/1, FPT Software ký hợp đồng xuất khẩu phần mềm với công ty năng lượng innogy SE (thành viên của Tập đoàn RWE, Đức) trị giá hơn 100 triệu USD - lớn nhất trong lịch sử gần 20 năm của FPT Software cũng như ngành phần mềm Việt Nam.
innogy SE là công ty năng lượng hàng đầu châu Âu với mục tiêu giúp mọi người cải thiện chất lượng cuộc sống bằng cách sử dụng năng lượng một cách sáng tạo thông qua các sản phẩm và dịch vụ bền vững. Doanh thu của công ty này là 44 tỷ Euro với mạng lưới 23 triệu khách hàng trên khắp châu Âu.
Ông Fabian Andreas, Quản lý mua sắm innogy SE, chia sẻ, công ty năng lượng hàng đầu châu Âu đang phát triển rất nhanh. “Vì vậy, chúng tôi cần đảm bảo việc tiếp cận kiến thức, tài nguyên nhưng trên hết là khả năng đổi mới trong lĩnh vực CNTT để thay đổi cuộc chơi của thị trường điện/nước/gas (utility market)”.
Chủ tịch FPT Software Hoàng Nam Tiến tại sự kiện khởi công F-Town 3, quận 9. |
Với hợp đồng mới, FPT Software sẽ cung cấp các giải pháp trên nền tảng công nghệ SAP, IoT và các nền tảng chuyển đổi cho innogy SE trong giai đoạn 2018-2024. “Đây là điều chưa từng có bởi các hợp đồng trước đó thường trong ngắn hạn, chỉ trong 3-12 tháng”, anh Tiến nhấn mạnh. “Không dễ để làm khách hàng tin cậy, đặc biệt đây là một công ty Đức, quy trình Đức. Để thực hiện hợp đồng, chúng tôi huy động kỹ sư của FPT Software từ 5 quốc gia tham gia, thể hiện tính toàn cầu".
Theo Giám đốc FPT châu Âu Lê Hồng Hải, giá trị hợp đồng thể hiện "khoản cứng" mà FPT sẽ được nhận. "Điểm thú vị là chúng ta có cơ hội tăng thêm giá trị khi có thể thực hiện thêm các dịch vụ mới", anh Hải nhấn mạnh. "Thời gian hợp đồng kéo dài cũng là một điểm nhấn".
Giám đốc FPT châu Âu Lê Hồng Hải (trái) trong lễ ký kết hợp đồng tổng giá trị trên 100 triệu USD với tập đoàn năng lượng hàng đầu châu Âu - innogy SE (thành viên của Tập đoàn RWE). |
Chia sẻ tại sự kiện khởi công tòa nhà F-Town 3 ở quận 9 hôm 15/1, người đứng đầu FPT Software cho rằng đây là hợp đồng ý nghĩa lịch sử trong ngành phần mềm Việt Nam. “Khu Công nghệ cao TP HCM có các đại gia lĩnh vực sản xuất sản phẩm công nghệ trong nhóm đầu tư nước ngoài có mang lại doanh thu xuất khẩu hàng tỷ đô la nhưng giá trị gia tăng - phần giá trị chênh lệch giữa giá trị hàng hóa bán ra và giá trị của những thứ dùng để làm ra hàng hóa đó - rất thấp. “Hợp đồng có giá trị hơn 100 triệu USD về xuất khẩu phần mềm này mang lại giá trị gia tăng lớn tương đương các hợp đồng xuất khẩu gạo, điện thoại di động hàng tỷ USD”.
“Tôi xác nhận giá trị gia tăng của hợp đồng hơn 100 triệu USD này tương đương hàng tỷ USD của các doanh nghiệp FDI khác”, ông Lê Hoài Quốc, Trưởng ban Quản lý Khu công nghệ cao TP HCM, thừa ủy quyền của lãnh đạo TP HCM, phát biểu trong lễ khởi công F-Town 3. “Tôi vui mừng với thông tin này. Đây là niềm tự hào của đất nước minh chứng được bằng thực tế sinh động so với những điều trước đây chỉ ở dạng tiềm năng”.
Trưởng Ban quản lý Khu công nghệ cao TP HCM đánh giá cao hợp đồng mới của FPT Software. |
Chủ tịch FPT Software Hoàng Nam Tiến tự tin cho hay, thông qua hợp đồng kỷ lục mới, ngành phần mềm Việt Nam đã không còn là "tiềm năng" nữa mà có năng lực thực sự, phát triển thực sự để tham gia thị trường toàn cầu, có doanh số 994 tỷ USD.
Trước đó, tại Diễn đàn xúc tiến xuất khẩu Việt Nam, anh Tiến từng khẳng định, giá trị "do người Việt Nam làm ra" trong ngành phần mềm là rất cao. Nguyên nhân để xuất khẩu được 30 tỷ USD điện thoại di động, Việt Nam cần nhập khẩu 25 tỷ USD, còn ở ngành nông nghiệp khoảng 50-50.
“Chúng tôi hiểu được những xu hướng đang thách thức ngành công nghiệp năng lượng khi cùng với các đối tác cung cấp giải pháp. Và với FPT Software, chúng tôi đã tìm được một đối tác tin cậy”, ông Frank Wendiggensen (thứ ba từ trái qua), Quản lý đối tác RWE/innogy, khẳng định. Ảnh: CEO FPT Software Hoàng Việt Anh và ông Frank Wendiggensen, Quản lý đối tác RWE/innogy, bắt tay trao hợp đồng. |
Trong khi đó, đối với ngành phần mềm, cứ 100 USD xuất khẩu thì có 84–86 USD do người Việt làm ra. Điều này cho thấy giá trị gia tăng của ngành rất tốt. "Trung bình, mỗi CBNV FPT Software làm ra khoảng 550 triệu đồng/năm", anh Tiến nói.
Trước đó, năm 2014, FPT đã tiến hành thương vụ mua bán và sáp nhập (M&A) 100% vốn của Công ty RWE Slovakia IT (công ty CNTT của RWE), đổi tên thành FPT Slovakia và bắt đầu triển khai dự án cung cấp dịch vụ CNTT liên quan cho RWE AG/innogy SE. Đây là thương vụ M&A đầu tiên trong lịch sử của ngành CNTT Việt Nam.
>> FPT Software giành hợp đồng kỷ lục hơn 100 triệu USD
Nguyên Văn
Ý kiến
()