Tính đến nay, Đường sắt Việt Nam đã bán được 521.200 vé điện tử. GĐ Trung tâm Giải pháp Dịch vụ vận tải hành khách lưu ý với hành khách: "Sau khi thanh toán trực tuyến, hệ thống thông báo đã mua vé thành công, có thông tin mã vé và thông tin hành khách. Như vậy, giao dịch mới kết thúc thành công".
Từ ngày 1 đến 16/10, ĐSVN đã bán ra khoảng 13.000 vé tàu Tết Bính Thân, trong đó, hình thức đặt mua qua mạng chiếm hơn 50%. |
Đại diện Đường sắt Việt Nam cho biết thêm, sau 15 ngày, hơn 70% lượng vé tàu Tết chặng dài từ Sài Gòn đi Hà Nội đã được bán ra. Sau khi hành khách hết nhu cầu mua vé chặng dài, ngành đường sắt sẽ dành số vé tàu Tết còn lại để cho hành khách có nhu cầu đi lại các chặng vừa và ngắn, dự kiến triển khai đầu tháng 11.
Theo kế hoạch, số lượng vé bán ra trong các đợt cao điểm Tết Bính Thân, từ ngày 29/1 đến 6/2/2016 (tức từ ngày 20 đến 28/12 âm lịch), là 15.000 vé/ngày trong tổng số 135.000 vé. Để đảm bảo sự thuận tiện, hành khách có thể đặt chỗ và thanh toán trực tuyến qua các website của Đường sắt Việt Nam, gồm dsvn.vn, vietnamrailway.vn, vetau.com.vn. Ngoài ra, hành khách cũng có thể đặt chỗ trực tuyến và sử dụng mã code được hệ thống cung cấp để thực hiện việc thanh toán tại các bưu cục của Bưu điện Việt Nam, điểm bán vé của nhà ga hoặc hệ thống ngân hàng VIB.
Dự án Hệ thống bán vé điện tử của Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam được FPT IS khởi động từ tháng 7/2014. Đây là sản phẩm hợp tác với FPT theo hình thức thuê dịch vụ CNTT. Trong đó, FPT cung cấp dịch vụ CNTT hoàn chỉnh từ Hệ thống phần mềm quản lý bán vé điện tử đến hạ tầng CNTT. Thay vì trả chi phí một lần, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam sẽ trích tỷ lệ phần trăm doanh thu bán vé thu được qua hệ thống điện tử để trả dần cho nhà cung cấp (FPT). Hợp đồng kéo dài 7 năm, chia làm 3 giai đoạn. Dự kiến, sau khi hoàn chỉnh vào tháng 11/2015 với thời hạn 6 năm, hệ thống sẽ được áp dụng tại tất cả ga thuộc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam trên toàn quốc. |
Hà Dương
Ý kiến
()