Chia sẻ tại Ngày hội thanh niên thủ đô khởi nghiệp lần thứ nhất tại ĐH Bách khoa Hà Nội, diễn ra vào ngày 10/4, với sự tham gia của 3.000 đoàn viên, thanh niên, COO Hoàng Việt Hà đã đưa ra những thông tin về các dự án khởi nghiệp, dưới góc nhìn từ hoạt động doanh nghiệp.
Theo anh, có rất ít dự án khởi nghiệp của người trẻ thu hút được nhà đầu tư. Chỉ khoảng 10-20% tổng số hồ sơ lọt được vào vòng trong và trong đó, chỉ có 1-2 hồ sơ được xem xét. Nguyên nhân được anh chỉ ra là sự thiếu kinh nghiệm để chứng tỏ năng lực khởi nghiệp thành công. Bên cạnh đó, cơ hội trong dự án không rõ ràng, mơ hồ về các khái niệm chính là "điểm trừ" của người trẻ có ý định khởi nghiệp trong mắt nhà đầu tư.
Nguyên Phó thủ tướng Vũ Khoan chia sẻ, trước đây thế hệ ông không có nhiều cơ hội tự quyết ngành nghề. Ảnh: S.T. |
Để khởi nghiệp, anh Hà cho rằng, điều quan trọng nhất chính là sự sáng tạo, và có hướng đi riêng, không dập khuôn theo những người đi trước một cách máy móc. "Hãy để sự sáng tạo bắt nguồn từ nỗi sợ, trở thành nỗi ám ảnh, lúc ấy nó sẽ thôi thúc con người sáng tạo ra những giá trị tuyệt vời. Nỗi sợ bị tụt hậu, sợ bị cạnh tranh, sợ thua kém… chính là động lực để phát triển", anh nói.
Trong khuôn khổ của chương trình, nguyên Phó thủ tướng Vũ Khoan cũng đã chỉ ra 8 chữ T cần thiết trong hoạt động khởi nghiệp, gồm: tức khí, tò mò, thử nghiệm, tìm kiếm, chữ tín, thất bại, thử lại, thành công. "Đây là những nhân tố cơ bản cần thiết để các bạn trang bị kiến thức, kỹ năng cơ bản trên con đường khởi nghiệp, xác định năng lực bản thân, sự mạo hiểm, thách thức và cả những thất bại”, nguyên Phó thủ tướng nói.
Theo ông Khoan, thanh niên ngày nay có thuận lợi là được tiếp xúc với các luồng văn hóa, các nền kinh tế, được tự do lựa chọn ngành nghề mình yêu thích. Tuy nhiên, thách thức là mỗi thanh niên phải tìm ra đâu là con đường khởi nghiệp đúng đắn nhất với mình.
Mới đây, tại Hội thảo Khởi động sáng kiến khởi nghiệp quốc gia do FPT tổ chức vào cuối tháng 3, FPT và Quỹ đầu tư dài hạn Dragon CapitalGroup đã ký thỏa thuận hợp tác về việc thành lập Quỹ tăng tốc khởi nghiệp Việt Nam (Vietnam Innovative Startup Accelerator, gọi tắt là VIISA). Đây là một trong những sáng kiến về khởi nghiệp quốc gia đầu tiên được thực thi.
VIISA là một quỹ mở, có sự tham gia của nhiều doanh nghiệp lớn, quỹ đầu tư. Mục đích của quỹ là sàng lọc, đào tạo, hỗ trợ các nhóm khởi nghiệp trong lĩnh vực CNTT, di động, Internet, tài chính để trở thành các doanh nghiệp thành công. Dự kiến trong quý II/2016, khóa đào tạo tăng tốc khởi nghiệp đầu tiên của VIISA sẽ chính thức bắt đầu.
Quỹ được kỳ vọng sẽ tạo ra một hệ sinh thái khởi nghiệp mới để góp phần thực hiện mục tiêu Bộ Khoa học Công nghệ đặt ra đến năm 2020, Việt Nam sẽ có 5.000 công ty công nghệ. Các nhà sáng lập của VIISA khẳng định sẽ nỗ lực đưa quỹ thành trung tâm tâm kết nối các startup Việt Nam với các doanh nghiệp, nhà đầu tư trên thế giới.
Hiện FPT và Dragon Capital Group đang kêu gọi nhiều tên tuổi nằm trong Top 500 doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam cũng như các quỹ, vườn ươm khởi nghiệp khác trên thế giới cùng tham gia xây dựng và phát triển VIISA.
Trước đó, vào tháng 5/2015, FPT ra mắt Quỹ đầu tư mạo hiểm (FPT Ventures) với mong muốn mang đến cho các startup công nghệ tại Việt Nam cơ hội đưa những sản phẩm khởi nghiệp của mình lên tầm cao mới. FPT Ventures hoạt động với tư cách như một nhà đầu tư và là nơi ươm mầm cho các startup bằng việc cung cấp tiền mặt, nguồn lực cũng như kỹ năng về công nghệ và kinh nghiệm quản lý.
Hiện FPT Ventures đầu tư ngay trong nội bộ tập đoàn và các khởi nghiệp bên ngoài, gồm: ANTS, dự án bảo mật CyRadar, Ứng dụng di động dạy phát âm tiếng Anh Elsa… Theo tiết lộ bên lề sự kiện Quỹ Tăng tốc khởi nghiệp Việt Nam (Vietnam Innovative Startup Accelerator, gọi tắt là VIISA) diễn ra chiều ngày 30/3, đại diện FPT Ventures cho biết, chưa đầy một năm nhưng quỹ đã rót vốn trên 1 triệu USD cho các khởi nghiệp.
>>FPT sẵn sàng cho kỷ nguyên số
Tiểu Thanh
Ý kiến
()