Chúng ta

Hành trình ‘vượt cạn’ đầy cảm xúc của P3.M35

Thứ sáu, 6/7/2018 | 10:39 GMT+7

Giám đốc dự án M35 - anh Lê Téc Nen ví buổi Demo đánh giá Go-mass như cuộc “vượt cạn” đầy cảm xúc của FPT Software.

Cách so sánh của Tổng chỉ huy trận đánh đủ để thấy tính chất sinh tử trong buổi Demo. Đây là dấu mốc cực kỳ quan trọng với FPT Software vì tại đây, khách hàng quyết định sản phẩm có được sản xuất đại trà (go-mass) hay không. Sau những lần thử nghiệm chưa được ưng ý, MJS mong muốn FPT Software đẩy nhanh tiến độ, nâng cao năng suất và tiết kiệm. Với đối tác, đây là dự án mang tính vận mệnh nên những gì họ kỳ vọng là cực kỳ cao. 

Ban lãnh đạo và đội dự án ai cũng lo lắng khi những sự cố đột xuất hoàn toàn có thể xảy ra. Phấn khởi khi nhận được dự án “khủng long” bao nhiêu thì trách nhiệm đặt lên vai những nhà chỉ huy và mỗi thành viên P3 nặng nề bấy nhiêu.

MG-9080-9321-1530806045.jpg

Với dự án M35, lần đầu tiên trong lịch sử FPT Japan sẽ đảm nhận vai trò như một công ty SI (Systems Integrator - tích hợp hệ thống), thực hiện tư vấn và giải quyết bài toán công nghệ cho người dùng cuối (end user). Hợp đồng được gọi với mật danh “dự án khủng long” của FPT. Anh Lê Téc Nen là tổng chỉ huy của dự án. 

Để chuẩn bị cho demo sản phẩm, đội dự án đã chiến đấu trong nhiều ngày liền để đánh giá, phát hiện và xử lý dứt điểm những vấn đề phát sinh. Xuyên đêm, có anh em bám công ty 1 tuần liền, có người mặc nguyên 1 bộ áo quần từ thứ Bảy tuần trước đến thứ Ba, ngày 3/7. 

4h sáng ngày 3/7, đội chính thức sửa xong những lỗi cuối để ra sản phẩm đóng gói (package) hoàn chỉnh chạy thử nghiệm cho khách hàng. Mọi người chỉ có thể tạm thở phào vài tiếng ngắn ngủi trước khi bước vào buổi Demo.

9h sáng, phòng họp F-Town hiện diện đầy đủ “bá quan văn võ”, lãnh đạo cấp cao của 2 bên. Demo sản phẩm M35 “lên bàn mổ”. Hai bên “mổ xẻ” đến tận 8h tối với những cuộc thảo luận đầy căng thẳng. 

Sau những cuộc thảo luận, ông Yoshihito Sakurai – quản lý cấp cao nhất của dự án tại Việt Nam nhận xét: “Mức độ chi tiết về chức năng của sản phẩm demo đã gần với chức năng thực tế hơn”. Vậy là cuối cùng, MJS chính thức đồng ý cho dự án M35 đi vào sản xuất đại trà.

Nhận được kết quả trên, toàn Ban điều hành và đội dự án cảm xúc lẫn lộn - vui mừng phấn khởi, thở phào nhẹ nhõm. “Đây là niềm vui nho nhỏ chứa nhiều máu, nước mắt của một tập thể sống quên mình vì nhiệm vụ”, anh Lê Téc Nen không giấu được cảm xúc. Có những anh em đội FWB, bước ra khỏi phòng họp là tìm chỗ ngủ để lấy lại sức! 

MG-9084-2807-1530806045.jpg

Dự án chia làm 2 mốc go-live lớn: Lần 1 gồm các phân hệ lõi như Common, Finance, Assets, HR-Payroll vào tháng 4/2020; và lần 2 các phân hệ còn lại Sales, Tax cùng một số phần của phân hệ core vào tháng 10/2020.

Phía sau tiếng thở phào nhẹ nhõm ấy, nhìn vào những ánh mắt vẫn còn bao lo lắng là thấy cả một quá trình “thai nghén” trường kỳ ở sau lưng, còn ngẩng mặt về phía trước là một chặng đường gian nan chờ đón. Giám đốc sản xuất FPT Software Đào Duy Cường bình luận ví von: “Giờ phải sẵn sàng 9 tháng đẻ 999 đứa... muôn vàn thách thức với vô số trải nghiệm thú vị”. 

Từ khi dự án khởi động (23/5/2017), FPT Software đã tập hợp lượng chiến binh thiện xạ từ các đơn vị nội bộ cho dự án. Theo đại diện P3, thách thức lớn nhất của công ty trong dự án này là đầu bài của khách hàng đưa ra chưa có đủ đầu vào. Lần đầu ở vị trí “tổng thầu”, FPT phải hoàn thiện sản phẩm từ A-Z. Trong đó, về nghiệp vụ ERP, dù đã có đội triển khai hỗ trợ ở offshore nhưng bài toán không chỉ dừng lại ở từng phần việc mà là xây dựng tổng thể. Với quy mô gần 1.000 người làm trong một năm, đơn vị phải chủ động đưa ra hướng đi, giải quyết được kỳ vọng của khách hàng.

P3 đã quyết liệt và dồn toàn tâm toàn lực bởi ai cũng hiểu đây như một trận chiến sinh tử, chỉ được thắng không được thất bại. Trong 6 tuần nước rút trước demo đánh giá Go-mass, P3 thành lập dự án Framework Baseline (FWB) - tập trung xây dựng framework, đổ dồn 150 người có lúc lên đến 200 người. 

Tháng 5, anh Lê Phước Tùng - FPT Software Đà Nẵng vừa đính hôn được 1 ngày là tạm biệt gia đình vào TP HCM onsite để trực tiếp tham gia FWB. Tính đến thời điểm hiện tại đã gần 2 tháng. Tùng kể, đợt trước làm PoC thử nghiệm, khách hàng có phản hồi không tốt khiến anh vô cùng chán nản muốn xin nghỉ nhưng rồi chỉ được phép tiến không lùi. Càng gần đến ngày demo để đánh giá Go-mass sản phẩm, anh càng lo lắng, những nỗi sợ cứ hiển hiện - sợ phát sinh lỗi, sợ môi trường set-up có vấn đề. “Bây giờ nhẹ người rồi”, một câu ngắn gọn để diễn tả cảm xúc khi nhìn thấy cái gật đầu của khách hàng. 

MG-9148-4608-1530806045.jpg

Các thành viên P3 từ Đà Nẵng vào để tham gia đội FWB chạy nước rút trong 6 tuần trước Demo đánh giá Go-mass. Anh Lê Phước Tùng (trái) và anh Nguyễn Hà Tiến. 

Cũng từ Đà Nẵng, anh Nguyễn Hà Tiến sốt ruột khi dự án thử nghiệm PoC mãi vẫn chưa go-mass được, muốn nhảy vào TP HCM để “xem như thế nào”. Ở Đà Nẵng 2-3 năm chưa đụng đến thuốc tây nhưng vào TP HCM một tuần đã uống thuốc thường xuyên. Nhóm anh có nhiệm vụ nhận Requirement (yêu cầu) và tìm ra Solution (giải pháp). Có những Function (chức năng) làm đi làm lại 4 giải pháp vẫn không đạt. “Nhiều lúc muốn bỏ, vì đụng đâu lỗi đó, nhưng bằng mọi giá phải làm được không được bỏ cuộc”. 

Anh Nguyễn Mạnh Toàn - Solution Lead phần Front- end của dự án - kể từ ngày vào P3, cuộc sống thay đổi 360 độ. Cường độ công việc của anh đột ngột tăng lên, làm từ 9h sáng đến 1-2 giờ sáng hôm sau, đều mỗi ngày như thế kể cả thứ Bảy, Chủ nhật. “Tôi đi làm, mẹ tôi phải chờ cửa đến 1-2 giờ sáng. Một ngày tôi chỉ có 1 ít thời gian ngắn ngủi để đọc báo công nghệ, đi ăn cũng cầm điện thoại không là sẽ bị tụt hậu với những tin tức đang xảy ra”, anh Toàn trải lòng. 

Gian nan là thế nhưng “nếu cho chọn lại 10 lần tôi vẫn chọn P3 vì những bài học mà dự án mang lại cho tôi là vô giá”, anh Toàn quả quyết. Lần đầu tiên tham gia một dự án lớn chưa từng có và phải xây dựng từ đầu, nhưng cực kỳ tâm huyết với dự án, những kinh nghiệm có được thì anh Toàn đã mang hết vào dự án này.  

MG-9149-7538-1530806045.jpg

"Nếu được chọn lại 10 lần tôi vẫn chọn P3" là lời khẳng định của anh Nguyễn Mạnh Toàn, Solution Lead (áo đen). Bởi dự án với quy mô lớn chưa từng có mang đến cho anh những bài học đắt giá mà không phải ở đâu cũng có được. 

Từ nay đến ngày Go-live vào tháng 4/2020 là cả một chặng đường đầy thách thức của P3. Anh Lê Téc Nen thừa nhận kết quả hiện tại vẫn chưa hoàn hảo nhưng đây chính là động lực để đi vào cải tổ trong giai đoạn tiếp theo. Hiện tại, P3 mới giải quyết được khoảng 5% khối lượng công việc khách hàng yêu cầu và còn khoảng 13-14 tháng nữa để xử lý 95% khối lượng công việc còn lại. 

Tháng 7, M35 đi vào giai đoạn Go-mass sơ kỳ. Đây là giai đoạn Sản xuất đại trà thử nghiệm, để đánh giá, rút ra bài học và cải tiến. Tháng 8, có 2 thách thức lớn mà P3 phải vượt qua, một là hoàn thiện tất cả các lỗi (open issue) của FW tại lần đánh giá vừa rồi, nghĩa là phải triệt tiêu hết các open issue đó để sẵn sàng cho sản xuất diện rộng. Đồng thời, P3 sẽ phải xác định rõ các bài học trong 2 tháng sản xuất đại trà sơ kỳ để có giải pháp làm suôn sẻ, có những thay đổi cần thiết tất cả các vướng mắc để bước vào giai đoạn Go-mass diện rộng chính thức từ tháng 9/2018.

>> Khách hàng đánh giá Demo sản phẩm dự án M35 gần sát thực tế

Hợp đồng M35 phát triển phần mềm thuần ban đầu có giá trị khoảng 35 triệu USD (hơn 700 tỷ đồng), thực hiện xây dựng hoàn chỉnh một hệ thống ERP (Enterprise Resource Planning - quản trị nguồn lực doanh nghiệp) cho doanh nghiệp vừa và nhỏ nổi tiếng của Nhật Bản, trên nền tảng .Net Web với công nghệ Front End tiên tiến nhất Angular 4 trong vòng ba năm. Khách hàng của đơn vị là công ty đã niêm yết trên sàn chứng khoán, chuyên làm các gói giải pháp ERP (quản trị nguồn lực doanh nghiệp) cho doanh nghiệp vừa và nhỏ tại xứ mặt trời mọc.

Tính đến ngày 23/5, P3 – dự án lịch sử của FPT đã chạy được tròn 1 năm. Chủ tịch FPT Software Hoàng Nam Tiến thừa nhận dự án M35 quá lớn với 13 triệu dòng lệnh và hàng nghìn function  (chức năng) khác nhau. Kế hoạch không thay đổi, đến tháng 4/2020, sản phẩm dự án M35 sẽ go-live. “Tính từ thời điểm Go-live đếm ngược lại có rất nhiều cột mốc phải đạt được, vô cùng khó khăn. Chúng ta chưa từng làm dự án lớn như thế này mà cũng có hay vì chúng ta đã trưởng thành lên”, người đứng đầu nhà Phần mềm nhận định. 

Xuân Phương

Ý kiến

()