Hành trình FPT mở đường đưa trí tuệ Việt Nam ra thế giới
Bằng tinh thần trách nhiệm, tận tâm, tận lực “vá” hàng nghìn lỗi cho dự án số hóa bản đồ với khách hàng Nhật Bản trong hơn 3 tháng, 120 kỹ sư phần mềm FPT đã nhận được hành động tri ân đặc biệt từ hơn 500 nhân viên người Nhật. Đó là khoảnh khắc đẹp mà người làm phần mềm ở FPT nhắc nhớ mãi khi kể về những dấu ấn của 25 năm, từ năm 1999, lúc “cuộc chiến” xuất khẩu phần mềm bắt đầu được phát động ở Việt Nam.
Bài học từ hành trình 5 năm “cô đơn” tìm đường
Cách đây 25 năm, rất ít thông tin về Việt Nam xuất hiện trên các phương tiện truyền thông nước ngoài. Trong giai đoạn những năm 1999, 2000, cũng có một vài công ty Việt Nam đã ra nước ngoài nhưng thực sự khi nhắc đến Việt Nam, các đối tác trên thế giới không biết gì hơn ngoài hai từ “chiến tranh” hoặc hỏi lại “Việt Nam ở đâu?”. Chúng ta chưa có thương hiệu quốc gia.
Với ý nghĩ ngành công nghiệp phần mềm có thể đưa Microsoft trở thành đế chế, làm cho nhiều công ty Trung Quốc, Ấn Độ trở nên giàu có và có tầm ảnh hưởng lớn, anh Trương Gia Bình, nhà sáng lập, Chủ tịch HĐQT FPT cho rằng FPT cũng sẽ làm được như Microsoft, Việt Nam cũng sẽ làm được như Trung Quốc hay Ấn Độ. Và FPT sẽ vượt qua biên giới địa lý quốc gia, vươn ra thế giới như các công ty toàn cầu khác, FPT sẽ tiên phong xuất khẩu phần mềm, FPT sẽ ghi dấu Việt Nam trên bản đồ công nghệ số thế giới.
Nhưng ngay từ đầu, anh Bình và các cộng sự đã tin tưởng rằng FPT nói riêng và Việt Nam nói chung không thể thành công nếu thiếu đi sự cộng hưởng, ủng hộ từ xã hội, cơ quan quản lý Nhà nước.
Để phát động “cuộc chiến” xuất khẩu phần mềm cho Việt Nam, FPT đã khởi xướng chiến dịch truyền thông, đưa khái niệm phần mềm vào mọi nơi mọi lúc, tới mọi đối tượng trong xã hội. “Ai cũng nói về phần mềm. Chính phủ bàn về phần mềm. Tỉnh, thành phố, quận huyện cũng bàn về phần mềm. Từ vấn đề kinh tế, xuất khẩu phần mềm đã trở thành vấn đề chính trị, vì nó không chỉ mang về cho đất nước một ít ngoại tệ mà là mở ra một cơ hội phát triển đất nước”, anh Hoàng Minh Châu, Thành viên Hội đồng sáng lập FPT, Cố vấn cấp cao của Tập đoàn FPT, hồi tưởng.
Năm 1998, FPT đã quyết định thành lập bộ phận chuyên trách xuất khẩu phần mềm đầu tiên của FPT – “Software 2000” với nhiệm vụ xuất khẩu phần mềm sang Bắc Mỹ, châu Âu, Nhật Bản trong năm 1998-1999, tiến tới mở văn phòng vào năm 2000.
Năm 1999, bước chân đầu tiên của FPT ra biển lớn là mở văn phòng tại Bangalore, Ấn Độ, nơi được xem là Silicon Valley của châu Á. Theo anh Phạm Minh Tuấn, Phó tổng Giám đốc FPT kiêm Tổng giám đốc FPT Software, khi đó, người FPT có niềm tin rằng: “Ấn Độ là cái chợ phần mềm, và cứ ra chợ đứng thì kiểu gì cũng kiếm được người mua”.
Tuy nhiên, sau 1 năm “đứng” ở chợ phần mềm Ấn Độ, việc bán phần mềm không thuận lợi. Năm 2000, chi nhánh FPT India chuyển thành văn phòng đại diện và đóng cửa một thời gian ngắn sau đó vì không ghi nhận được bất cứ hợp đồng phần mềm nào.
Tiếp sau Ấn Độ là Mỹ. Năm 2000, FPT mở tiếp văn phòng tại Silicon Valley, thậm chí còn thuê cả “Tây” làm giám đốc bán hàng. “Nhưng rồi chúng tôi nhanh chóng phải đóng cửa vì lý do đơn giản, không ai muốn giao việc cho chúng tôi”, anh Trương Gia Bình, vị “thuyền trưởng” chèo lái con tàu FPT đi ra biển lớn, nhớ lại.
“Ở thời điểm đầu tiên khi đi ra nước ngoài, FPT đã phải “đơn thương độc mã”. Chúng tôi phải mất 5 năm để thuyết phục được các doanh nghiệp công nghệ khác đi theo con đường xuất khẩu phần mềm”, anh Trương Gia Bình tiếc nuối.
Năm 2002, với việc kêu gọi thành lập Hiệp hội Phần mềm và CNTT Việt Nam (VINASA), FPT đã không còn lẻ bóng trên con đường hiện thực hóa giấc mơ mang trí tuệ Việt Nam ra toàn cầu. VINASA cùng với các doanh nghiệp như FPT, CMC, TMA, Hài Hòa… đã tạo thành một đàn chim Việt bay đi khắp thế giới.
Tại Nhật Bản - thị trường thành công nhất với các doanh nghiệp Việt ngày nay, những bước chân đầu tiên không dễ dàng.
Chủ tịch Trương Gia Bình ngậm ngùi kể lại: “Trong giai đoạn đầu tiếp cận đối tác, khách hàng Nhật Bản, vì không biết tiếng Nhật nên chúng tôi bị khách hàng nói khéo, “Chúng tôi rất muốn hợp tác với FPT nhưng các bạn chờ chúng tôi học xong tiếng Anh đã”. Để trả lời các đối tác Nhật Bản, tôi khẳng định “Chúng tôi sẽ học tiếng Nhật để quay lại bàn chuyện hợp tác với các bạn bằng tiếng Nhật””.
Và giờ Nhật Bản là thị trường lớn nhất với doanh thu chiếm khoảng 50% tổng doanh thu dịch vụ CNTT từ thị trường nước ngoài của FPT, đưa FPT trở thành một trong những doanh nghiệp công nghệ nước ngoài có quy mô nhân sự lớn nhất tại đây.
“Phía trước tôi không có con đường nào cả, phía sau tôi đường đã được tạo ra”, anh Trương Gia Bình dẫn lại câu thơ của nhà thơ, nhà điêu khắc Nhật Bản, Takamura Kotaro (1883-1956). Đại ý là đường là do chúng ta tạo ra, cứ đi rồi sẽ thành đường.
Với tài sản quý giá nhất là tâm huyết, là khát vọng, FPT đã mở được con đường góp phần đưa trí tuệ Việt Nam ra thế giới, khẳng định vị thế của Việt Nam trên bản đồ công nghệ số.
Chủ tịch Trương Gia Bình đúc kết: “Bài học lớn mà chúng tôi rút ra được từ những thất bại và thành công trên chính là phải có được niềm tin về đất nước, con người Việt Nam từ các đối tác”.
Những câu chuyện về FPT dưới đây sẽ minh chứng cho đúc kết ấy của anh Trương Gia Bình.
Chiến dịch “vá lỗi” và hành động cảm tạ chưa từng có trong tiền lệ
Nhận được thư mời nghiệm thu dự án của Zenrin, Tập đoàn bản đồ lớn nhất Nhật Bản, CEO FPT Japan Đỗ Văn Khắc nghĩ lần này cũng sẽ giống như bao lần nghiệm thu dự án khác mà anh và cộng sự đã làm trong suốt hơn hai thập niên qua. Đó là rút kinh nghiệm và bàn thảo cơ hội hợp tác trong tương lai. Nghĩ vậy, nên ông chỉ đi cùng một cộng sự là Nguyễn Thị Mỹ Chi, người trực tiếp phụ trách dự án.
Nhưng anh Khắc đã nhầm. Vừa bước vào cửa anh và cộng sự đã thấy hơn 500 nhân sự của Zenrin đứng xếp vòng quanh từ sảnh cho tới hành lang vòng trên tận lầu 3 tòa nhà trụ sở của Zenrin. Họ cùng vỗ tay và mỉm cười chào đón anh và cộng sự. Hai người lọt thỏm trong tiếng vỗ tay và vòng người Zenrin. Chưa hết bất ngờ, sau tràng pháo tay giòn giã, đại diện Zenrin tận tay trao bằng khen cho anh Khắc và cộng sự để cảm ơn những gì FPT đã làm vì sự thành công của dự án. Đây là màn cảm ơn đầy bất ngờ ngoài sức tưởng tượng của anh Khắc và cộng sự.
“Lúc bước vào, trước khung cảnh đấy, tôi ngây ngất và hơi choáng ngợp. Tôi đã không nói được gì chỉ biết cùng Mỹ Chi cúi đầu lia lịa đáp lại sự chân thành của khách hàng”, anh Đỗ Văn Khắc nhớ lại.
Tập đoàn Zenrin do ông Masatomi Osako thành lập vào năm 1948. Lúc đầu, Zenrin chỉ là một nhà xuất bản sách du lịch ở tỉnh Beppu, Oita Nhật Bản, nhưng Zenrin đã tạo nên khác biệt với những quyển sách có bản đồ chi tiết, gây ấn tượng mạnh mẽ với người đọc nói chung và du khách nói riêng. Theo thời gian, công nghệ phát triển, bản đồ điện tử dần trở thành xu hướng thời thượng. Zenrin cũng chuyển mình theo xu hướng này và họ cần một đối tác tin cậy để song hành.
Không đồng hành cùng Zenrin trong dự án số hóa bản đồ Nhật Bản ngay từ đầu nhưng FPT lại đóng vai trò quyết định sự thành bại của dự án. Zenrin đặt ra cho FPT bài toán “vá” hàng nghìn lỗi trong thời gian vẻn vẹn 3 tháng để đảm bảo tính chính xác tuyệt đối của các thông tin trên bản đồ sau khi số hóa. Một khối lượng công việc khổng lồ. Không “vá” được hết lỗi, không đúng hạn không những mất tiền mà còn mất mặt với khách hàng, thậm chí là mất đi mối quan hệ đã được thiết lập từ năm 2015. “Chúng tôi đã hạ quyết tâm rất lớn và ra quyết định: “Không đúng hạn là phải đền”, anh Khắc nhớ lại.
120 kỹ sư phần mềm có kinh nghiệm trong lĩnh vực bản đồ đã được nhanh chóng huy động để tham gia dự án. Họ làm việc liên tục không kể giờ giấc, kết nối liên tục giữa hai đầu chiến tuyến Việt Nam và Nhật Bản với một mục tiêu duy nhất: “vá” thành công tất cả các lỗi đúng hạn. FPT đã cập nhật lại dữ liệu, hoàn thiện tất cả các quy trình vận hành, đưa hệ thống vào hoạt động xuất sắc đúng thời gian đối tác cần.
“Lúc đó, chúng tôi chỉ biết đây là một dự án cần thực hiện khẩn trương, nghiêm túc, và đã đón nhận, huy động nguồn lực nhanh nhất, thực hiện tốt dự án và báo cáo với đối tác hàng ngày để khách hiểu, hỗ trợ kịp thời, cung cấp dữ liệu đầu vào cho mình đúng hạn…”, anh Đỗ Văn Khắc kể lại.
Zenrin đã nhận được kết quả hơn nhiều cái họ mong đợi, họ đã chào đón, tặng bằng khen cho FPT theo một cách đầy bất ngờ. Và sau đó, lúc ngồi ăn tối cùng nhau, trong câu chuyện họ kể, CEO FPT Japan Đỗ Văn Khắc mới hiểu ra FPT đã làm được một việc lớn cho Zenrin.
“Thị trường nào cũng cần niềm tin, đặc biệt là Nhật Bản, mang lại giá trị cho khách hàng, tạo dựng niềm tin bằng sự nhiệt thành và kết quả trong công việc. Cho khách hàng gặp người thật, để họ hiểu được tiềm năng, năng lực của mình có thể đáp ứng được quy mô lớn hơn, việc khó hơn, và đi được con đường dài cùng họ. Tôi cho rằng đây là những điểm quan trọng cho sự phát triển quan hệ giữa hai bên”, anh Khắc đúc rút.
Sau cú “xoay chuyển” ngoạn mục đó, Zenrin đã phát triển không ngừng. Hiện nay, rất nhiều công ty có nghiệp vụ cần sử dụng bản đồ hay các công ty cung cấp dịch vụ liên quan đến bản đồ đều đang sử dụng dữ liệu của Zenrin. Và FPT đã trở thành đối tác tin cậy, đồng hành Zenrin trong nhiều dự án lớn và quan trọng hơn.
Bức ảnh chụp lại khoảnh khắc lịch sử chưa từng có về sự tri ân đặc biệt của tập đoàn Zenrin được lan truyền rộng rãi trong FPT với sức lan tỏa mãnh liệt. Chủ tịch FPT Software Chu Thanh Hà nói, “bức ảnh đó thể hiện sự công nhận của khách hàng đối với chất lượng dịch vụ của công ty và sự tôn trọng, đánh giá cao của khách hàng đối với trí tuệ của đội ngũ kỹ sư của chúng tôi. Kiên trì, chân thành, nỗ lực thế nào cũng có được sự tin tưởng của khách hàng và có dự án lớn, dự án to”.
Bí mật đằng sau dòng code “made by FPT” trên các chuyến bay
Ở lĩnh vực hàng không, FPT đã viết nên một câu chuyện “không tưởng”, trở thành đối tác của cả hai tập đoàn sản xuất máy bay hàng đầu thế giới.
Gần một thập niên trước, FPT gửi hồ sơ đề xuất hợp tác với Airbus. Hồ sơ ấy nằm lẫn trong hàng nghìn hồ sơ khác. Điều đó có nghĩa là nó chưa từng được mở ra. Và lãnh đạo FPT nghiệm ra một điều, cần phải tìm mọi cách để gặp người đứng đầu của Airbus.
Ngay khi cơ hội đến, anh Bình đã chọn cách không nói về mình mà đặt một câu hỏi: “Trong cuộc cách mạng chuyển dịch số (Digital Transformation) này, Airbus định làm gì?”. Câu hỏi này đánh trúng tâm tư của những nhà lãnh đạo cấp cao của Airbus, từ đó hiểu được họ đang muốn gì.
Câu hỏi này cũng đã giúp FPT có cái hẹn tiếp theo với lãnh đạo cấp cao của Airbus. Ở lần gặp này, lãnh đạo FPT cũng vẫn không nói về mình mà gợi chuyện với câu hỏi: “Ông có thể chia sẻ cho tôi về Chiến lược chuyển đổi số (Digital Transformation Strategy)?”. Ngoài việc nhận được câu trả lời cho câu hỏi này, FPT còn nhận được một cái hẹn tại thủ phủ của Airbus.
Năm 2017, FPT là công ty công nghệ đầu tiên ở Đông Nam Á được Airbus lựa chọn phát triển nền tảng Skywise - nền tảng dữ liệu mở cho ngành hàng không thế giới. Cùng với 4 tên tuổi lớn khác là IBM, Accenture, Capgemini, Sopra Steria, FPT phát triển kho ứng dụng và cung cấp các giải pháp chuyển đổi số cho ngành hàng không.
Để có tên trong danh sách đối tác của Airbus, FPT đã phải mất 5 năm miệt mài làm các "bài tập" kiểm tra năng lực vô cùng khó về Big Data (dữ liệu lớn), Xử lý hình ảnh, AI (Trí tuệ nhân tạo)…
Từ một “kẻ ngoại đạo”, nhờ sự đầu tư nghiêm túc về mặt công nghệ, đặc biệt là công nghệ mới, FPT đang ngày càng tiến sâu hơn vào sân chơi của các đại gia ngành hàng không thế giới với vai trò một công ty tư vấn và cung cấp các giải pháp dịch vụ chuyển đổi số toàn diện. Trên mỗi chuyến bay bất kỳ đều có dòng code “Made by FPT”.
Trong một lĩnh vực tiềm năng khác là công nghệ phần mềm cho ô-tô, Tập đoàn công nghệ hàng đầu Việt Nam này đã ký hợp đồng trị giá 30 triệu USD cho 1 hãng tier-1 của Nhật, FPT đảm nhiệm gần như toàn bộ các phần mềm liên quan AUTOSAR - chuẩn kiến trúc phần mềm ô-tô mà tất cả các hãng, các nhà sản xuất trong ngành ô-tô đều phải tuân thủ.
Theo công bố gần đây của Everest Group về ACES (Automated, Connected, Electric, and Share Vehicles) đối với 26 nhà cung cấp phần mềm ô-tô trên toàn cầu, FPT được định vị trong nhóm đối thủ chính (Major Contenders) cùng với nhiều tên tuổi lớn như Infosys, Tata Technologies, Cognizant, NTT DATA…
Trong 10 năm qua, FPT đã kịp xây dựng mạng lưới khách hàng "đáng gờm" trong mảng công nghệ ô-tô với 150 doanh nghiệp, trong đó có các hãng tên tuổi trên thế giới như Honda, Hyundai, Volvo, VinFast, Ford, Yazaki, LG, Panasonic, NXP... Đặc biệt, trong lĩnh vực này, công ty cũng đã có khách hàng mang đến 200 triệu USD doanh thu.
Mới đây nhất, FPT cũng đã thành lập công ty FPT Automotive tại Mỹ nhằm mang đến những giá trị mới như tăng tốc độ đưa sản phẩm ra thị trường, mở rộng độ phủ, tăng hiệu quả phát triển sản phẩm cho các hãng xe trên toàn cầu. Động thái này cũng cho thấy, FPT đang đẩy mạnh tập trung hình thành kinh nghiệm, năng lực chuyên sâu trong các lĩnh vực chuyên ngành có tiềm năng và cơ hội phát triển tốt trong tương lai.
Với tốc độ tăng trưởng doanh thu khoảng 40% trong những năm gần đây, mảng công nghệ phần mềm ô-tô đã đóng góp quan trọng vào việc cán mốc 1 tỷ USD doanh thu dịch vụ CNTT cho thị trường nước ngoài của FPT trong năm 2023.
Những thương vụ M&A triệu đô tại các thị trường "đỉnh"
Trở thành đối tác tin cậy của những gã khổng lồ đứng đầu trong các lĩnh vực vẫn chưa đủ. Để bổ khuyết và nâng cao năng lực, FPT đã chọn con đường nhanh nhất là tìm cách thu nạp các công ty cùng ngành có tiếng tăm từ Mỹ, Nhật, châu Âu… thông qua con đường M&A. Dù 60-90% các thương vụ M&A gặp thất bại do khác biệt về văn hóa làm việc thì may mắn là đến nay, các thương vụ M&A của FPT đều thành công.
Trong đó, phải kể đến quyết định giao "sinh mạng đứa con" mà mình đã nuôi nấng 12 năm qua của nhà sáng lập Next Advanced Communications (NAC) tạo nên thương vụ mua bán sáp nhập (M&A) đầu tiên của FPT trên đất Nhật.
Sau hơn 12 năm tạo dựng và phát triển NAC - Công ty dịch vụ công nghệ của Nhật Bản với gần 300 kỹ sư, chuyên gia chất lượng cao, giàu kinh nghiệm, trong đó nhiều người thuộc Top 40 thế giới về Salesforce, CRM…, Nhà sáng lập NAC quyết định "gả bán" công ty không phải để lấy tiền, mà là chọn mặt gửi vàng, chọn người đủ tin cậy để thay họ tiếp tục nuôi dưỡng, tạo cơ hội phát triển mạnh mẽ cho công ty. Trong 2 năm, ban lãnh đạo NAC đã làm việc với 17 công ty để thương thảo về việc mua bán này, nhưng không tìm được đối tác phù hợp.
Còn phía FPT, từ năm 2013, hoạt động M&A đã được đưa vào chiến lược của tập đoàn với khoản ngân sách dự kiến 100 triệu USD/năm nhằm tăng cường năng lực công nghệ, mở rộng quy mô thị trường, khách hàng, nguồn nhân lực. Trong suốt thời gian đó, FPT đã hoàn tất nhiều thương vụ M&A ở Mỹ và châu Âu. Nhưng suốt 7 năm tìm kiếm, họ vẫn chưa thành công trong M&A tại Nhật Bản cho đến khi gặp NAC.
“Từ lâu, chúng tôi đã muốn xây dựng hợp tác thật chặt chẽ với đối tác Nhật Bản, lên kế hoạch M&A với những công ty tiềm năng tại thị trường này. Nhưng người Nhật có những nét văn hóa đặc trưng, tinh thần đoàn kết dân tộc mạnh mẽ...”, chị Chu Thanh Hà, Chủ tịch FPT Software bộc bạch.
Đầu năm 2023, FPT biết đến NAC, nhận thấy đây là nơi có nguồn lực mình cần. Nhưng để thuyết phục một doanh nghiệp Nhật bán cho người nước ngoài thật sự không dễ. Đại diện FPT đã phải “năm lần bảy lượt” nói chuyện với lãnh đạo NAC mới thuyết phục được họ gửi gắm đứa con tinh thần của mình cho FPT.
“Mình thất bại cũng nhiều khi tìm mua các thương vụ M&A tại Nhật Bản, nên lần đầu tiên mua được thấy rất vui. Giống như tình yêu đầu đời vậy”, CEO FPT Japan Đỗ Văn Khắc cười nói.
Khi thương vụ xong xuôi, FPT mời ban lãnh đạo NAC sang Việt Nam. Được trực tiếp nhìn thấy những gì FPT đã và đang làm, vị CEO của NAC rưng rưng xúc động vì thấy quyết định trao gửi của mình đúng đắn.
“Khi đó, bác Makoto Hanaoka (CEO NAC) hiểu rằng, triết lý của FPT về chăm sóc nhân viên, tôn trọng con người rất phù hợp với cách thức vận hành công ty của bác”, chị Chu Thanh Hà kể lại.
Từ khi đưa các thương vụ M&A vào mục tiêu chinh phục thế giới, “là việc phải làm chứ không phải là việc nên làm”, FPT đã không ngừng thu phục các doanh nghiệp quốc tế về với mình. Thương vụ M&A đầu tiên của FPT, cũng là thương vụ M&A đầu tiên trong ngành CNTT Việt Nam được ký ngày 18/6/2014 tại Berlin, Đức giữa FPT và RWE. Ngay sau đó, RWE IT Slovakia - công ty chuyên trong lĩnh vực CNTT của RWE, chính thức trở thành công ty 100% vốn tại châu Âu của FPT và được đổi tên thành FPT Slovakia, chuyên cung cấp dịch vụ mới là hạ tầng kỹ thuật đô thị (Public Utility System) cho không chỉ châu Âu mà còn ở thị trường khác trên toàn cầu như Mỹ, Nhật Bản. Rồi tiếp đến là Intellinet Consultant (Mỹ), Intertec International (Mỹ), Cardinal Peak (Bắc Mỹ) và Oasis (Pháp).
Tăng cường mua bán sáp nhập ở nước ngoài không chỉ giúp FPT rút ngắn thời gian thâm nhập thị trường, tạo vị thế tại thị trường nước ngoài, tăng cường năng lực cung cấp dịch vụ CNTT tổng thể cho các khách hàng trên toàn thế giới mà còn là một đòn bẩy quan trọng, thúc đẩy tăng trưởng doanh thu từ thị trường toàn cầu với những dự án hàng chục thậm chí hàng trăm triệu USD.
Điển hình là sau 5 năm, thương vụ M&A Intellinet Consultant đã mang về cho FPT một khách hàng đạt quy mô doanh số trên 100 triệu USD/năm. Đây là khách hàng đầu tiên trong lịch sử 25 năm toàn cầu hóa của FPT đạt mốc doanh số này.
Và FPT kỳ vọng đã có khách hàng trăm triệu USD đầu tiên thì sẽ có khách hàng trăm triệu USD thứ 2, thứ 3 ...
Giấc mơ lớn
Sau 35 năm hình thành và 25 năm vươn ra toàn cầu, đến nay, FPT đã hiện diện tại gần 30 quốc gia và vùng lãnh thổ, cung ứng dịch vụ, giải pháp công nghệ chuyển đổi số đến hơn 1.000 khách hàng, trong số đó có gần 100 khách hàng thuộc Top 500 doanh nghiệp lớn nhất thế giới (Fortune Global 500).
Đánh giá về kết quả của FPT, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng từng phát biểu tại buổi trò chuyện với lãnh đạo và cán bộ, nhân viên Tập đoàn FPT nhân ngày đi làm đầu tiên của năm Giáp Thìn 2024: “Đây là một bước tiến lớn, có tính bứt phá, đưa FPT vào một thứ hạng khác, một đẳng cấp khác”.
Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh: “Một doanh nghiệp công nghệ số mà không thành công ở nước ngoài thì chưa thể gọi là thành công. Ngành thông tin và truyền thông tự hào vì có tới 1.500 doanh nghiệp có doanh thu từ thị trường nước ngoài và con số đã đạt trên 7,5 tỷ USD.”, Bộ trưởng nói.
Niềm tin ấy đặt những doanh nghiệp như FPT vào những giấc mơ lớn hơn.
FPT ấp ủ sẽ đạt 5 tỷ USD doanh thu dịch vụ CNTT từ thị trường nước ngoài vào năm 2030. Con số này sẽ đưa FPT bước lên đẳng cấp cao hơn trong nhóm doanh nghiệp dịch vụ CNTT tỷ USD của thế giới, với các cột mốc tỷ USD từ 1 thị trường, doanh thu tỷ USD từ 1 chuyên ngành, hợp đồng tỷ USD và lợi nhuận tỷ USD.
Theo chị Chu Thanh Hà, “trước đây với chúng tôi, hợp đồng 1 triệu USD được gọi là to nhưng bây giờ hợp đồng to phải là 5 triệu USD, 10 triệu USD. Và số lượng những hợp đồng to như thế này ngày càng gia tăng”. Chỉ trong 5 tháng đầu năm 2024, số lượng hợp đồng 5 triệu USD mà FPT ký kết đã bằng xấp xỉ 70% tổng số hợp đồng Tập đoàn ký được trong cả năm 2023.
Anh Trương Gia Bình, Chủ tịch HĐQT FPT chia sẻ: “Nếu như trước đây, FPT luôn phải chủ động đi tìm đối tác, khách hàng thì nay rất nhiều khách hàng, đối tác lớn lại chủ động tìm đến Việt Nam và FPT. Đã đến lúc thế giới cần Việt Nam. Việt Nam đang trở thành điểm đến mới của thế giới trong các lĩnh vực Trí tuệ nhân tạo, công nghệ ô-tô, chip bán dẫn, chuyển đổi số và chuyển đổi xanh. Đây cũng chính là những lĩnh vực đóng vai trò quan trọng trong việc thiết lập tầm vóc của Việt Nam trong những thập kỷ tới.”
Và với vị thế ấy, FPT sẽ lại tiếp tục nối dài khát vọng đưa trí tuệ Việt Nam vươn xa toàn cầu, khẳng định tên tuổi Việt Nam trên bản đồ công nghệ số thế giới.
Và ngày 1/7 mới đây, FPT sẽ khai trương văn phòng thứ 17 tại Nhật Bản. Văn phòng này sẽ trở thành trụ sở chính mới của FPT Nhật Bản, nằm tại tầng 33 trong tòa nhà hạng A ở trung tâm Tokyo, một vị trí đắc địa cho tiếp cận khách hàng.
Theo số liệu từ Bộ Thông tin và Truyền thông, hiện nay có khoảng trên 1.500 doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đi ra nước ngoài với doanh thu ước tính khoảng 7,5 tỷ USD. Doanh thu thị trường xuất khẩu nước ngoài đang đóng góp khoảng 80% tổng doanh thu của các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam.
Trong bối cảnh kinh tế trong nước đang bị suy giảm và thị trường CNTT nội địa gặp khó khăn, chủ trương đưa doanh nghiệp công nghệ số ra nước ngoài đã mở ra không gian mới, giúp doanh nghiệp mở rộng thị trường, tăng trưởng doanh thu và khẳng định uy tín của thương hiệu sản phẩm công nghệ số "Make in Viet Nam", khẳng định vị thế của Việt Nam trên bản đồ công nghệ số thế giới.
Tuyến bài Dấu chân công nghệ Việt đi ra biển lớn (do báo Nhân Dân thực hiện) ghi lại những câu chuyện xúc động của hành trình 25 năm nỗ lực vươn ra biển lớn của các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam, từ đó đưa ra định hướng làm thế nào để đạt được mục tiêu “từ thị trường trong nước là chính sang thị trường quốc tế là chính” trong thời gian tới.
Nội dung bài viết này ở báo Nhân Dân có tiêu đề: Bài 1: Từ đứng ở “chợ người” xin việc đến vị thế quốc gia xuất khẩu phần mềm hàng đầu thế giới. Độc giả có thể xem nội dung gốc tại link này: https://nhandan.vn/tu-dung-o-cho-nguoi-xin-viec-den-vi-the-quoc-gia-xuat-khau-phan-mem-hang-dau-the-gioi-post816740.html
Ý kiến
()