Sáng nay (ngày 22/11), tại lễ kỷ niệm 20 năm Internet Việt Nam ở Hà Nội, Ban tổ chức đã công bố kết quả bình chọn những nhân vật được đánh giá có nhiều đóng góp cho sự phát triển Internet Việt Nam của Hiệp hội Internet Việt Nam, các nhà báo theo dõi mảng CNTT và độc giả báo điện tử ICT News.
Cách đây hai thập kỷ, ngày 19/11/1997, Việt Nam chính thức gia nhập mạng Internet toàn cầu sau những năm tháng thử nghiệm từ đầu thập niên 90. Thống kê cho thấy, người dùng Internet tại Việt Nam đã đạt gần 50 triệu, chiếm tỷ lệ 53% trên tổng số dân. Mức tăng trường này cao hơn mức trung bình của thế giới (46,64%) và cao hơn mức trung bình của khu vực châu Á - Thái Bình Dương (48,2%).
“So sánh với hơn 31 triệu người dùng vào năm 2012; 17 triệu của 10 năm trước hay 205.000 người trong thời đầu của Internet quay số qua mạng điện thoại công cộng, có thể nói, Việt Nam đã có những bước tiến thực sự ấn tượng”, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn nhấn mạnh tại sự kiện sáng nay.
10 năm đầu tiên, Internet xâm nhập và định hình. Trong một thập niên tiếp theo chứng kiến những cú nhảy vọt của Internet vào từng hơi thở của đời sống 90 triệu dân. Điểm chung của những người được chọn vinh danh là có tầm ảnh hưởng lớn, bền bỉ, sáng tạo và đột phá.
FPT là thương hiệu duy nhất có hai thành viên trong Top 10 nhân vật ảnh hưởng là Chủ tịch FPT Trương Gia Bình (thứ ba từ trái sang) và TBT VnExpress Thang Đức Thắng (bìa phải). Ảnh: Ngọc Thắng. |
Top 10 cá nhân gồm: Chủ tịch FPT Trương Gia Bình, Tổng biên tập VnExpress Thang Đức Thắng, Chủ tịch CMC Nguyễn Trung Chính, Chủ tịch VNPT Trần Mạnh Hùng, TGĐ Viettel Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch BKAV Nguyễn Tử Quảng, Chủ tịch VNG Lê Hồng Minh, Chủ tịch Hiệp hội Internet Vũ Hoàng Liên, Nguyên Thứ trưởng Bộ TT&TT Lê Nam Thắng, Nguyên Thứ trưởng Bộ BCVT Mai Liêm Trực. FPT là thương hiệu duy nhất có hai thành viên trong Top 10 nhân vật ảnh hưởng.
Đây là lần thứ hai Chủ tịch FPT Trương Gia Bình được vinh danh trong Top nhân vật có ảnh hưởng lớn đến Internet Việt Nam. Cách nay 10 năm, anh Bình được tôn vinh lần đầu và sau một thập niên, Chủ tịch FPT là một trong hai cá nhân lập cú đúp, cùng với Nguyên Thứ trưởng Bộ BCVT Mai Liêm Trực.
Tiêu chí bình chọn cá nhân: Có đóng góp xuất sắc về chính sách, chiến lược để thúc đẩy sự phát triển Internet Việt Nam, phát triển thuê bao Internet, đưa dịch vụ truy cập Internet đến với nhiều người dân, phát triển ứng dụng, dịch vụ gia tăng, dịch vụ nội dung số trên Internet cho người dùng Việt Nam. |
Năm 1988, anh Trương Gia Bình cùng với 12 nhà khoa học khác đã thành lập FPT. Dưới sự dẫn dắt của anh, FPT đã trở thành tập đoàn CNTT-VT hàng đầu Việt Nam, trong đó có dịch vụ Internet và nội dung số.
“20 năm trước, Internet mở ra không gian sống mới, không gian số cho mỗi người, trong đó có không gian giao tiếp, làm việc, học tập, giải trí. Internet đã đưa Việt Nam thoát ra khỏi cảnh ốc đảo, cảnh cô lập CNTT với thế giới”, anh Bình chia sẻ nhân kỷ niệm 20 năm Internet Việt Nam. “Ngày nay, trong thời đại Cách mạng công nghiệp 4.0, Internet là nền tảng hạ tầng của cuộc cách mạng này. Cơ hội cho doanh nghiệp là rất lớn”.
Từ bỏ chức Trưởng ban Thời sự của một tờ báo lớn, anh Thang Đức Thắng đã gia nhập FPT xây dựng VnExpress.net - báo điện tử đầu tiên của Việt Nam - vào năm 2001, với mong muốn “một ngày nào đó cả nước Việt Nam vào Internet để đọc báo”. Dưới sự dẫn dắt của anh, VnExpress luôn vững vàng vị trí là báo điện tử tiếng Việt có nhiều người xem nhất toàn cầu. Đến nay, theo Google Analytics, VnExpress có 46 triệu người đọc thường xuyên (user), tạo ra 15,8 tỷ lượt truy cập (pageview) một năm.
Tờ báo của Hiệp hội Báo chí thế giới (WAN-IFRA), số phát hành tháng 4, đã chọn Tổng biên tập VnExpress Thang Đức Thắng làm nhân vật trang bìa và bài về tờ báo tiếng Việt nhiều người đọc nhất là tiêu điểm.
Là nhà sáng lập có gần 20 năm điều hành VnExpress, anh Thắng hiện là Chủ tịch kiêm CEO FPT Online và là Tổng Biên tập của VnExpress. “Nguyên tắc đầu tiên của nhà báo là nói lên sự thật và công bố sự thật. Nhà báo cần trung thành với công chúng, cung cấp cho người đọc những thông tin chân thật”, anh Thắng chia sẻ với WAN-IFRA. Hiện, mỗi ngày VnExpress xuất bản trung bình 500 tin bài. 95% trong số đó được viết bởi những nhà báo đa năng sử dụng công cụ biên tập đa nền tảng của tòa soạn.
Chủ tịch FPT Telecom Chu Thanh Hà nhận giải Top 5 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ. Ảnh: Ngọc Thắng. |
Trong Top công ty ảnh hưởng nhất, nhà F cũng đóng góp hai đơn vị là FPT Telecom (Internet) và FPT Online (Nội dung số).
Là thành viên thuộc Tập đoàn, FPT Telecom hiện là một trong những nhà cung cấp dịch vụ viễn thông và Internet hàng đầu Việt Nam và khu vực. Được thành lập ngày 31/1/1997, FPT là đơn vị cổ phần đầu tiên tại Việt Nam được cấp phép triển khai dịch vụ viễn thông. Trải qua 20 năm, FPT Telecom đã và đang góp phần thúc đẩy sự phát triển của Internet Việt Nam, sự phát triển kinh tế - xã hội đất nước, tạo ra nhiều hơn của cải vật chất trong xã hội và nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.
Hai năm gần đây, FPT Telecom phát triển nhanh với số lượng thuê bao tăng trưởng khoảng 40 lần từ dưới 50.000 thuê bao lên gần hai triệu khách hàng, bao gồm Internet và Truyền hình. |
Sau 20 năm phát triển, hiện FPT Telecom sở hữu hạ tầng viễn thông lớn với tổng chiều dài trên 9.200 km bao gồm các tuyến trục Bắc - Nam; tuyến trục Tây Nguyên; tuyến trục kết nối quốc tế và các tuyến trục liên tỉnh kết nối 59 tỉnh thành trên toàn quốc.
FPT Telecom đang nỗ lực hiện thực hóa chiến lược phát triển gồm 5 hướng chính: Phủ rộng rãi trên toàn quốc dịch vụ cốt lõi là Internet có chất lượng cao cho khách hàng; phát triển dịch vụ truyền hình FPT; phát triển các dịch vụ OTT như FPT Play, Fshare, Star Talk; bắt kịp xu hướng IoT; và toàn cầu hóa.
FPT Online được thành lập ngày 1/7/2007, tập trung vào các mảng hoạt động quảng cáo trực tuyến và vận hành hệ thống VnExpress. FPT Online xác định theo đuổi chiến lược nâng cao chất lượng nội dung và công nghệ.
9 tháng, FPT Online ghi nhận lợi nhuận sau thuế 148,6 tỷ đồng, tăng trưởng 5% tương ứng lãi ròng tăng 22% so cùng kỳ. FPT Online cũng là đơn vị quán quân nhà F về mức cổ tức trong nhiều năm liên tiếp. |
Không dừng lại ở phiên bản tiếng Việt, năm 2016, VnExpress tập trung phát triển thương hiệu và công chúng quốc tế, trang VnExpress International chính thức ra mắt hồi tháng 4 đã lọt Top 15 trang tin đáng tin cậy nhất ở Đông Nam Á do Asean Up bình chọn.
Theo anh Thang Đức Thắng, Chủ tịch FPT Online, cách đây 4-5 năm, FPT Online luôn là đơn vị yếu kém nhất trong tập đoàn. “Nhưng những năm gần đây, chúng ta đã dần lớn mạnh hơn, phát triển đúng thế mạnh, xác định đúng đường đi, cải tổ cơ cấu đúng cách và rồi vươn lên thành một trong những đơn vị đi đầu”, người dẫn dắt VnExpress chia sẻ.
Top 5 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ gồm: FPT Telecom, Viettel, VNPT, Mobifone và CMC. Top 10 công ty dịch vụ ứng dụng và nội dung số: FPT Online, VNG, VC Corp., VTC Intercom, Viettel Media, VNPT Media, Nhaccuatui, Tiki, Topica, NextTech. |
>> Anh Nguyễn Thành Nam: 'Lạc đường thì hỏi ai?'
Nguyên Văn
Ý kiến
()