Chúng ta

VnExpress - sự thăng tiến của báo chí kỹ thuật số Việt Nam

Thứ sáu, 28/4/2017 | 17:38 GMT+7

Tờ báo của Hiệp hội Báo chí thế giới (WAN-IFRA), số phát hành tháng 4, đã chọn Tổng biên tập VnExpress Thang Đức Thắng làm nhân vật trang bìa và bài về tờ báo tiếng Việt nhiều người đọc nhất là tiêu điểm. 

Chúng ta lược dịch nội dung bài viết này.

Dù Việt Nam được biết đến như là một trong những quốc gia có tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh nhất trong khối ASEAN, nền kinh tế của quốc gia được dự đoán mức độ tăng tưởng trong khoảng 6-7% trong giai đoạn 2016 đến 2018, ngành công nghiệp báo chí vẫn ít được biết đến trên thế giới. 

IMG-4549.jpg

Tờ WAN-IFRA chọn Tổng biên tập VnExpress làm gương mặt trang bìa cho số xuất bản mới nhất. Mức tăng trưởng 31% của VnExpress được Hiệp hội Báo chí thế giới (WAN-IFRA) đánh giá là mức cao nhất khu vực châu Á hiện nay.

Như các quốc gia Đông Nam Á, những tờ báo tiếng Việt với sự thống trị lâu năm trong môi trường truyền thông đang trải qua sự suy giảm mạnh trong lĩnh vực quảng cáo và lượng phát hành báo. Đồng thời, vô số phương tiện thông tin đại chúng đang mọc lên khắp nơi trên môi trường trực tuyến... 

Được ra mắt vào năm 2001, VnExpress là đơn vị tiên phong trong xu hướng này. Ông Thang Đức Thắng, Chủ tịch FPT Online kiêm Tổng biên tập VnExpress, đã chia sẻ với WAN-IFRA, tờ báo của Hiệp hội Báo chí thế giới, những cột mốc quan trọng trong quá trình phát triển của tờ báo tiếng Việt nhiều người đọc nhất thế giới. 

Như nhiều tờ báo nổi tiếng, cơ duyên của VnExpress đến từ dịp tiếp xúc của nhà sáng lập dự án "nhìn xa trông rộng" cùng một nhà đầu tư táo bạo với sự ủng hộ của thời khắc lịch sử đặc biệt. 

Vào cuối thập niên 80, khi Việt Nam tiến tới nền kinh tế thị trường với công cuộc đổi mới, chính quyền đã dựa nhiều vào các phương tiện truyền thông trên báo giấy để thông tin cho công chúng biết về các chính sách của quốc gia. Kết quả là các tờ báo lớn chính thống của Nhà nước như Tuổi Trẻ, Thanh Niên và Lao Động đã trở nên phát đạt, số lượng báo và tạp chí phát hàng tăng gấp đôi. 

Nhờ sự cải cách, nền kinh tế Việt Nam theo hướng truyền thống tập trung vào dệt may đã bắt đầu có sự đa dạng hóa. Được thành lập vào năm 1988, FPT đã chuyển sang kinh doanh trong lĩnh vực chính là CNTT vào năm 1990. Công ty nhanh chóng trở thành một đơn vị lớn trong lĩnh vực CNTT và Viễn thông; và giờ đây là một trong những tập đoàn hàng đầu Việt Nam, có mặt tại 22 quốc gia. 

“Là một nhà cung cấp dịch vụ Internet, FPT mong muốn mở rộng lượng người dùng. Từ lâu tôi đã ước mơ về việc tạo ra một loại hình báo chí mới hoàn toàn so với cách làm cũ. Năm 1997, Internet đã mang lại niềm cảm hứng để tôi xây dựng nền tảng xuất bản mới mẻ. Hai cơ duyên này hòa làm một. Và từ đó VnExpress ra đời”. 

anhbai-toasoan2-4443-145637404-5332-1683

VnExpress có 46 triệu người đọc thường xuyên (user), tạo ra 15,8 tỷ lượt truy cập (pageview) trong năm 2016, theo Google Analytics. Mỗi ngày, báo xuất bản trung bình 500 tin, bài. Các lĩnh vực được đọc nhiều gồm Thời sự, Thế giới, Pháp luật, Thể Thao, Kinh doanh... Báo có các trang chuyên biệt về nội dung như Ngôi sao.net tập trung vào thông tin giải trí; Ione.net cung cấp tin tức về giới trẻ. Ảnh: Giang Huy.

Là nhà sáng lập có gần 20 năm điều hành VnExpress, ông Thắng đã có những bước đi đầu tiên trong sự nghiệp tại Báo Lao Động. Sau đó, ông đạt được bằng Tiến sĩ trong lĩnh vực báo chí tại Đại học Quốc gia Moscow (MGU) trước khi được bổ nhiệm làm Trưởng ban Thời sự Báo Lao Động vào năm 1995. Hiện tại, ông là Chủ tịch kiêm CEO FPT Online và là Tổng biên tập của VnExpress.

“Nguyên tắc đầu tiên của nhà báo là nói lên sự thật và công bố sự thật. Nhà báo cần trung thành với công chúng, cung cấp cho người đọc những thông tin chân thật”, ông Thắng chia sẻ. 

Việc ra mắt tờ VnExpress vào tháng 2 năm 2001 ghi dấu một sự thay đổi mang tính bước ngoặt trong môi trường truyền thông ở Việt Nam. “Từ những ngày đầu, VnExpress đã vận hành mà chưa có giấy phép hoạt động báo chí, chỉ dựa vào giấy phép của FPT như một nhà cung cấp nội dung trên Internet. Đó cũng là lý do tại sao chúng tôi công bố nền tảng trực tuyến thuần túy thay vì là một trang báo”, ông Thắng hồi tưởng. 

Chỉ trong vài tháng, VnExpress được đông đảo độc giả đón nhận. Cơ quan quản lý xem xét lại các quy chế về quản lý báo chí, mở ra những hành lang mới để thừa nhận VnExpress về mặt pháp lý. Ngày 25/11/2002, Bộ Văn hóa - Thông tin cấp “Giấy phép hoạt động báo điện tử số 511/GP - BVHTT” cho VnExpress. 

“Ra mắt chưa lâu, VnExpress trở thành nền tảng truyền thông có số lượng độc giả tiếng Việt truy cập nhiều nhất trên thế giới. Hiện VnExpress có trên 6,5 triệu người đọc thường xuyên (user), tạo ra hơn 32 triệu lượt truy cập (pageview) mỗi ngày”, ông Thắng giải thích thêm. 

Mỗi ngày, VnExpress xuất bản trung bình 500 tin, bài. 95% trong số đó được viết bởi những nhà báo đa năng sử dụng công cụ biên tập đa nền tảng của tòa soạn. 

Sau 3 năm thành lập, vào tháng 4/2004, VnExpress mở rộng danh mục đầu tư, bổ sung mảng giải trí với sự ra đời của trang Ngoisao.net, là nơi tập trung khai thác tin tức của các ngôi sao nổi tiếng. Đến nay, trải qua sự phát triển nhanh chóng, năm 2015, trang Ngoisao.net đã lọt vào Top 500 website được xem nhiều nhất theo thống kê trên Alexa.com và vươn mình vào Top 100 trong năm 2017. 

Thống kê năm 2015 cho thấy, lượng người xem VnExpress bằng điện thoại đã cao hơn số người dùng máy tính và fanpage trên Facebook của báo cũng cán mốc hơn 2 triệu lượt thích. Số lượng 51,8 triệu lượt xem/ngày của báo ghi nhận hồi tháng 5/2016 cũng nhanh chóng bị phá vỡ vào ngày 9/12/2016 với 65,3 triệu lượt trong ngày bầu cử tổng thống Mỹ. 

Ông Thắng cho biết, cốt lõi kinh doanh của VnExpress chính là truyền tải tin tức thông qua Internet và cung cấp dịch vụ quảng cáo. VnExpress là đơn vị tiên phong trong thời kỳ áp dụng công nghệ xuất bản kỹ thuật số. Trải qua nhiều thách thức, báo đã tạo nên một nền móng vững chắc để vận hành khối thượng thông tin khổng lồ. 

Trong 5 năm gần đây, báo in, tạp chí truyền thống đang ngày một suy giảm, kể cả lượng phát hành và quảng cáo. Đà suy thoái này diễn ra không chỉ ở Việt Nam mà còn là hiện tượng chung tại nhiều nơi ở châu Á và thế giới. Tuy nhiên, lĩnh vực quảng cáo kỹ thuật số vẫn tiếp tục tăng vọt. 

5 năm qua, hàng trăm tờ báo, trang tin điện tử ra đời tạo nên sự chuyển đổi từ bản in sang báo điện tử đáng ngạc nhiên. Sự hiện diện ngày càng nhiều phương tiện truyền thông trực tuyến, số lượng người đi mua ấn phẩm bản in vào buổi sáng sẽ càng giảm. “Báo in và tạp chí đang trở nên lỗi thời đối với độc giả”, ông Thắng nhận định. 

Còn với VnExpress, nhờ sự xâm nhập, phân loại nhiều thông tin (Raovat.vnexpress.com, hoạt động lại vào năm 2016), giải pháp thương mại điện tử, thị trường ngách hoặc quảng cáo điện tử tiếp tục lan rộng và củng cố vị thế của mình trên thị trường. Trong năm 2015, VnExpress chiếm 20% thị trường quảng cáo online. Đối với độc giả quốc tế, VnExpress cũng đã có phiên bản tiếng Anh và nhanh chóng trở thành phiên bản tiếng nước ngoài được xem nhiều nhất trong các phương tiện truyền thông Việt Nam. 

“Nhờ uy tín và danh tiếng, doanh thu của chúng tôi tiếp tục tăng, dù đà suy thoái trong ngành truyền thông báo chí và sự cạnh tranh từ các ông lớn trên thị trường quảng cáo. Trong những năm gần đây, lợi nhuận của chúng tôi cũng tăng trưởng đáng kể. Doanh thu năm 2016 tăng 31% so với năm trước là minh chứng rõ nét nhất”, ông Thắng cho hay. 

Nếu môi trường truyền thông báo chí Việt Nam tiếp tục cải thiện trong những năm tới, VnExpress và độc giả có thể tin tưởng vào sự phát triển mạnh mẽ của lĩnh vực công nghệ và truyền thông xã hội để tạo ra những sản phẩm ngày càng ý nghĩa và thú vị hơn. Đây không những là chỉ dấu cho sự phát triển của các doanh nghiệp mà còn mở ra một tương lai tươi sáng cho xuất bản tin tức tại Việt Nam.

>> FPT Online chốt cổ tức năm 2016 ở mức 60%

Nguyên Văn

Ý kiến

()