Chúng ta

FPT xếp thứ 2 trong Top 10 giải Sao Vàng đất Việt

Thứ bảy, 15/12/2018 | 10:21 GMT+7

FPT cũng là doanh nghiệp công nghệ duy nhất được vinh danh trong danh sách Giải thưởng Sao Vàng đất Việt năm 2018.

Vingroup, FPT, Hòa Phát, TTC, Traphaco, Thiên Long, Xây dựng Hòa Bình, Gỗ An Cường, Thủy Sản Minh Phú, CENLAND vừa chính thức được công bố là tân Top 10 Sao Vàng đất Việt 2018.

Phó chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam - ông Lê Phụng Thắng cho biết, Top 10 năm nay được bình chọn từ 20 doanh nghiệp đứng đầu các ngành trong Top 200 doanh nghiệp đoạt giải Sao Vàng đất Việt.

fpt-8300-1544843006.jpg

Chủ tịch HĐTV FPT IS Dương Dũng Triều đại diện FPT lên nhận giải lần thứ 4 trao năm 2015. Ảnh: BTC.

“Chúng tôi rất tự tin khi nói về Top 10 Sao Vàng đất Việt năm 2018. Thứ nhất, các doanh nghiệp được lựa chọn trên cơ sở các tiêu chí rõ ràng về quy mô, hiệu quả và tiêu chí về trách nhiệm. Thứ hai, các thương hiệu Top 10 đã chứng tỏ sự phát triển so với chính mình, khi có những kết quả hoạt động rất tốt”, ông Thắng nói.

Phó chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam cũng cho rằng, việc sử dụng các nhóm tiêu chí với trọng số rõ ràng cho từng tiêu chí cũng là cơ sở để Top 200 Sao Vàng đất Việt năm 2018 thực sự là những thương hiệu tiêu biểu.

Năm nay, Top 200 thương hiệu Sao Vàng đất Việt đã tạo ra 912 nghìn tỷ đồng doanh thu, nộp ngân sách trên 72 nghìn tỷ dồng, lợi nhuận sau thế trên 72 nghìn tỷ đồng, tạo việc làm cho trên 417 nghìn lao động.

Đây là năm thứ 11 Hội Doanh nhân trẻ tổ chức bình chọn Giải thưởng Sao Vàng đất Việt, nhưng là năm thứ 15 của Giải thưởng này, tính từ năm đầu tiên là năm 2003. Giải thưởng trao định kỳ 3 năm/lần. Sau 5 kỳ trao giải, FPT liên tiếp được vinh danh. Lần gần nhất, FPT lọt Top 10 giải thưởng năm 2015.

Qua 15 năm, Giải thưởng đã vinh danh hơn 2.127 lượt thương hiệu, sản phẩm trong tổng số hơn 6.000 lượt thương hiệu, sản phẩm đăng ký tham dự.

Ngày 23/12, Lễ kỷ niệm 15 năm Giải thưởng Sao Vàng đất Việt và Lễ trao Giải thưởng Sao Vàng đất Việt năm 2018 sẽ được tổ chức tại Hà Nội.

Theo kết quả kinh doanh mới nhất, kết thúc 11 tháng đầu năm 2018, doanh thu và lợi nhuận trước thuế (LNTT) của FPT lần lượt đạt 20.487 tỷ đồng và 3.571 tỷ đồng, tương đương 94% và 102% kế hoạch cả năm, tăng 21% và 35% so với cùng kỳ trong điều kiện so sánh tương đương (Năm 2017 hợp nhất kế quả kinh doanh của FPT Retail và Synnex FPT theo phương pháp vốn chủ sở hữu đối với công ty liên kết).

Trong điều kiện so sánh với số liệu thực tế cùng kỳ năm 2017 (Năm 2017 hợp nhất toàn bộ kết quả kinh doanh của FPT Retail và Synnex FPT), doanh thu giảm 48% và LNTT tăng 19%.

Lợi nhuận sau thuế FPT đã đạt 3.013 tỷ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ đạt 2.421 tỷ đồng, tăng 24% và lãi cơ bản trên cổ phiếu (EPS) đạt 3.952 đồng, tăng 23%. Bên cạnh đó, tỷ suất lợi nhuận đạt 17,4%, bằng 2,3 lần so với cùng kỳ.

Doanh thu khối Công nghệ và Viễn thông đóng góp 94% tổng doanh thu của toàn Tập đoàn. Trong đó, khối Công nghệ của FPT ghi nhận doanh thu và LNTT đạt lần lượt 11.214 tỷ đồng và 1.405 tỷ đồng, tăng tương ứng 25% và 44% so với cùng kỳ, tương đương 106% và 112% kế hoạch lũy kế.

Khối Viễn thông ghi nhận 8.062 tỷ đồng doanh thu, đạt kế hoạch lũy kế, tăng 16%, trong khi đó LNTT đạt 1.402 tỷ đồng, tăng 23%, tương đương 104% kế hoạch lũy kế.

Toàn cầu hóa tiếp tục là động lực tăng trưởng quan trọng của FPT. Trong 11 tháng đầu năm, thị trường nước ngoài mang về cho FPT 8.059 tỷ đồng doanh thu, tăng 31% và 1.344 tỷ đồng LNTT, tăng 39% so với cùng kỳ năm trước. Tỷ trọng doanh thu thị trường nước ngoài tăng từ mức 16% trong 11 tháng năm 2017 lên mức 39% trong 11 tháng năm 2018.

>> FPT giữ vững Top 10 doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam 2018

Tân Phong

Ý kiến

()