Ngày 31/10, Công ty Cổ phần Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) đã công bố kết quả khảo sát thuộc giai đoạn 1 của dự án nghiên cứu ngành bán lẻ Việt Nam 2017 - 2020. Nghiên cứu được dựa trên kết quả khảo sát các doanh nghiệp, chuyên gia đang hoạt động trong ngành bán lẻ nhằm đưa ra góc nhìn tổng quát toàn ngành và đánh giá uy tín thương hiệu của một số nhà bán lẻ tiêu biểu hiện nay tại Việt Nam.
Là một phần của kết quả nghiên cứu ngành bán lẻ, Top 10 Nhà bán lẻ uy tín được xây dựng dựa trên các nguyên tắc khoa học và khách quan. Các công ty được đánh giá, tính điểm và xếp hạng dựa trên 3 tiêu chí chính: (1) Năng lực tài chính thể hiện trên báo cáo tài chính kiểm toán năm gần nhất (tổng tài sản, tổng doanh thu, lợi nhuận sau thuế, hiệu quả sử dụng vốn…) (được tính 30% trọng số điểm); (2) Uy tín truyền thông được đánh giá bằng phương pháp Media Coding - mã hóa các bài viết về công ty trên các kênh truyền thông có ảnh hưởng (30% trọng số điểm); (3) Khảo sát online về mức độ nhận biết và sự hài lòng của khách hàng với các sản phẩm/ dịch vụ của công ty; Khảo sát chuyên gia đánh giá vị thế của các công ty trong ngành; và Khảo sát doanh nghiệp được thực hiện trong tháng 9/2017 về quy mô thị trường, lao động, vốn, tốc độ tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận, kế hoạch hoạt động trong năm (40% trọng số điểm).
Danh sách nhà bán lẻ uy tín năm 2017 trong nhóm ngành điện tử, điện máy, vàng bạc, đá quý. Nguồn: Vietnam Report, |
Theo kết quả báo cáo này, trong nhóm các nhà bán lẻ hàng lâu bền như điện tử, điện máy, vàng bạc, đá quý… nổi lên một số tên thương hiệu lớn được người tiêu dùng nhớ đến như Điện máy Xanh, Nguyễn Kim, PNJ, FPT Shop, Doji, SJC… Năm 2017, cuộc đua của các hãng bán lẻ trên thị trường điện tử, điện máy, vàng bạc, đá quý nói riêng và thị trường hàng lâu bền nói chung càng trở nên quyết liệt khi nhiều hãng thực thi kế hoạch mở rộng thị trường, mở thêm nhiều điểm bán hàng tại nhiều địa phương.
Nhu cầu của người tiêu dùng trong thời gian tới được dự báo sẽ có sự thay đổi lớn (hướng tới nhóm sản phẩm chất lượng cao với mức chi tiêu thông minh hơn), cũng là một ẩn số khó giải cho các nhà bán lẻ. Để cạnh tranh tốt hơn trong việc thu hút khách hàng, các nhà bán lẻ trước hết cần phải lưu tâm đến việc đa dạng hóa sản phẩm nhằm đáp ứng nhu cầu và thị hiếu của nhiều nhóm khách hàng khác nhau.
Cùng với các "ông lớn" đang dẫn đầu thị trường bán lẻ hiện nay, FPT Shop được đánh giá là Nhà bán lẻ uy tín năm 2017. Ảnh: H.D. |
Theo khảo sát online của Vietnam Report, đa phần người tiêu dùng cho biết, việc hàng hóa đa dạng, có nhiều chủng loại là nguyên nhân chính đưa họ đến với các nhà bán lẻ (bao gồm cả bán lẻ tiêu dùng nhanh và bán lẻ hàng lâu bền); Kế đến là yếu tố Siêu thị ở gần nhà/nơi làm việc, tiện đi lại, Nguồn gốc hàng hóa rõ ràng...
Xu hướng gia tăng các kênh bán lẻ hiện đại ngày một lớn với độ phủ sóng rộng của các trung tâm thương mại, siêu thị hay các cửa hàng tiện lợi đã đe dọa đến doanh thu của kênh bán lẻ truyền thống. Theo số liệu mới nhất của Nielsen, tốc độ tăng trưởng của kênh bán lẻ hiện đại cộng dồn 12 tháng từ tháng 4/2016 đến tháng 3/2017 là 7,7%, cao hơn mức 6,1% của kênh truyền thống, sản lượng tăng trưởng kênh hiện đại đạt 6,3%, cao gấp 1,34 lần kênh truyền thống.
Cùng với đó, sự phát triển của công nghệ thông tin cũng đang làm thay đổi hành vi tiêu dùng. Theo khảo sát người tiêu dùng về ngành bán lẻ gần đây nhất của PwC, 49% có thói quen mua sản phẩm qua điện thoại/smartphone ít nhất hàng tháng, cho thấy người tiêu dùng đang quen dần với việc ứng dụng công nghệ vào mua sắm.
"Hiện có rất nhiều nhà bán lẻ, đặc biệt là những nhà bán lẻ hàng công nghệ như Thế giới Di động, FPT Shop... có xu hướng tích hợp thương mại điện tử, kết nối với công nghệ để hiểu rõ hơn về hành vi người tiêu dùng nhằm phục vụ khách hàng một cách tốt nhất. Việc tập trung phát triển hệ thống thương mại điện tử, kết hợp kinh doanh và quảng cáo sản phẩm qua mạng sẽ làm tăng thêm hiệu quả bán hàng, đồng thời tiết kiệm chi phí bán hàng cho các nhà bán lẻ. Tuy nhiên, khi khách hàng chuyển sang mua sắm online, các trung tâm thương mại sẽ dần trở nên vắng vẻ, do đó, các nhà bán lẻ cần lựa chọn chiến lược phát triển sao cho phù hợp với mục tiêu kinh doanh và thói quen mua sắm ở từng địa phương khác nhau", báo cáo của Vietnam Report chỉ rõ.
Trước đó, chiếm tỷ lệ bình chọn cao hơn các hệ thống bán lẻ còn lại, FPT Shop được độc giả Tạp chí Thế giới Vi tính (PC World) lựa chọn là Nhà bán lẻ ưa chuộng nhất năm 2017 (Best Cup 2017). Năm 2016, với những nỗ lực trong việc hoàn thiện sản phẩm, dịch vụ và các chế độ chăm sóc khách hàng, FPT Shop cũng được bình chọn là Nhà bán lẻ yêu thích nhất do độc giả Tạp chí Tư vấn Tiêu & Dùng (Thời báo Kinh tế Việt Nam) bình chọn.
Được ra đời từ tháng 8/2007, FPT Shop là hệ thống Trung tâm bán lẻ thuộc Công ty Cổ phần Bán lẻ Kỹ thuật số FPT. Hệ thống liên tục phát triển cả về chất lượng dịch vụ lẫn về số lượng trung tâm bán lẻ. Trải dài ba miền Bắc - Trung - Nam, FPT Shop cung cấp các sản phẩm chất lượng và là hệ thống trung tâm bán lẻ đầu tiên của Việt Nam được cấp chứng chỉ ISO 9001:2000 về quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế. Năm 2016, FPT Retail là đơn vị có mức tăng tưởng cao nhất FPT. Doanh thu của mảng bán lẻ là 10.585 tỷ đồng, tăng trưởng 35% và lợi nhuận trước thuế là 259 tỷ đồng, tăng trưởng 44,2%. Năm 2017, FPT Retail đặt kế hoạch tăng trưởng doanh thu 27,5% và lợi nhuận trên 40% thông qua đẩy mạnh doanh thu trên mỗi cửa hàng, tiếp tục mở rộng quy mô chuỗi bán lẻ tới những vùng miền mà sản phẩm điện thoại thông minh ít hiện diện. Kết thúc 7 tháng đầu năm, FPT Retail đạt doanh thu 7.147 tỷ đồng, tăng 29% so với cùng kỳ 2016. Bình quân mỗi ngày đơn vị thu về hơn 35 tỷ đồng, tăng gần 30% so với mức 27 tỷ đồng cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận trước thuế của FPT Shop đạt 165 tỷ đồng, tăng 44% so với cùng kỳ. Doanh thu bán hàng trực tuyến đạt 1.154 tỷ đồng, tăng 109%. FPT Shop hiện là nhà bán lẻ lớn thứ hai tại Việt Nam. Tính đến nay, đơn vị đang vận hành hơn 450 cửa hàng trên phạm vi toàn quốc. Theo Euromonitor và Retail Asia Publishing, FPT Shop cũng là nhà bán lẻ hiệu quả nhất Việt Nam xét về chỉ tiêu doanh thu trên diện tích sàn với 15.717 USD trên mỗi m2. Mới đây, Tập đoàn FPT đã bán 30% vốn tại FPT Retail (giảm tỷ lệ sở hữu từ 85% hiện tại xuống 55%) cho các tổ chức đầu tư tài chính. Tiếp đó, FPT sẽ bán tối đa 10% (giảm tỷ lệ sở hữu xuống dưới 50%) cho nhà đầu tư khác thông qua các công ty chứng khoán. Phương án thoái vốn dự kiến được hoàn thành trong năm 2017. FPT Retail sẽ trình ĐHCĐ phương án niêm yết cổ phiếu FPT Retail trên Sàn giao dịch chứng khoán TP HCM (HOSE) trong năm 2018. |
>> FPT Retail đạt mức lợi nhuận hơn 175 tỷ đồng sau 9 tháng
Hà Dương
Ý kiến
()