Chúng ta

FPT Retail hợp tác MobiFone cung cấp dịch vụ mạng di động ảo

Thứ tư, 21/6/2023 | 18:10 GMT+7

Công ty cổ phần Bán lẻ Kỹ thuật số FPT (FPT Retail) sẽ hợp tác với MobiFone để trở thành nhà cung cấp dịch vụ mạng di động ảo thứ 4 tại Việt Nam.

Giấy phép mạng di động ảo là tiền đề để FPT Retail (FRT) gia nhập thị trường viễn thông trong thời gian tới. Khác với các nhà mạng truyền thống, nhà mạng ảo không sở hữu hạ tầng, mà cung cấp dịch vụ viễn thông bằng cách mua buôn lưu lượng từ đơn vị có hạ tầng và bán lẻ cho người dùng.

Theo quy định, cơ quan quản lý chỉ cấp phép có giới hạn cho các nhà mạng có hạ tầng, còn không giới hạn với các mạng di động ảo. Hiện tại, thị trường Việt Nam có 3 nhà mạng ảo đang kinh doanh, trong đó, iTel (đầu số 087) và Reddi (đầu số 055) hợp tác với Vinaphone, còn Local (đầu số 089) hợp tác cùng MobiFone.

-2078-1687340008.jpg

FPT Retail sẽ hợp tác với Mobiphone để dấn thân vào mảng cung cấp dịch vụ mạng di động ảo.

Đại diện FPT Retail cho biết công ty sẽ hợp tác với MobiFone. Bởi trước đó, Tập đoàn FPT và MobiFone có thỏa thuận hợp tác chiến lược nhằm tăng cường hiệu quả hoạt động kinh doanh, tận dụng các thế mạnh công nghệ của hai bên, góp phần thúc đẩy công cuộc chuyển đổi số quốc gia.

Theo đại diện FPT Retail, thời gian một mạng di động chuẩn bị về hạ tầng kỹ thuật mất trung bình 12-15 tháng. Tuy nhiên, FRT kỳ vọng sẽ rút được thời gian chuẩn bị, sớm cung cấp dịch vụ tới khách hàng với lợi thế về công nghệ và hỗ trợ từ tập đoàn FPT.

Doanh nghiệp cũng tự tin đang có nhiều lợi thế hơn các nhà mạng ảo đi trước như sở hữu mạng lưới bán lẻ trên toàn quốc với hơn 800 cửa hàng FPT Shop và gần 1300 cửa hàng Long Châu. Mỗi năm, FRT bán ra trên 1,5 triệu máy điện thoại smartphone/thiết bị IoT các loại và là đại lý cung cấp dịch vụ viễn thông di động đến hàng trăm ngàn khách hàng. Đồng thời, FRT là thành viên của tập đoàn FPT với mối quan hệ cùng nhiều hãng công nghệ lớn trên toàn cầu. Vì vậy, FRT đặt mục tiêu trở thành một mạng di động mới, trẻ trung, hướng đến người tiêu dùng trẻ.

Thay vì có hạ tầng và tần số vô tuyến riêng, các nhà mạng di động ảo sử dụng chung với các nhà mạng hiện hữu. Nhà mạng ảo sẽ mua buôn lưu lượng từ đơn vị có hạ tầng và bán lẻ cho người dùng. Trong bối cảnh giấy phép triển khai hạ tầng viễn thông ngày một hạn chế, việc này giúp các doanh nghiệp tiết kiệm chi phí đầu tư hạ tầng, dễ tham gia thị trường. Theo quy định hiện tại, cơ quan quản lý chỉ cấp phép có giới hạn cho các nhà mạng có hạ tầng, còn không giới hạn với các mạng di động ảo.

Ngoài 3 nhà mạng ảo đang kinh doanh, thị trường trong nước cũng đang có một đơn vị được cấp giấy phép nhà mạng ảo hồi tháng 4 năm ngoái là Công ty TNHH Dịch vụ số Digilife Việt Nam (thuộc VnPay). Giấy phép của doanh nghiệp này có trị giá trong 10 năm.

>> FPT Retail gia nhập thị trường viễn thông di động

S.T

Ý kiến

()