Chúng ta

FPT Retail bất ngờ vượt FPT Telecom về tỷ lệ luân chuyển cán bộ

Thứ năm, 21/6/2018 | 08:46 GMT+7

Nhà Bán lẻ giành ngôi vô địch thi đua kinh doanh chặng 4 khi tỷ lệ luân chuyển cán bộ quản lý vượt trội so với FPT Telecom hay FPT Software.

Trong chặng tháng 4, Thi đua kinh doanh FPT nhân dịp 30 năm thành lập tập đoàn có chủ đề Tỷ lệ cán bộ quản lý được luân chuyển so cùng kỳ (số cán bộ quản lý được luân chuyển nội bộ/tổng số cán bộ quản lý). Với 344/754 người được luân chuyển tính đến tháng 4, FPT Retail cán mốc tỷ lệ 45,6% và giành giải Vàng, bỏ khá xa đơn vị về Nhì là FPT Telecom (91/300, tỷ lệ 30,04%).

IMG-4745-2970-1529485400.jpg

CEO FPT Bùi Quang Ngọc trao giải Nhất cho đại diện FPT Retail là chị Nguyễn Thị Thu Hà, Giám đốc điều hành (COO). Ảnh: Tú Linh.

Đây là kết quả khá bất ngờ bởi nhà Viễn thông vài năm gần đây tiên phong trong tập đoàn về việc luân chuyển cán bộ. Hoạt động này được nhà Viễn thông thực hiện thường xuyên nhằm giúp cán bộ đơn vị tiếp xúc, điều hành và trưởng thành ở nhiều môi trường công tác khác nhau. Tuy nhiên, với hệ thống cửa hàng lớn (gần 500) và việc luân chuyển quản lý diễn ra liên tục đã giúp nhà Bán lẻ giành chiến thắng thuyết phục ở chặng đua tháng 4.

Các vị trí còn lại lần lượt gồm: FPT Software (97/325; 29,8%), FPT IS (35/205; 17,1%), Synnex FPT (23/143; 16,1%), FPT Online (3/40; 7,5%) và FPT Education (5/102; 4,9%).

Với chặng tháng 5, Thi đua FPT có chủ đề Tỷ lệ chi phí/lãi gộp (so cùng kỳ và so kế hoạch). Tổng hợp hai chỉ số, FPT IS và Synnex FPT có cùng 6 điểm và đồng giải Nhất chặng. Các vị trí tiếp theo lần lượt là: FPT Education, FPT Telecom, FPT Retail, FPT Online và FPT Software.

fpt-thi-dua-4689-1529485400.jpg

PTGĐ Synnex FPT - anh Nguyễn Quang Minh (trái) và Chủ tịch FPT IS Dương Dũng Triều cùng nhận giải Vàng chặng 5. Ảnh: Tú Linh.

Tổng kết, sau 5 chặng Thi đua, FPT Telecom đang chiếm 2 giải Vàng (chặng 1: Chỉ số sáng tạo - iKhiến; chặng 2: Lãi gộp). Có 4 đơn vị cùng có 1 giải Vàng gồm: Tổ chức Giáo dục FPT (chặng 3: Chỉ số cải tiến iDo), FPT Retail (chặng 4: tỷ lệ luân chuyển cán bộ) và FPT IS và Synnex FPT đồng giải Nhất chặng 5: tỷ lệ chi phí/lãi gộp (so cùng kỳ và so kế hoạch).

Ở chặng kế tiếp, trong tháng 6, Thi đua kinh doanh FPT có chủ đề "Tỷ lệ hoàn thành kế hoạch lãi gộp và tăng trưởng tỷ lệ lãi gộp so với cùng kỳ".

Hướng đến Đại lễ 30 năm FPT, tập đoàn tổ chức chương trình thi đua sản xuất kinh doanh và kỷ lục. Theo đó, có 13 chặng đua tính theo từng tháng và các kỷ lục. Các chặng đua phủ sóng mọi hoạt động, từ sản xuất kinh doanh, công nghệ cho đến sáng tạo, chỉ số cải tiến - iDo hay cán bộ luân chuyển (nội bộ) và tỷ lệ CBNV viết Sử ký.

Hội đồng xét thi đua gồm: TGĐ FPT, Giám đốc Tài chính (CFO) FPT, Trưởng ban Nhân sự FPT, Trưởng/Phó ban Đại lễ FPT 30 năm và các Trưởng ban có liên quan. Cuối mỗi tháng, tổng kết số liệu, Ban tổ chức tính toán ra số liệu để Hội đồng Thi đua xét duyệt. Kết quả sẽ được thông báo và trao giải vào buổi họp giao ban thứ Hai trong tuần đầu tiên của tháng tiếp theo .

Trong 12 chặng đua, giải Nhất từng chặng sẽ nhận tiền thưởng là 10 triệu đồng. Giải Nhì và Ba lần lượt nhận 7 triệu và 5 triệu đồng. Tổng giải thưởng của loạt thi đua chặng này là 264 triệu đồng.

Ở chặng cuối cùng (chặng 13), sẽ tính tổng điểm của cả 12 chặng để xác định Top 3: Ngôi sao Vàng FPT, Ngôi sao Bạc FPT và Ngôi sao Đồng FPT. Giải thưởng chặng này gấp 10 lần các vòng thi trước: 100 triệu đồng cho giải Vàng; giải Bạc và Đồng lần lượt nhận 70 triệu và 50 triệu đồng.

Các chặng thi đua tiếp theo gồm: Tỷ lệ hoàn thành kế hoạch lãi gộp và tăng trưởng tỷ lệ lãi gộp so với cùng kỳ (tháng 6); Hoàn thành kế hoạch doanh thu và tỷ lệ tăng trưởng doanh thu so với cùng kỳ (tháng 7); Chỉ tiêu về công nghệ (tháng 8); Tỷ lệ CBNV tham gia viết Sử ký/tổng CBNV (tháng 9); Hoàn thành kế hoạch lợi nhuận và tỷ lệ tăng trưởng lợi nhuận so với cùng kỳ (tháng 10); Tỷ suất lợi nhuận trước thuế/doanh thu so với cùng kỳ và so với kế hoạch (tháng 11); Tỷ trọng doanh thu mới (theo sản phẩm, dịch vụ, địa lý….) trên tổng doanh thu (tháng 12).

Cạnh đó, giải Kỷ lục FPT cũng được tổ chức thi đua. Các công ty thành viên đăng ký tham gia với Ban Thi đua, không giới hạn các kỷ lục, nhưng tối thiểu là 2 kỷ lục. Các kỷ lục liên quan đến sản xuất kinh doanh, hoạt động, con người, sản phẩm, dịch vụ, văn hoá…

Cơ cấu giải thưởng được phân loại A-B-C, gồm: 6 giải A tương ứng 30 triệu đồng/giải; 12 giải B (20 triệu đồng/giải) và 12 giải C (10 triệu đồng). Tổng giải thưởng các kỷ lục là 540 triệu đồng.

Lúc 17h ngày 22/6, nhà F sẽ tổ chức thi đấu Kỷ lục 30 năm đồng loạt tại 4 địa điểm là Hà Nội, Đà Nẵng, Cần Thơ và TP HCM, với 5 loại hình hoàn toàn mới, dành cho toàn thể CBNV FPT.

Cụ thể, Ban tổ chức quyết định 5 môn thi đấu Kỷ lục, bao gồm: Xoạc chân, Plank, Bật xa, Hít đất và Nhảy dây để thiết lập 5 kỷ lục chưa từng có tại FPT: Người FPT xoạc chân dài nhất; Người FPT plank lâu nhất; Người FPT bật xa nhất; Người FPT hít đất được nhiều nhất và Người FPT nhảy dây được nhiều nhất trong 3 phút.

Đây là lần thi đấu “Kỷ lục FPT 30 năm” offline đầu tiên (đợt 1) dành cho toàn thể CBNV là nhân viên chính thức của tập đoàn. Chương trình cũng khuyến khích nhân viên thử việc, thực tập sinh có ý định gắn bó lâu dài với công ty tham gia.

Năm 2018, FPT chính thức bước qua chặng đường 30 năm, một dấu mốc quan trọng trong sự hình thành và phát triển của tập đoàn. Lễ phát động “Đại lễ FPT 30 năm Tiên phong” vừa được tổ chức với quy mô trên toàn quốc - là phát súng mở màn cho chuỗi sự kiện hướng tới Đại lễ kỷ niệm 30 năm thành lập FPT (13/9/1998-13/9/2018).

>> 5 tháng, lợi nhuận toàn cầu hoá của FPT tăng trưởng 35%

Chi Vy

Ý kiến

()