Chúng ta

FPT ra mắt trường đại học trực tuyến đầu tiên ở Việt Nam

Thứ ba, 13/10/2015 | 16:23 GMT+7

Kéo nhu cầu của doanh nghiệp và khả năng của sinh viên tiệm cận nhau là nhiệm vụ của ĐH Trực tuyến FUNiX. Tại FUNiX, sinh viên sẽ rút ngắn thời gian học tập và dễ dàng tìm được cơ hội việc làm dù chưa tốt nghiệp.

Lễ khai trương Đại học Trực tuyến FUNiX được tổ chức ở tầng 13 tòa nhà FPT Cầu Giấy, Hà Nội, vào sáng nay (ngày 13/10). Chương trình có sự hiện diện của Phó TGĐ FPT Nguyễn Thế Phương, Phó TGĐ FPT Nguyễn Khắc Thành, Hiệu trưởng ĐH FPT Đàm Quang Minh, TGĐ Tinh Vân Group Hoàng Tô cùng các chuyên gia công nghệ, học viên, phụ huynh và những người quan tâm. 

Anh Nguyễn Thành Nam, người đứng đầu FUNiX, nhận ra rằng, CNTT chính là tương lai. Nắm vững kỹ năng CNTT cũng cần thiết như việc học ngoại ngữ ở giai đoạn hiện tại. Và trong tương lai gần, việc học CNTT không chỉ dành cho những người làm nghề mà công nhân, nông dân, nhân viên văn phòng... cũng cần biết để nâng cao năng suất lao động. 

Untitled-2-620.jpg

Giao diện FUNiX.

Chính từ quan điểm này, FUNiX - trường dạy CNTT trực tuyến thuộc Khối Giáo dục FPT - đã ra đời. Tuy mô hình học online không còn mới nhưng việc trong quá trình học có người dìu dắt chính là điểm nổi trội nhất của FUNiX. "Linh hồn" của FUNiX chính là các mentor (tạm dịch: Người hướng dẫn). "Mentor là người được trả lương để dành thời gian và công sức hỗ trợ cho các sinh viên trong quá trình học tập", anh Nguyễn Thành Nam, GĐ FUNiX, chia sẻ.

FUNiX hướng tới phương pháp đào tạo mới: “Bạn hỏi, Google trả lời”, “Đi đâu cũng chép cũng ghi! Không biết thì hỏi, tự ti làm gì”. Sinh viên sẽ được sử dụng học liệu mở, có sẵn trên mạng của các chuyên gia và những trường học tốt nhất về CNTT do FUNiX cung cấp.

Trong quá trình học, khi có vấn đề cần giải đáp, sinh viên sẽ liên lạc với nhà trường nhờ kết nối với hệ thống mentor hỗ trợ 24/24h. Việc "học bằng hỏi" không chỉ giúp sinh viên hiểu vấn đề mà đây cũng là căn cứ để đánh giá kết quả học tập của họ. Theo anh Nam, 80% kết quả học tập đã được thể hiện trong quá trình học, đặt câu hỏi tốt, đúng trọng tâm vấn đề cũng được ghi nhận. 

IMG-2986-620-5798-1444723752.jpg

Lễ ra mắt FUNiX nhận được sự quan tâm của lãnh đạo tập đoàn, lãnh đạo FPT, chuyên gia CNTT, phụ huynh và sinh viên.

Bên cạnh việc tương tác online, mỗi tháng, trường sẽ mở buổi nói chuyện offline theo chủ đề giữa mentor và sinh viên. Thông qua tương tác với mentor, sinh viên giảm thời gian học những điều không cần thiết và tập trung vào kiến thức phục vụ cho công việc. Đồng thời, các chuyên gia CNTT cũng "nhắm" được ứng viên phù hợp cho công ty, doanh nghiệp của mình. "Nếu học nhanh, sau 2 năm, sinh viên có thể tốt nghiệp và đi làm ngay từ khi nhận chứng chỉ đầu tiên", người đứng đầu FUNiX nhìn nhận. 

Chương trình học online của FUNiX kéo dài 8 kỳ, mỗi kỳ 4 tháng, với học phí khóa học là 90 triệu đồng. Theo đó, trong 8 kỳ học, sinh viên sẽ lần lượt trải qua các kiến thức cần thiết cho nghề nghiệp gồm: Công dân số, Lập trình viên ứng dụng Mobile, Lập trình viên Ứng dụng doanh nghiệp, Thông thạo môi trường làm việc CNTT, Kỹ sư phần mềm cơ bản, Thông thạo môi trường kinh doanh, Chuyên viên hệ thống thông tin, Bằng kỹ sư phần mềm. 

IMG-3052-620-1815-1444723752.jpg

FUNiX ký Biên bản hợp tác với Tinh Vân và FPT Software ngay tại lễ ra mắt.  Theo đó, các doanh nghiệp sẽ tham gia vào quá trình lựa chọn, phê duyệt học liệu, cung cấp mentor trực tiếp hỗ trợ sinh viên trong suốt quá trình học, đảm bảo đầu ra và tuyển dụng sinh viên. 

Sau mỗi kỳ, sinh viên sẽ nhận được một chứng chỉ, chứng nhận có thể làm được việc tương ứng. Hoàn thành chương trình học, sinh viên sẽ trở thành kỹ sư CNTT, nhận bằng đại học được Bộ Giáo dục và Đào tạo công nhận. 

Bất cứ ai muốn và sẵn sàng theo đuổi nghề lập trình nói riêng và ngành CNTT nói chung chỉ cần chứng chỉ và đi làm sớm có thể đăng ký tham gia không giới hạn độ tuổi và thời gian. Để nhận bằng đại học, các ứng viên cần đáp ứng yêu cầu đầu vào từ Bộ Giáo dục và Đào tạo. 

Dù mới ra mắt nhưng FUNiX nhận được sự hưởng ứng của lãnh đạo tập đoàn, doanh nghiệp và nhiều sinh viên, phụ huynh. Đại diện Tập đoàn FPT, Phó TGĐ Nguyễn Thế Phương cho biết: "FUNiX phù hợp với chủ trương đầu tư của FPT vào lĩnh vực 2.0 trở lên. Đây là dự án có tiềm năng lớn. FUNiX hoàn toàn có cơ sở thành trường đại học lớn của Việt Nam sử dụng nền tảng công nghệ thông tin và công nghệ giáo dục mới".

IMG-3028-620-5355-1444723752.jpg

Anh Đinh Hoàng Kiên (giữa) nhận được quà từ anh Nguyễn Thành Nam khi là một trong hai sinh viên đầu tiên ghi danh vào FUNiX.

Đang làm việc và sinh sống ở TP HCM nhưng khi biết thông tin FUNiX ra mắt, anh Đinh Hoàng Kiên, Công Ty TNHH Tư vấn Thiết kế thế hệ Geo HCM, đã ra thủ đô để dự chương trình. Theo anh Kiên, học là quá trình thực hiện suốt đời. Trước đây, khi chưa có học online, anh tự học bằng cách đọc sách và nghiên cứu tài liệu. Vì vậy, khi FUNiX ra mắt, anh đăng ký học ngay. "FUNiX giúp những người đã đi làm như tôi được học và trau dồi kiến thức cập nhật nhất. Tôi rất thích cách học bằng hỏi thông qua mentor. Điều này, giúp người học tiếp xúc với người có chuyên môn trong ngành CNTT và rút ngắn được quá trình học tập", anh Kiên nhấn mạnh.

Đứng ở góc độ nhà doanh nghiệp, anh Phạm Thúc Trương Lương, Phó TGĐ Tinh Vân Group, nhìn nhận: "FUNiX tạo thêm cơ hội học tập cho các bạn khi không đủ cam kết về thời gian". Nhận thấy sự ưu việt trong cách thức đào tạo khoa học và phù hợp với xu hướng, nhu cầu của thời đại, Phó TGĐ Tinh Vân cũng cam kết sẽ tạo điều kiện cho sinh viên FUNiX thực tập ưu tiên tuyển dụng với ứng viên đạt yêu cầu.

Chi tiết thông tin về chương trình và đăng ký nhập học FUNiX trên www.funix.edu.vn.

Tại FUNiX sinh viên sẽ phải hoàn thành 8 chứng chỉ. Mỗi chứng chỉ gồm 4 môn học. Mỗi môn có thời gian học là 4 tuần và 6 tuần để thi. Trong 8 chứng chỉ đó, có 3 chứng chỉ độc lập, 3 chứng chỉ cốt lõi và 2 chứng chỉ chuyên ngành.

Chứng chỉ 1 là Digital Citizenship - Hộ chiếu vào thế giới số. Nếu được cấp chứng chỉ này, sinh viên sử dụng máy tính và các công cụ thành thạo, có thể dựng cho mình website và lập trình đơn giản, biết cách sử dụng các công cụ liên lạc và tìm kiếm trong công việc, có thể làm nghề hỗ trợ tin học hoặc kinh doanh trên mạng.

Chứng chỉ 2 là Mobile App developer. Sau chứng chỉ này, sinh viên có khả năng lập các ứng dụng trên mobile và games, tham gia được các công ty mobile apps.

Chứng chỉ 3 là Enterprsie App Developer. Sinh viên được học và thực hành các kỹ năng xây dựng phần mềm lớn, phục vụ doanh nghiệp, có thể tham gia các dự án phần mềm.

Chứng chỉ 4 là Working in Group. Đây là chứng chỉ độc lập, sinh viên được học đạo đức nghề nghiệp và các kỹ năng mềm trong công việc.

Chứng chỉ 5 là Fundamental Software Engineering - Kỹ sư phần mềm cơ bản. Đạt chứng chỉ này, sinh viên nắm được quy trình sản xuất một phần mềm lớn chuyên nghiệp, có thể đi thực tập hoặc tham gia vào vị trí bắt đầu tại các công ty phần mềm chuyên nghiệp.

Chứng chỉ 6 là Doing bussiness FPT way. Sinh viên được học kế toán, luật, khởi nghiệp và chia sẻ các kinh nghiệm thành công của FPT. Đây là chứng chỉ độc lập.

Chứng chỉ 7 là IT Specialization - Chuyên ngành. Sinh viên có thể chọn các chuyên ngành để đi sâu như: Hệ thống thông tin, Phần mềm nhúng, Robotic, Trí tuệ nhân tạo… Có chứng chỉ này, sinh viên có thể tham gia các dự án chuyên sâu.

Và để có chứng chỉ 8, sinh viên phải học các môn bắt buộc để trở thành một kỹ sư, làm đồ án tốt nghiệp và trở thành một kỹ sư hoàn chỉnh.

Lưu Vân

Ảnh: Anh Tuấn

Ý kiến

()