Ủy ban Chứng khoán Nhà nước vừa thông báo việc niêm yết và giao dịch cổ phiếu thay đổi niêm yết liên quan mã FPT. Theo đó, từ ngày 28/6, FPT niêm yết bổ sung 61.654.716 cổ phiếu, gồm 60.739.121 chuyển nhượng tự do và 915.595 cổ phần hạn chế chuyển nhượng từ 1-3 năm do chủ sở hữu nằm trong nhóm CBNV nhận cổ phiếu ưu đãi (ESOP).
Hồi tháng 5, FPT phát hành lượng cổ phiếu ESOP trị giá hơn 150 tỷ đồng ưu đãi CBNV. Ảnh: Trung Hiền |
Sau động thái trên, lượng chứng khoán của FPT là 678.358.688 cổ phiếu, tương ứng tổng giá trị 6.783.586.880.000 đồng. Với thị giá khoảng 45.000/cổ phiếu, vốn hóa thị trường vượt 30.000 tỷ đồng.
Việc tăng lượng cổ phiếu của FPT được thực hiện thông qua phát hành hơn 61,6 triệu cổ phần trả cổ tức bằng cổ phiếu, với tổng mệnh giá phát hành hơn 616 tỷ đồng. Số lượng phát hành tương ứng với 10% vốn điều lệ. Vốn phát hành được lấy từ nguồn lợi nhuận chưa phân phối tại thời điểm 31/12/2018 trên báo cáo tài chính đã được kiểm toán.
Trước đó, FPT đã phát hành hơn 3 triệu cổ phần ưu đãi (ESOP) dành cho nhóm CBNV có thành tích đóng góp quan trọng cho sự phát triển của tập đoàn trong năm 2018.
Năm 2018, doanh thu của tập đoàn công nghệ thông tin số 1 Việt Nam đạt 23.214 tỷ đồng, tăng 17,4%. Biên lợi nhuận gộp của công ty đạt 37,8%, tăng mạnh do không còn hợp nhất kết quả từ mảng bán lẻ. Sau khi tái cơ cấu, FPT tập trung vào các lĩnh vực kinh doanh cốt lõi là công nghệ thông tin, viễn thông và giáo dục. Mảng công nghệ giữ vai trò dẫn dắt trong chiến lược toàn cầu hóa của tập đoàn khi đem về doanh thu 13.402 tỉ đồng, chiếm hơn 57%.
Kế hoạch kinh doanh năm 2019, FPT đặt mục tiêu 26.660 tỉ đồng doanh thu, tăng 15% so với năm 2018. Lợi nhuận trước thuế dự kiến tăng 16% từ 3.858 tỉ đồng lên 4.460 tỷ đồng. Kết thúc 5 tháng đầu năm 2019, doanh thu và lợi nhuận trước thuế (LNTT) của FPT tăng trưởng 20,2% và 22,1% so với cùng kỳ, lần lượt đạt 9.961 tỷ đồng và 1.719 tỷ đồng, tương đương 103% và 112% kế hoạch lũy kế.
>> SCIC lên kế hoạch thoái vốn tại FPT thu về nghìn tỷ
Tân Phong
Ý kiến
()