Chúng ta

FPT lọt Top 100 công ty giá trị nhất Đông Nam Á

Thứ hai, 23/11/2015 | 07:51 GMT+7

Trong 100 công ty giá trị nhất Đông Nam Á vừa được Nikkei Asian Review công bố, Việt Nam có 5 đơn vị: PV GAS, Vinamilk, VietcomBank, FPT và Vingroup lọt vào danh sách.

Các công ty lớn nhất Đông Nam Á (ASEAN 100) lọt vào danh sách của Nikkei Asian Review gồm: 25 công ty Singapore, 22 công ty Malaysia, 25 công ty Indonesia, 22 công ty Phillipines, 25 công ty Thái Lan và 5 công ty của Việt Nam. 

“FPT là công ty CNTT lớn nhất Việt Nam. Công ty đang tham gia vào một loạt các ngành, bao gồm phần mềm, viễn thông và kinh doanh các sản phẩm CNTT. Là công ty toàn cầu, hơn một nửa đơn hàng đến từ Nhật Bản”, Nikkei Asian Review nhận định. FPT cũng vừa kỷ niệm 10 năm hiện diện tại thị trường Nhật Bản. FPT hiện có trên 4.000 CBNV phục vụ cho thị trường này, trong đó riêng tại FPT Japan có hơn 500 người đang làm việc trực tiếp.

Việc công bố danh sách Top 100 ASEAN của Nikkei Asian Review cũng cung cấp chi tiết về vốn hóa thị trường và lợi nhuận của các công ty trong khu vực. Theo đó, các công ty Đông Nam Á đang trong xu hướng ngày càng phát triển khi Top 100 ASEAN có tới 44 công ty vốn hóa trên 10 tỷ USD và 24 công ty có lợi nhuận trên 1 tỷ USD. Công ty Viễn thông Singapore - Singapore Telecommunications - đứng đầu danh sách với vốn hóa 47 tỷ USD.

IMG-7265-1-7041-1424845775-7199-14482769

Ngày 11/11, anh Trương Gia Bình, Chủ tịch FPT, đã tham gia diễn đàn được tổ chức thường niên Nikkei Global Management lần thứ 17 tại Tokyo (Nhật Bản) với vai trò diễn giả. Anh Bình cũng là diễn giả duy nhất đến từ Việt Nam và giới công nghệ Đông Nam Á. "Trong giai đoạn 2015-2017, FPT mong muốn đi tiên phong trong cuộc cách mạng Smart (thông minh) thông qua việc ứng dụng mạnh mẽ công nghệ SMAC vào các hoạt động quản trị và kinh doanh cũng như cung cấp dịch vụ mới cho khách hàng", anh Bình chia sẻ. Ảnh minh họa: Trung Hiền.

Năm 2014, doanh thu FPT đạt 35.130 tỷ đồng. Đến nay, FPT đã hiện diện và có khách hàng tại 19 quốc gia trên thế giới. Khu vực Đông Nam Á FPT có mặt gần hết, gồm: Myanmar, Campuchia, Lào, Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Singapore và Philippines. Các nước khác trong khu vực châu Á gồm: Kuwait, Nhật và Bangladesh. Châu Đại dương có Australia. Châu Âu là Anh, Hà Lan, Đức, Slovakia, Pháp; Châu Mỹ: Mỹ.

Với mạng lưới này, FPT có thể cùng lúc sử dụng nguồn lực trên toàn cầu và tại Việt Nam để cung cấp dịch vụ/giải pháp cho khách hàng một cách hiệu quả nhất.

Hiện FPT là đối tác cung cấp dịch vụ của hơn 350 công ty lớn trên phạm vi toàn cầu, trong đó có trên 40 khách hàng thuộc danh sách Fortune 500. Đồng thời là đối tác công nghệ cấp cao của các hãng công nghệ hàng đầu như Microsoft, Amazon Web Services, SAP…

Trong báo báo mới nhất ngày 23/11, kết thúc 10 tháng năm 2015, doanh thu hợp nhất của FPT đạt 32.440 tỷ đồng, tăng 19% so với cùng kỳ, đạt 104% kế hoạch lũy kế; lợi nhuận trước thuế đạt 2.219 tỷ đồng, tăng 8% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ đạt 1.442 tỷ đồng, tăng 7% so với cùng kỳ. Lãi cơ bản trên cổ phiếu (EPS) đạt 3.634 đồng, tăng 7% so với cùng kỳ.

Trong các mảng kinh doanh của FPT, doanh thu từ thị trường nước ngoài tiếp tục có mức tăng đáng kể với mức tăng 34% so với cùng kỳ, đạt 3.833 tỷ đồng, tương đương 175 triệu USD. 

Khối công nghệ cũng ghi nhận doanh thu 6.441 tỷ đồng, tăng 29% và lợi nhuận trước thuế đạt 686 tỷ đồng, tăng 18% so với cùng kỳ. Khối viễn thông tăng 13% và lợi nhuận trước thuế tăng 7% so với cùng kỳ, tương ứng 4.453 tỷ đồng và 901 tỷ đồng. Trong khi đó, mảng phân phố - bán lẻ của FPT có doanh thu và lợi nhuận trước thuế tăng lần lượt 18% và 16%, tương ứng 21.032 tỷ đồng và 558 tỷ đồng. Tính đến cuối tháng 10, FPT đang vận hành 246 cửa hàng.

Vừa qua, chia sẻ tại diễn đàn thường niên Nikkei Global Management tại Tokyo (Nhật Bản), Chủ tịch FPT khẳng định mục tiêu của tập đoàn là tiếp tục duy trì vị trí công ty CNTT hàng đầu ở Đông Nam Á và hướng tới mức tăng tưởng 30% trong 15 năm tới.

Trong một nghiên cứu mới đây, Boston Consulting Group (BCG), một trong hai tập đoàn tư vấn chiến lược lớn nhất thế giới, công bố chỉ có ba doanh nghiệp của Việt Nam là FPT, Vinamilk và Viettel có khả năng dẫn đầu, có hành động và đủ khả năng để vươn ra nước ngoài.

>> Anh Trương Gia Bình: ‘FPT sẽ M&A ở Mỹ’

Nguyên Văn

Ý kiến

()