Anh Bình nhận định, Việt Nam tham gia vào sân chơi toàn cầu sâu hơn sẽ giúp FPT mở rộng cơ hội tiếp cận sâu vào các thị trường hiện hữu. “Chẳng hạn, Nhật Bản hiện là thị trường chiến lược nhất của FPT, chiếm khoảng 50% doanh thu hằng năm. Nhưng tăng trưởng doanh thu ở Mỹ trong năm nay đã cao hơn Nhật Bản khoảng 45%”.
Một hướng khác để tập đoàn tăng trưởng lợi nhuận là tham gia vào các thị trường mới nổi. Mới đây, FPT đã giành được hợp đồng xây dựng một hệ thống quản lý thuế trị giá 33,6 triệu USD ở Bangladesh. Đây là một hướng đi mới của FPT trong việc mang kinh nghiệm tại Việt Nam đến các quốc gia đang phát triển trên thế giới, chủ yếu thông qua các dự án của Ngân hàng Thế giới (Work Bank). “Chúng tôi cũng muốn xây dựng cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin tại Lào, Myanmar và Campuchia, đồng thời giới thiệu công nghệ điện toán đám mây và phân tích dữ liệu lớn đến các quốc gia mới nổi”, anh Bình nói.
Chủ tịch FPT trong buổi phỏng vấn với phóng viên Tomomi Kikuchi. Ảnh: Nikkei. |
Chia sẻ với phóng viên Tomomi Kikuchi của Nikkei, người có nhiều năm theo dõi thị trường Việt Nam, Chủ tịch FPT thông tin, trong lĩnh vực xuất khẩu phần mềm, mục tiêu của FPT Software là cán mốc doanh thu 1 tỷ USD vào năm 2020 trong khi con số hiện tại khoảng 200 triệu USD. Trong vòng 15 năm tới, FPT muốn ghi danh vào nhóm các công ty hàng đầu thế giới. “Hiện tại, chúng tôi sở hữu số nhân sự khoảng 30.000 người và có kế hoạch sẽ tăng gấp 3 số lượng này trong 5 năm tiếp theo”.
Về cách làm để cán mốc doanh thu và nhân lực, anh Bình tiết lộ mỗi năm FPT sẽ thực hiện một hoặc 2 thương vụ M&A để tham gia thị trường và phát triển ngành nghề (domain) mới. Tập đoàn dự định đầu tư khoảng 50 triệu USD mỗi năm. “Trong tương lai, chúng tôi muốn phát triển nhiều hơn ở Mỹ. FPT hy vọng có thể thực hiện một vài thương vụ M&A ở Mỹ có quy mô khoảng từ 50 đến 100 triệu USD”, Chủ tịch FPT kỳ vọng.
FPT đang tập trung vào các lĩnh vực mới, như “Internet of Things” (IoT - Internet kết nối vạn vật), để xây dựng năng lực cạnh tranh. Chẳng hạn, FPT vừa phát triển một robot thương mại với giá khoảng 89 USD. Robot này sử dụng một nền tảng cho phép người dùng có thể phát triển các ứng dụng. Đây là nền tảng mở cho các nhà phát triển và doanh nghiệp.
“Với riêng Nhật Bản, tôi cho rằng Việt Nam là nước duy nhất cho đến nay có nhiều kỹ sư công nghệ học tiếng Nhật với quy mô lớn như vậy”, anh Bình hào hứng. “FPT có một chương trình cho phép các sinh viên kỹ thuật được đào tạo 6 tháng tại Việt Nam, nghiên cứu tiếp một năm ở Nhật Bản và sau đó thực tập ngay tại các công ty Nhật. Chúng tôi sẽ có khoảng 10.000 sinh viên tham gia chương trình này trong tương lai. Nhật Bản có các kỹ sư có chuyên môn sâu nhưng độ tuổi khá cao trong khi người Việt Nam lại đang rất trẻ và rất giỏi học tập các công nghệ mới, đồng thời nhiều người cũng nói tốt tiếng Anh hay các ngôn ngữ khác như tiếng Nhật”.
Đối với các đối tác Nhật Bản, Fujitsu và FPT sẽ bắt đầu một chương trình thí điểm về một dịch vụ đám mây cho nông nghiệp Việt Nam vào tháng 12 tới để đưa giải pháp ứng dụng CNTT và viễn thông trong nông nghiệp để nâng cao hiệu suất và chất lượng sản phẩm. Với giải pháp này, thông qua Internet và phần mềm, thiết bị, việc tưới, bón phân... trong nông nghiệp sẽ được tự động hóa.
>> ‘Chỉ FPT, Vinamilk, Viettel đủ sức vươn toàn cầu’
Nguyên Văn
Ý kiến
()