Chúng ta

FPT là công ty công nghệ duy nhất lọt top 50 Forbes Việt Nam

Thứ hai, 30/5/2016 | 15:26 GMT+7

Đây là lần thứ tư FPT lọt danh sách Top 50 công ty niêm yết kinh doanh hiệu quả và tiếp tục là công ty công nghệ duy nhất.

Ngày 30/5, Forbes Việt Nam, phiên bản tiếng Việt của tạp chí kinh doanh hàng đầu thế giới, công bố danh sách 50 công ty niêm yết tốt nhất Việt Nam năm 2016.

Danh sách 50 công ty tốt nhất do Forbes Việt Nam xếp hạng lựa chọn các công ty có hiệu quả kinh doanh tốt nhất thị trường, bao gồm cả những công ty lớn và công ty vừa và nhỏ thuộc 13 lĩnh vực, kể cả đa ngành.

Như thường lệ, Top 50 chia thành các lĩnh vực khác nhau như: bất động sản, xây dựng, nông nghiệp, hàng tiêu dùng... với những tên tuổi lớn nhất của ngành. Riêng lĩnh vực công nghệ chỉ duy nhất FPT.

Năm 2015, FPT trở lại quỹ đạo tăng trưởng hai chữ số, cả doanh thu và lợi nhuận, lần lượt ở mức 14% và 16%. Kết thúc năm 2015, doanh thu toàn tập đoàn đạt 40.003 tỷ đồng, tăng trưởng 13,9% so với năm 2014, đạt 101% kế hoạch năm. Lợi nhuận trước thuế toàn tập đoàn đạt 2.851 tỷ đồng, tăng 15,9% so với năm 2014, đạt 100% kế hoạch. Lãi cơ bản trên cổ phiếu 4.386 đồng, tăng 17,8% so với năm 2014.

top50-forbes-VN-5994-1464594967.jpg

Anh Nguyễn Văn Khoa, TGĐ FPT Telecom kiêm GĐ FPT HCM, thay mặt tập đoàn nhận danh hiệu Top 50 tại lễ vinh danh năm 2015.

Năm 2016, FPT đề ra chỉ tiêu doanh thu 45.796 tỷ đồng, tăng 14,5%; lợi nhuận trước thuế 3.151 tỷ đồng, tăng 10,5% so với năm 2015. Khối công nghệ - viễn thông sẽ tiếp tục là mũi nhọn của tập đoàn, với kế hoạch lợi nhuận tăng trên 35,6%. Tập đoàn cũng dự kiến chi trả cổ tức bằng tiền mặt tỷ lệ 20% (căn cứ theo số lượng cổ phiếu mới sau khi đã thực hiện chia cổ tức bằng cổ phiếu 15%).

“Danh sách xếp hạng những công ty niêm yết tốt nhất thị trường của Việt Nam lần thứ 4 phản ánh những thay đổi của nền kinh tế. Các công ty trong lĩnh vực hàng tiêu dùng tiếp tục phát triển mạnh, trong khi ngành xây dựng, bất động sản tăng trưởng nhờ sự phục hồi của thị trường bất động sản. Lĩnh vực dầu khí năm nay không có công ty nào vào được danh sách, do giá dầu thấp tiếp tục cản trở tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận của họ. Giá nhiều loại hàng hóa vẫn trong chu kỳ giảm khiến cho ngành cao su không có đại diện và ngành mía đường chỉ có một công ty là Thành Thành Công Tây Ninh,” bà Nguyễn Lan Anh, thư ký tòa soạn tạp chí Forbes Việt Nam, cho biết.

Forbes Việt Nam sử dụng phương pháp xếp hạng công ty của Forbes, có cân nhắc đến đặc thù các doanh nghiệp niêm yết tại Việt Nam. Dữ liệu sử dụng để đánh giá dựa trên báo cáo tài chính đã kiểm toán của 5 năm liên tiếp, năm tài chính 2015.

Trong phương pháp tính, Forbes xem xét tất cả các cổ phiếu niêm yết, được sắp xếp theo từng nhóm ngành. Những cổ phiếu đang thua lỗ, hay trong quá trình hủy niêm yết, có quy mô quá nhỏ (giá trị vốn hóa dưới 300 tỉ đồng và doanh thu dưới 150 tỷ đồng…) đều không đủ tiêu chuẩn lọt vào danh sách xem xét sơ bộ.

Ở bước kế tiếp, các công ty được chấm điểm theo các tiêu chí: tỷ lệ tăng trưởng kép về doanh thu, lợi nhuận, tỉ lệ sinh lời ROE, ROC và tăng trưởng EPS giai đoạn 2011 - 2015. Tiếp theo, Forbes Việt Nam xem xét độc lập mức độ phát triển bền vững của doanh nghiệp: thương hiệu, chất lượng quản trị doanh nghiệp, nguồn gốc lợi nhuận trong quá khứ và triển vọng phát triển bền vững. Các công ty con có hoạt động kinh doanh phụ thuộc vào công ty mẹ (đã có tên trong danh sách), các công ty nhiều lần vi phạm nghĩa vụ công bố thông tin của hai sở giao dịch chứng khoán… đều bị loại.

Tiêu biểu ở lĩnh vực bất động sản và xây lắp vẫn là các tên tuổi lớn như Tập đoàn Vingroup, Hà Đô hay Công ty Cổ phần (CP) Xây dựng công trình ngầm Fecon. Trong lĩnh vực tài chính có sự xuất hiện của các gương mặt quen thuộc như Vietcombank, ACB, Công ty CP Chứng khoán Sài Gòn, Tập đoàn Bảo Việt… 

Một số tập đoàn lớn cũng xuất hiện trong bảng danh sách như Công ty CP Sữa Việt Nam (lĩnh vực thực phẩm và dịch vụ ăn uống); Tập đoàn Hoa Sen, Tập đoàn Hòa Phát (vật liệu) hay Công ty CP Tập đoàn Thiên Long, Công ty CP Bóng điện Phích nước Rạng Đông (hàng tiêu dùng)…

Lĩnh vực sản xuất nông nghiệp có sự góp mặt của Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất dầu khí, Công ty CP Mía đường Thành Thành Công-Tây Ninh… trong khi lĩnh vực dược phẩm có hai đại diện là Công ty CP Dược Hậu Giang và Traphaco. Tập đoàn Masan và Công ty CP Cơ Điện lạnh xuất hiện trong nhóm công ty đa ngành.

Tổng giá trị vốn hóa thị trường của 50 công ty này đạt 829.010 tỷ đồng, chiếm 62,14% giá trị vốn hóa của hai sàn HOSE và HNX cộng lại (tính tới ngày 16/5/2016). Tổng doanh thu của 50 công ty đạt 475.546 tỷ đồng, chiếm 37,77% tổng doanh thu toàn thị trường. Tổng lợi nhuận sau thuế của các công ty trong danh sách đạt 53.482 tỷ đồng, chiếm 53,08% tổng lợi nhuận của cả thị trường.

Hầu hết các công ty trong danh sách này đều niêm yết ở Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM (HOSE) trong khi chỉ có năm doanh nghiệp niêm yết ở Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX). So với năm ngoái, danh sách năm nay có 10 gương mặt mới.

Năm nay là lần thứ tư liên tiếp Forbes Việt Nam công bố danh sách ‘Top 50 công ty niêm yết tốt nhất”. FPT cũng bốn lần giành giải này với thứ hạng ngày càng tăng.

Cuối tháng 11/2015, FPT cùng với 4 doanh nghiệp đến từ Việt Nam nằm trong danh sách 300 công ty năng động nhất châu Á (Asia 300) được Tạp chí Nikkei công bố.

Kết thúc 4 tháng đầu năm, FPT ghi nhận doanh thu hợp nhất đạt 11.524 tỷ đồng, đạt 98% kế hoạch. Lợi nhuận trước thuế (LNTT) và lợi nhuận sau thuế (LNST) của công ty đạt lần lượt 796 tỷ đồng và 504 tỷ đồng, vượt tương ứng 10% và 6% so với kế hoạch. Lãi cơ bản trên cổ phiếu (EPS) đạt 1.267 đồng.

>> SCIC sắp nhận 125 tỷ đồng cổ tức và 6,25 triệu cổ phiếu từ FPT Telecom

Nguyên Văn

Ý kiến

()