Quỹ VN Diamond ETF là quỹ ETF hướng đến các cổ phiếu hết room ngoại hàng đầu trên thị trường chứng khoán Việt Nam, được huy động vốn cuối tháng 2/2020 bởi công ty quản lý quỹ VFM. Danh mục của quỹ có 14 cổ phiếu, FPT thuộc top những cổ phiếu đang có tỷ trọng trên 10% rổ chỉ số.
Năm 2019, FPT là cổ phiếu tăng trưởng tốt trong nhóm này với mức tăng xấp xỉ 60%, vượt xa mức tăng 33% hay 25% của các đơn vị xếp liền sau. Trong đợt sụt giảm do lo ngại vì dịch bệnh vừa qua, hầu hết các cổ phiếu đều giảm mạnh, bất kể triển vọng tốt xấu và các cổ phiếu hết room trong rổ VN Diamond chịu tình cảnh tương tự dù nhà đầu tư nước ngoài không hề bán ròng.
So với trước khi dịch Covid-19 bùng phát, nhiều cổ phiếu đã giảm tới 30-40% như MWG, PNJ hay TCB…còn duy nhất Coteccons (CTD) giữ được mức giá trước Tết, thì năm 2019 Coteccons cũng đã mất tới 2/3 giá trị. Tính đến 10/4, FPT thuộc 2 mã giảm ít nhất (-18%).
Tính đến 10/4, FPT thuộc 2 mã giảm ít nhất (-18%). |
Không chỉ là một trong những cổ phiếu tăng giá tốt nhất năm 2019, FPT còn là một trong những bluechip giữ giá tốt nhất trong đợt giảm giá vừa qua. Đà tăng giá của FPT đến từ kết quả kinh doanh tăng trưởng bền vững sau khi tập trung vào lĩnh vực cốt lõi là công nghệ và viễn thông. Doanh thu hợp nhất 2019 của FPT tăng trưởng 19% lên 27.700 tỷ đồng còn lợi nhuận trước thuế tăng 21% lên gần 4.700 tỷ đồng.
Đại hội đồng cổ đông thường niên FPT đã thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2020 với doanh thu và lợi nhuận dự kiến tăng lần lượt là 17% và 18% so với năm 2019 như đã đưa ra đầu tháng 1 và uỷ quyền cho HĐQT thực hiện các kịch bản kinh doanh khác nhau tuỳ theo diễn biễn thực tế.
So với các cổ phiếu hết room khác, FPT đang được đánh giá là sự lựa chọn ít rủi ro hơn. Nếu như các ngân hàng chịu nhiều áp lực trước rủi ro nợ xấu gia tăng, các doanh nghiệp bán lẻ sản phẩm không thiết yếu gặp khó khăn với sức cầu suy giảm, hoạt động kinh doanh gián đoạn hay các cổ phiếu bất động sản có thể gặp rủi ro về dòng tiền, một số công ty chứng khoán đánh giá FPT vẫn có thể có nhiều cơ hội trong và sau khủng hoảng.
Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên tổ chức ngày 8/4 mới đây, Chủ tịch HĐQT Trương Gia Bình chia sẻ FPT tiếp tục theo đuổi mục tiêu Top 50 Công ty cung cấp dịch vụ chuyển đổi số hàng đầu thế giới vào năm 2030, tăng 40 -50% doanh thu chuyển đổi số trong giai đoạn 2020 - 2022. Nhu cầu chuyển đổi số những năm gần đây đã tăng trưởng nhanh và sẽ ngày càng cao sau khi kết thúc dịch bệnh, và đây là cơ hội tốt cho FPT.
Tại ĐHĐCĐ thường niên 2020, Chủ tịch Trương Gia Bình chia sẻ FPT tiếp tục theo đuổi mục tiêu Top 50 Công ty cung cấp dịch vụ chuyển đổi số hàng đầu thế giới vào năm 2030. |
Với tầm nhìn dài hạn, nhiều quỹ đầu tư lớn cũng tranh thủ cơ hội giảm giá gần đây để mua vào khi giá cổ phiếu về mức hấp dẫn. Sau khi chi khoảng gần 500 tỷ đồng để "gom" cổ phiếu FPT trong giai đoạn cuối năm 2019, quỹ VinaCapital VOF tiếp tục mua thêm một lượng đáng kể cổ phiếu FPT trong những ngày đầu tháng 4. Hiện FPT chiếm gần 3% danh mục của VinaCapital VOF và 4% danh mục của Dragon Capital VEIL. Ngoài 2 quỹ đầu tư lớn nhất trên thị trường chứng khoán Việt Nam này, các cổ đông ngoại lớn nhất của FPT hiện còn có Prudential, Macquarie Bank, Fidelity Fund, Truck Capital…
Bên cạnh triển vọng tăng trưởng tốt, FPT được các quỹ đầu tư dài hạn ưa thích do luôn duy trì chính sách cổ tức hấp dẫn. Đại hội cổ đông thường niên 2020 thông qua phương án chia cổ tức 2019 tỷ lệ 35%, bao gồm 20% bằng tiền mặt và 15% bằng cổ phiếu. Đây là năm thứ 7 liên tiếp FPT duy trì mức chi cổ tức trên 30%/năm kể từ năm 2013 đến nay với tỷ lệ chi trả bằng tiền mặt thường cân bằng hoặc cao hơn tỷ lệ chia bằng cổ phiếu. Năm 2020, ban lãnh đạo công ty dự kiến tiếp tục trả 20% bằng tiền mặt.
>> FPT 'phô diễn' công nghệ trong đại hội cổ đông trực tuyến
Thủy Minh
Ý kiến
()