Chúng ta

'FPT không phân biệt sinh viên học trường nào, bằng gì'

Thứ ba, 4/7/2017 | 17:36 GMT+7

Trả lời câu hỏi của sinh viên trường Đại học Phú Xuân, TP Huế, về cơ hội việc làm, anh Phan Trùng Điệp, Trưởng phòng Tuyển dụng FPT Software Đà Nẵng, nhấn mạnh: "Đơn vị không phân biệt sinh viên học trường nào, bằng gì, quan trọng làm được việc và ham học hỏi".

Chiều nay (ngày 4/7), hơn 30 sinh viên Đại học Phú Xuân, TP Huế, đã có chuyến tham quan và lắng nghe chia sẻ của lãnh đạo FPT Software Đà Nẵng về định hướng nghề nghiệp cũng như cơ hội thực tập, làm việc.

IMG-1010-JPG-4805-1499160044.jpg

Hơn 30 sinh viên Đại học Phú Xuân, TP Huế lắng nghe chia sẻ của lãnh đạo FPT Software Đà Nẵng.

Mở đầu buổi nói chuyện, GĐ FPT Software Đà Nẵng Nguyễn Tuấn Phương giới thiệu đôi nét về đơn vị. Phần mềm FPT đã cán mốc 11.000 người cũng như tham gia vào nhiều sân chơi lớn mang tính toàn cầu như Trí tuệ nhân tạo (AI), Internet vạn vật (IoT)... FPT Software nhiều năm liền nằm trong Top 100 dịch vụ outsourcing toàn cầu và Top 100 nơi làm việc tốt nhất. Đơn vị hiện có 25 văn phòng tại 13 quốc gia trên thế giới. Năm 2017, công ty có nhu cầu tuyển dụng 2.000 nhân viên, riêng Đà Nẵng là 500 nhân viên. 

FPT Software đang hướng đến mục tiêu 1 tỷ USD doanh thu và 30.000 nhân sự vào năm 2020. Trong đó, FPT Software Đà Nẵng dự kiến đóng góp 25-30% vào mục tiêu nhân sự, tương đương khoảng 7.000-9.000 người vào năm 2020. Ba năm gần đây, FPT Software Đà Nẵng luôn đạt con số tăng trưởng trung bình 50-60% mỗi năm, đội ngũ kỹ sư CNTT cũng tăng lên nhanh chóng, từ khoảng 400 người trong năm 2011 lên 2.000 người năm 2016. Nhiều dự án trị giá triệu USD với các đối tác lớn trên thế giới đã được triển khai tại FPT Đà Nẵng, đặc biệt là các dự án theo xu hướng công nghệ mới điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo.

"CNTT là lĩnh vực tương đối dễ tìm kiếm cơ hội việc làm cũng như có thu nhập ổn định, tương xứng. Nhưng với tốc độ phát triển như hiện nay, FPT Software lại gặp khó khăn về nguồn nhân lực chất lượng cao, bởi việc mở rộng thị trường ngày càng nhanh thông qua các sân chơi lớn trên thế giới", anh Phương nhấn mạnh.

Khi được đặt câu hỏi liệu nhà trường và doanh nghiệp cần làm gì để giúp sinh viên dễ tìm kiếm cơ hội việc làm, anh Phương chỉ ra 4 yếu tố cơ bản: Kiến tập, trao đổi chương trình đào tạo, thực tập và hỗ trợ làm đồ án. "Tất cả giúp sinh viên có môi trường trải nghiệm thực tế với công việc. Phần lớn sinh viên sau khi thực tập 6 tháng đều có việc làm", anh nói.

IMG-1017-JPG-8570-1499160044.jpg

GĐ FPT Software Đà Nẵng Nguyễn Tuấn Phương, nhấn mạnh tầm quan trọng của kỹ năng giao tiếp, làm việc nhóm và đạo đức nghề nghiệp.

Anh Phan Trùng Điệp, Trưởng phòng Tuyển dụng FPT Software Đà Nẵng, cho biết, nhiều sinh viên học tại Huế đã thực tập ở đơn vị, và 70% được giữ lại làm việc. "Sinh viên phải chủ động tìm kiếm cơ hội thực tập và trang bị những kiến thức lẫn kỹ năng cần thiết như ngôn ngữ lập trình, ngoại ngữ và kỹ năng mềm. Riêng ngôn ngữ phải chú trọng tiếng Anh và Nhật, bởi đó là chìa khóa của thành công", anh nói.

Hiện tại, FPT Software có nhu cầu tuyển dụng lớn, ở 3 vị trí gồm: Thực tập sinh (làm việc bán thời gian); Lập trình viên Fresher (đào tạo chuyên sâu 2-3 tháng trước dự án) và Lập trình viên Junio (làm việc toàn thời gian tại dự án).

Để phục vụ cho chiến dịch này, FPT Software còn liên kết với các trường đại học trong quá trình đào tạo cũng như "đầu ra" cho sinh viên sắp tốt nghiệp. Đặc biệt, đơn vị áp dụng phương pháp phỏng vấn nhóm sinh viên nhằm khai thác tối đa tiềm năng, phát hiện tính cách của ứng viên, và xây dựng tinh thần làm việc teamwork.

Trường Đại học Phú Xuân, TP Huế, là một trong rất nhiều trường liên kết với FPT Software Đà Nẵng trong việc định hướng nghề nghiệp cũng như đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Trước đó, đơn vị đã trao tặng cho trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng và Đại học Khoa học Huế hai phòng máy có giá trị lần lượt 650 triệu đồng và 500 triệu đồng.

>> Phần mềm FPT tặng phòng thực hành cho ĐH Bách khoa Đà Nẵng

Việt Nguyễn

Ý kiến

()