FPT Japan vừa có món quà mừng tuổi 11 bằng việc cán đích doanh thu 100 triệu USD (tương đương hơn 2.200 tỷ đồng) sau 10 tháng đầu năm. "Tôi rất tự hào. Đây là thành quả sau 13 năm FPT Software bước vào thị trường Nhật. Cảm giác giống việc Futsal Việt Nam hay U19 được vào đá tại World Cup", Giám đốc FPT Japan Trần Đăng Hòa chia sẻ.
Đạt được 100 triệu USD là việc không dễ dàng đối với FPT, khi làm việc tại một thị trường khó tính, yêu cầu chất lượng cao và ít biến động như Nhật Bản, với sự cạnh tranh gay gắt từ các công ty Trung Quốc và Ấn Độ.
Giám đốc FPT Japan tin tưởng, từ mốc này, FPT Japan sẽ chinh phục các mức cao hơn. Mục tiêu mỗi năm đơn vị sẽ tăng 10 bậc trong bảng xếp hạng. Dự kiến đến năm 2020, FPT Japan sẽ lọt Top 20 trong danh sách công ty IT lớn tại Nhật. |
Với kỷ lục doanh thu này, FPT đã “xếp cùng một chiếu” với các công ty đến từ Mỹ là Microsoft, IBM, HP, Accenture… và đánh một dấu mốc trong việc chuyển đổi mô hình công ty từ vừa và nhỏ sang công ty lớn.
Hiện, FPT Japan là công ty dịch vụ CNTT Việt Nam lớn nhất tại Nhật Bản, đồng thời tiệm cận Top 50 công ty cung cấp dịch vụ CNTT hàng đầu tại xứ sở hoa anh đào, bao gồm các tên tuổi như Fujitsoft, DTS, Systena... FPT Japan cũng là công ty dịch vụ CNTT Đông Nam Á lớn nhất Nhật Bản và là công ty châu Á có số người làm việc đông nhất tại đây, với 760 CBNV.
Trong hơn 10 năm qua, doanh thu của FPT Japan luôn đạt mức tăng trưởng 32% mỗi năm. Tốc độ tăng trưởng doanh thu của đơn vị cao gấp 2,5 lần mức tăng trưởng bình quân của kim ngạch xuất khẩu Việt Nam - Nhật Bản (13,9%/năm) trong giai đoạn 2006-2015. Bên cạnh đó, theo số liệu của Tổng cục Hải quan, tính đến hết tháng 9 năm nay, có 24/80 thị trường xuất khẩu của Việt Nam có kim ngạch xuất khẩu dưới 100 triệu USD.
Dự kiến, năm 2016, FPT Japan sẽ đạt 130 triệu USD, tăng trưởng 50% so với cùng kỳ.
"Với một công ty Việt Nam làm phần mềm, việc đạt doanh thu 50 triệu USD cũng quý, 70 triệu USD càng quý và 100 triệu USD thì quá quý. Nhưng 100 triệu USD là con số đáng để nhớ, đặc biệt là doanh thu của công ty Việt Nam tại Nhật thì thực sự rất khó để đạt được", Chủ tịch FPT Software Hoàng Nam Tiến. |
Nhật Bản luôn là thị trường quan trọng số một của FPT trong chiến lược toàn cầu hóa. Với 760 CBNV hiện tại và nguồn lực hỗ trợ gồm 4.500 kỹ sư CNTT trong nước, FPT Japan đặt mục tiêu năm 2017 đạt 180 triệu USD, đứng trong danh sách 50 công ty dịch vụ CNTT lớn tại Nhật Bản; đóng góp 50% trong mục tiêu doanh thu 1 tỷ USD từ thị trường nước ngoài vào năm 2020 của FPT. Nhân sự dự kiến tăng lên khoảng 1.000 người.
Chủ tịch FPT Software Hoàng Nam Tiến cho rằng, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ ba những năm 1960 đã tạo nên cường quốc Nhật Bản nhưng dường như trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư - Cuộc cách mạng công nghệ số (Digital Transformation) - nước Nhật đang bị chậm trễ và cần tăng tốc. Việt Nam đang có cơ hội và lợi thế trong việc góp phần thay đổi vị thế của nước Nhật trong cuộc cách mạng này. Đó là nguồn nhân lực trẻ được trang bị đầy đủ kỹ năng, kiến thức về IoT, SMAC sẵn sàng cho cuộc cách mạng số.
Văn phòng Fukuoka mới ra mắt trong tháng 9 được kỳ vọng sẽ giúp FPT Japan tiếp tục đón đầu những cơ hội mới từ khu vực phía Tây của Nhật Bản, đồng thời tạo thế vững mạnh cho đơn vị. |
“Tôi tin rằng với kinh nghiệm hơn 10 năm làm việc tại Nhật Bản, với nguồn nhân lực sử dụng tiếng Nhật đông đảo và quan trọng nhất là đáp ứng được yêu cầu khắt khe về chất lượng, FPT Japan sẽ có cơ hội phát triển mạnh mẽ hơn nữa tại thị trường này trong thời gian tới”, anh khẳng định.
Theo đó, FPT Japan tiếp tục đầu tư mạnh vào hai hướng Modernization và Digital Service nhằm đón đầu làn sóng công nghiệp lần thứ tư. Cùng với kế hoạch mở rộng khách hàng lớn, công ty phấn đấu sẽ có khách hàng, dự án 20 triệu USD đầu tiên trong thời gian tới.
Giám đốc FPT Japan Trần Đăng Hòa cho biết để “đón sóng”, công ty sẽ phải cởi bỏ các rào cản, tạo ra môi trường tự do, thông thoáng nhất để cho mỗi cá nhân có thể phát huy được tối đa năng lực của mình. Bên cạnh đó là “thực hiện đơn giản hóa quy trình, tinh gọn hóa tổ chức, đảm bảo thông tin được thông suốt, ra quyết định nhanh nhất để giữ lợi thế cạnh tranh của các sản phẩm dịch vụ truyền thống; liên tục đầu tư, đón đầu vào các hướng công nghệ mới để khi cơ hội đến là sẵn sàng nhảy qua ngọn sóng tiếp theo”.
Trong chiến lược toàn cầu hóa của FPT, Nhật Bản được xem là thị trường quan trọng số 1. Doanh thu của FPT Japan luôn chiếm khoảng 50% doanh thu từ thị trường nước ngoài của FPT. FPT Japan có 4 văn phòng tại những thành phố lớn của Nhật, gồm Tokyo, Osaka, Nagoya, Fukuoka và 2 khu ký túc xá cho CBNV với gần 200 phòng. Tại thị trường này, FPT đang triển khai mạnh mẽ chương trình 10.000 Kỹ sư cầu nối trong giai đoạn 2015-2020. Đây là một trong hai chương trình chiến lược được tập đoàn triển khai. Chương trình còn lại là Cung cấp dịch vụ trên nền công nghệ điện toán đám mây. Theo GYOKAI (http://gyokai-search.com/) - trang web độc lập để xếp hạng công ty với các ngành nghề của Nhật - với doanh thu 100 triệu USD, FPT Japan thuộc Top 70 công ty IT lớn của Nhật Bản. Dự kiến, cuối năm FPT Japan sẽ nằm trong Top 60 và năm 2017 lọt Top 50. |
Thanh Nga
Ảnh: FJP
Ý kiến
()