Từ đầu năm 2018, các điều độ viên ngành đường sắt chỉ cần vài thao tác gõ phím và click chuột là biết chi tiết toàn mạng lưới: tàu số hiệu này đang ở đâu, số hiệu khác đang chạy hay dừng; toa trong đoàn tàu thế nào, rỗng hay đang chở hàng, chở hàng gì… Đây là thay đổi lớn bởi trước kia họ phải mất hàng giờ đồng hồ truy tìm, có khi cả ngày cũng không biết hàng hóa nằm ở toa nào.
Điều độ viên tra tìm thông tin đoàn tàu trên hệ thống quản trị vận tải hàng hóa. Ảnh: Thanh Thúy. |
Theo Giám đốc Trung tâm Giải pháp dịch vụ vận tải hành khách FPT (thuộc FPT IS) - anh Bùi Thanh Bình, đơn vị đang xây dựng, thử nghiệm, dự kiến trong tháng 11 sẽ hoàn thành tính năng làm vận đơn điện tử bao gồm hóa đơn điện tử và giấy gửi hàng điện tử cho Tổng công ty Đường sắt Việt Nam.
“Với tính năng này, chủ hàng hoàn toàn có thể giao dịch với đường sắt qua mạng, email, kể cả đặt đơn hàng vận chuyển, yêu cầu toa xe xếp hàng mà không cần trực tiếp đến cơ sở kinh doanh vận tải đường sắt. Bước tiếp theo sẽ xây dựng phần mềm riêng kết nối với hệ thống để chủ hàng tự tra tìm “đường đi” của hàng hóa qua số vận đơn”, anh Bình nhấn mạnh.
Trước kia, việc cập nhật thông tin đều phải qua điện thoại nội bộ đường sắt hay giấy tờ, hoàn toàn thủ công. Theo đó, khi ai cần thông tin về tàu hay toa xe, cụ thể là hàng hóa vận chuyển trên toa xe đang ở đâu, điều độ phải hỏi là hàng đi tàu nào, đi bao giờ, số toa xe chở hàng để lần ngược lại. Sau khi giở hết tập giấy ra mà không thấy sẽ phải sang tìm ở các điều độ tuyến khác, rồi gọi điện khắp nơi để nhờ tìm. Chưa kể, trường hợp nghe số toa xe qua điện thoại không chính xác do giọng vùng miền hoặc tạp âm sẽ mất thời gian.
Theo anh Bình, đây chỉ là một trong nhiều tính năng mà hệ thống quản trị vận tải hàng hóa đang được FPT xây dựng và vận hành thử nghiệm tại Tổng công ty Đường sắt Việt Nam. Hiện nay, trên màn hình trực quan đã thể hiện tất cả các tàu đang hoạt động trên tuyến và biết tàu đang ở khu đoạn nào, giờ xuất phát ở ga gốc, ga đến, các thông tin đoàn tàu: Có bao nhiêu toa xe, trọng lượng bao nhiêu, dài bao nhiêu mét, số hiệu đầu máy, tên của tài xế, tên của trưởng tàu, số điện thoại.
Hơn thế, hệ thống hiển thị chi tiết trạng thái tức thời của đoàn tàu, của toa xe trên toàn mạng lưới đường sắt Việt Nam; thống kê lịch sử vị trí, lịch sử di chuyển của toa xe trong mọi thời điểm quá khứ và dự kiến 24 giờ tiếp theo. Ngoài ra, còn có tình hình cấp xe của tất cả các trọng điểm hàng hóa, các ga xếp hàng hóa gì, xếp đi đâu hoặc đang dỡ hàng gì, còn chờ dỡ bao nhiêu toa xe, người gửi hàng là ai, gửi đến đâu...
“Giờ chỉ cần vào ô tìm kiếm toa xe, đánh số xe, nhấn enter là xong, cả doanh nghiệp và nhân viên đường sắt đều biết hàng đang trên tàu nào, ở đâu, vừa giảm được tác nghiệp thủ công, thời gian nhanh hơn”, một điều độ viên tuyến đường sắt Hà Nội - Thanh Hóa chia sẻ.
Giám đốc Trung tâm Giải pháp dịch vụ vận tải hành khách FPT (thuộc FPT IS) cho biết, hệ thống quản trị vận tải hàng hóa thực chất là hệ thống quản trị vận tải đường sắt qua mạng, bao gồm cả vận tải hàng hóa, hành khách, phương tiện.
Trước đây, công tác làm vận chuyển hàng hóa 100% là giấy tờ, từ điều hành đến giao nhận vận tải tại các ga, các kho. “Nhân viên hóa vận cứ cái bút với tập giấy, chép giấy than đến tận 6 liên, giao cho các bộ phận, trưởng tàu, lái tàu... Giờ tất cả có trên hệ thống, ai có chức năng cũng vào được, in ra. Chỉ cần in một bản theo tàu, còn ở các ga, các trạm đều có thể theo dõi được, không cần phải bản chép tay”, anh Bùi Thanh Bình khẳng định.
Nếu như trước đây, khi chủ hàng cần thông tin hàng đang đi đến đâu để chủ động kế hoạch dỡ hàng, quản lý ngành đường sắt phải gọi điện cho điều độ, điều độ lại truy tìm xem hàng đang đi ở đâu. Giờ nhân sự trong ngành có thể tự vào hệ thống, tra tìm nhanh để thông tin luôn cho chủ hàng. Ảnh: ĐSVN. |
Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam - ông Phan Quốc Anh cho biết, hệ thống này số hóa được toàn bộ quá trình vận tải, bao gồm chuẩn hóa các mẫu biểu báo cáo, thống kê, giúp người điều hành quản trị tốt hơn. Mặt khác, giúp giảm chi phí, giảm lao động thủ công.
“Về chi phí sức kéo, hóa đơn gửi hàng khai ở công ty vận tải là bao nhiêu tấn hàng, trên hệ thống sẽ có số hiệu toa xe với tự trọng là bao nhiêu, cộng hàng trên hóa đơn là ra tổng trọng toa xe đó, của đoàn tàu đó, từ đó tính toán chính xác hao tốn nhiên liệu. Điều này sẽ quản lý chính xác hơn chi phí sức kéo, giúp đơn vị giảm được giá thành”, ông Quốc Anh dẫn chứng.
Theo đại diện Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, thời gian thử nghiệm hệ thống khoảng hơn một năm để cập nhật, hoàn thiện module, tính năng mới. Dự kiến, tháng 2/2019, sẽ hoàn thành giai đoạn thử nghiệm và có thể xem xét đưa hệ thống vào hoạt động chính thức.
Đồng hành cùng đơn vị quản lý đường sắt Việt Nam từ năm 2014, dự án Xây dựng hệ thống bán vé điện tử của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam do FPT IS triển khai được chia làm 3 giai đoạn trong vòng 7 năm.
Bước hợp tác giữa hai đơn vị đã mang lại nhiều tiện ích cho người mua vé khi FPT IS lần lượt tích hợp các mô hình công nghệ hiện đại vào quản lý vé phát hành và đăng ký mua vé trực tuyến trên website www.dsvn.vn và www.vetau.com.vn.
>> Sếp đường sắt lý giải việc khó mua vé tàu Tết
Tân Phong
Ý kiến
()