Chúng ta

Sếp đường sắt lý giải việc khó mua vé tàu Tết

Thứ năm, 4/10/2018 | 14:25 GMT+7

Giám đốc Chi nhánh Vận tải đường sắt Sài Gòn cho hay, phần lớn số vé chưa thanh toán đang ở chế độ giữ chỗ và dự báo trong ngày 4/10 lượng lớn vé sẽ được trả lại hệ thống để người khác đặt mua.

Từ 1/10, ngành đường sắt cung ứng hơn 300.000 vé tàu Tết Kỷ Hợi 2019. Tuy nhiên, sau 3 ngày mở bán, nhiều người đã không mua được vé.

Sáng nay (ngày 4/10), phóng viên Chúng ta thử vào trang web https://dsvn.vn để đặt vé Sài Gòn – Đà Nẵng cho chuyến đi ngày 31/1/2019 (tức 25 Tết), hệ thống báo các toa đã hết chỗ và không đặt được vé.

2018-10-04-111943-5989-1538629990.png

Tình trạng các toa tàu về miền Trung dịp Tết thể hiện màu đỏ - tức toa hết vé - rất phổ biến. Ảnh chụp màn hình.

Tương tự, các "điểm nóng" từ TP HCM tới một số tỉnh/thành miền Trung như Bình Định, Quảng Ngãi, Huế… vé tàu những ngày cao điểm trước Tết hiện rất khan hiếm. Hầu hết chỗ trên các khoang tàu ở những chặng đường này đều hiển thị vé đã bán, chỗ bán cho chặng dài hơn, chỗ nghiệp vụ không bán hoặc chỗ để giải quyết sự cố.

Trong khi đó, một số chặng xa hơn như từ TP HCM về các tỉnh Bắc Trung bộ trở ra như Nghệ An, Thanh Hóa, Nam Định, những ngày từ 20-23 tháng chạp vẫn còn nhiều ghế trống; những ngày sau đó tới giáp Tết, hầu hết chỗ cũng đều đã bán hoặc có người đặt. V

Theo Giám đốc Chi nhánh Vận tải đường sắt Sài Gòn - ông Đỗ Quang Văn, tính đến 14h ngày 3/10, số lượng vé đã được hành khách đặt thành công trong thời gian 10 ngày trước Tết và 15 ngày sau Tết (từ ngày 25/1/2019 đến 19/2/2019) là 102.162 vé nhưng vẫn còn hơn 40.000 vé chưa thanh toán. Trong đó, phần lớn số chỗ chưa thanh toán được giữ từ ngày 1/10, tính đến chiều 3/10, thời gian giữ đã gần hết. 

"Số vé chưa thanh toán còn nhiều nên có thể trong ngày 4/10 lượng lớn vé sẽ được trả lại hệ thống để hành khách khác đặt mua", ông Văn nhận định.

Từ 8h ngày 1/10, ngành đường sắt triển khai bán vé tàu Tết 2019 đại trà cho tất cả hành khách có nhu cầu thông qua nhiều hình thức bán vé (mua trực tuyến, tại ga, các đại lý, mua tập thể, mua qua điện thoại). Số vé của đợt này là hơn 300.000 đơn vị.

Nhằm hạn chế tối đa lượng người tập trung trực tiếp đổ dồn ra ga, ngành đường sắt tổ chức bán vé thông qua hình thức đặt chỗ trên hai website: www.dsvn.vn và www.vetau.com.vn kết hợp một số hình thức thanh toán (trực tuyến, trả tiền qua ngân hàng VIB, các bưu cục của VnPost, các cửa vé tại ga Sài Gòn…). 

Điểm mới là năm nay, ngành đường sắt còn mở rộng thêm các hình thức thanh toán trực tuyến như qua ví điện tử Payoo, Momo và tại các ngân hàng có liên kết với công ty cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam (Napas). 

fis-1-6737-1538449702-6188-1538629991.jp

Ảnh nhóm CBNV FPT IS hỗ trợ người dân đặt vé tàu ngay tại sảnh Ga Sài Gòn. Ảnh: FPT IS.

Theo anh Bùi Thanh Bình, Giám đốc Trung tâm Giải pháp dịch vụ vận tải hành khách (Công ty Giải pháp công nghệ FPT, thuộc FPT IS), đây là Tết thứ 5 FPT chung tay với ngành đường sắt triển khai bán vé tàu điện tử. Các phương án kỹ thuật đã được chuẩn bị kỹ lưỡng, cơ sở hạ tầng mạng tốt nên thông suốt, không bị nghẽn.

“Đến thời điểm này, hệ thống bán vé qua mạng và tại các nhà ga, các điểm bán vé, đại lý không xảy ra sự cố nào về đường truyền, website bán vé hoạt động tốt”, anh Bình nói.

Vài năm gần đây, ngành đường sắt đúc kết các hình thức mua vé như mua tại ga, tại đại lý hoặc tổng đài có thể phải xếp hàng chờ đợi, thậm chí có thể không mua được vé. Trong khi đó, cách mua trực tuyến là hình thức tiện lợi vì hiện nay kho vé của ngành đường sắt đều được đưa lên mạng, các đại lý hoặc các ga cũng đều truy cập vào hai website www.dsvn.vn hoặc www.vetau.com.vn để đặt vé cho hành khách. 

Đặc biệt, hành khách ở các tỉnh miền Trung càng phải mua vé tàu Tết qua mạng vì số vé tàu Tết phân bổ về các ga ở miền Trung ít hơn so với miền Bắc. Nếu không nhanh tay, hành khách khó mua được tấm vé tàu ưng ý, thậm chí phải bỏ thêm tiền để mua chặng dài hơn.

Trang web mới cũng cung cấp các thông tin tổng quan nhất đối với từng mác tàu như: Thông tin cụ thể về thời gian tàu di chuyển từ ga đi đến ga đến để người đi tàu chủ động sắp xếp thời gian; số chỗ còn và giá vé của tất cả các loại chỗ; các chương trình khuyến mãi...

Giám đốc Chi nhánh Vận tải đường sắt Sài Gòn cảnh báo, người dân không mua vé thông qua “cò” bên ngoài, các website không phải của ngành đường sắt, các đại lý trá hình. Ngành đường sắt cho biết, hiện nay chỉ có hai trang bán vé trực tuyến chính thức là www.dsvn.vn và www.vetau.com.vn. 

Hiện có tình trạng một số website sử dụng tên miền giống website bán vé chính thức của ngành đường sắt để bán vé tàu với giá đắt gấp 2-3 lần vé thật. Vì vậy, để mua vé thuận tiện, an toàn, người dân có thể truy cập vào hai trang bán vé của ngành đường sắt để chọn đặt chỗ và thanh toán trực tuyến.

>> FPT IS giúp Chính phủ Myanmar kết nối với 55 triệu dân

Đồng hành cùng đơn vị quản lý đường sắt Việt Nam từ năm 2014, dự án Xây dựng hệ thống bán vé điện tử của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam do FPT IS triển khai được chia làm 3 giai đoạn trong vòng 7 năm.

Bước hợp tác giữa hai đơn vị đã mang lại nhiều tiện ích cho người mua vé khi FPT IS lần lượt tích hợp các mô hình công nghệ hiện đại vào quản lý vé phát hành và đăng ký mua vé trực tuyến trên website www.dsvn.vn và www.vetau.com.vn. 

Tính đến nay, hành khách đi tàu hỏa hoàn toàn có thể tự in vé mà không cần phải ra ga lấy vé như trước, có thể thanh toán qua kênh Payoo hoặc ví điện tử Momo. Các hình thức này giúp hành khách mua và thanh toán vé tàu một cách dễ dàng, nhanh chóng và tiện lợi hơn chỉ với điện thoại thông minh.

Theo số liệu thống kê của Trung tâm Giải pháp Dịch vụ vận tải hành khách FPT, trong năm 2017, Đường sắt Việt Nam đã bán ra tổng số hơn 9,7 triệu vé; Trong đó có gần 1,4 triệu vé mua qua mạng, tăng 3,5 triệu vé so với năm ngoái.

Tân Phong

Ý kiến

()