Chúng ta

'FPT hướng đến các khách hàng đứng đầu thế giới'

Thứ tư, 8/11/2017 | 22:05 GMT+7

Chủ tịch FPT Trương Gia Bình cho biết tập đoàn hướng đến những khách hàng có kế hoạch chuyển đổi số và dành sự quan tâm đến Việt Nam.

Sáng ngày 8/11, trong khuôn khổ hội nghị cấp cao APEC 2017 tại Đà Nẵng đã diễn ra phiên làm việc về cơ hội xúc tiến đầu tư giữa Việt Nam và các nền kinh tế APEC. Tham dự chương trình có ông Phạm Đại Dương, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ; Ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công thương; Ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, cùng các doanh nghiệp hàng đầu như: UPS, WEF, VinaCapital, Zuellig Pharma, Ageda Outside, ExxonMobil, UL, GE, Mitsubitshi Heavy Industries Ltd., Mitsui&Co, Mizuho Bank, Dow, Cypress Holdings, PwC.

IMG-7517-JPG.jpg

Chủ tịch FPT Trương Gia Bình điều hành buổi làm việc bền lề APEC.

Đại diện FPT có Chủ tịch FPT Trương Gia Bình; Chủ tịch FPT Software Hoàng Nam Tiến; PGĐ FPT USA Phùng Quang Đạt; CEO FPT Japan Trần Đăng Hòa; PGĐ FPT Japan Nguyễn Việt Vương; GĐ FPT Software Đà Nẵng Nguyễn Tuấn Phương. Anh Bình cũng là người điều phối chương trình.

Đại diện các doanh nghiệp lần lượt thảo luận những chủ đề đang được quan tâm như: Tầm quan trọng của môi trường đầu tư ổn định; Vai trò của mối quan hệ hợp tác mạnh mẽ đôi bên cùng có lợi giữa doanh nghiệp và chính phủ; Giá trị và hướng phát triển của các lĩnh vực logistic, y tế, du lịch trực tuyến; Dữ liệu xuyên biên giới, chuyển đổi số tại Việt Nam...

Ông Phạm Đại Dương, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, khẳng định, chính phủ cam kết hỗ trợ doanh nghiệp, quan tâm đến thành phần kinh tế tư nhân. Chính phủ vừa thành lập Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân do anh Trương Gia Bình đứng đầu. Bộ Công thương cũng cam kết đồng hành, cắt giảm các điều kiện kinh doanh để tạo sự thuận lợi, nâng cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp không chỉ Việt Nam mà cả nước ngoài.

"Chúng tôi đang nỗ lực từng ngày để tạo ra môi trường đầu tư thân thiện cho Việt Nam", ông nói và cho biết môi trường đầu tư, năng lực cạnh tranh của Việt Nam tăng 5 bậc theo WEF - Diễn đàn Kinh tế thế giới, và 14 bậc theo World Bank - Ngân hàng thế giới.

Một chủ đề cũng được các đại biểu quan tâm, đưa ra thảo luận là công nghệ và chuyển đổi số. Ông Phillpp Rosler, Giám đốc điều hành Diễn đàn kinh tế thế giới - WEF, cho rằng, công nghệ sẽ là từ khóa cho sự phát triển trong tương lai của Việt Nam. "Việt Nam hãy tận dụng cơ hội phát triển các nền tảng công nghệ để đẩy mạnh nền kinh tế, nâng cao vị thế", ông bày tỏ.

“FPT có vị trí khá đặt biệt về chuyển đổi số. Kinh tế số bắt đầu được nói từ năm 2016 tại Diễn đàn Davos, nhưng FPT đã làm những việc liên quan đến việc chuyển đổi số, điện toán đám mây từ 7 năm trước”, Chủ tịch FPT Trương Gia Bình tiếp lời. FPT là công ty duy nhất phát triển hạ tầng chuyển đổi số Predix với GE và công ty cũng đang xây dựng nền tảng cho các tập đoàn trên thế giới.

Có mặt tại APEC là cơ hội để FPT tiếp cận với các doanh nghiệp hàng đầu trên thế giới. Chiến lược cụ thể của tập đoàn là hướng đến các khách hàng đứng đầu như Mỹ, Nhật, Pháp, Đức. Những quốc gia có kế hoạch chuyển đổi số rõ ràng và quan tâm đến Việt Nam. Họ nằm trong các ngành mà FPT quan tâm như ô tô, bán lẻ, y tế.

IMG-7561-JPG.jpg

Lãnh đạo các nền kinh tế chụp hình lưu niệm sau khi kết thúc hội thảo.

Đầu năm 2017, FPT tham dự Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) tại Davos, Thụy Sĩ. Trong lần thứ 6 tham dự WEF, Chủ tịch HĐQT FPT Trương Gia Bình đã gặp gỡ và trao đổi các cơ hội hợp tác về chuyển đổi số, trí tuệ nhân tạo, IoT… với hơn 50 doanh nghiệp hàng đầu thế giới trong nhiều lĩnh vực như công nghệ, thương mại điện tử, năng lượng, sản xuất máy bay, tài chính ngân hàng, bảo hiểm...

Gần nhất tháng 6 vừa qua, trong khuôn khổ chuyến thăm Mỹ của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, FPT đã ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược với UPS, công ty dẫn đầu thế giới trong lĩnh vực Logistics có quy mô doanh thu 61 tỷ USD. FPT và UPS sẽ dựa trên thế mạnh riêng của từng bên để cùng hỗ trợ các công ty vừa và nhỏ của Việt Nam (SMEs) nâng cao hiệu suất trong nền kinh tế số thông qua thương mại điện tử xuyên biên giới.

Đặc biệt năm 2016, FPT cũng là tập đoàn Việt Nam và ASEAN duy nhất được GE Digital công nhận là đối tác khu vực. GE thừa nhận về năng lực cũng như cam kết hợp tác với FPT trong cuộc cách mạng công nghiệp mà hãng đang dẫn đầu.

images1407002-NQH-6795.jpg

Chủ tịch FPT Trương Gia Bình cùng Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp các doanh nghiệp bên lề APEC.

Sáng cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã làm việc với nhóm các nhà đầu tư khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Thủ tướng khẳng định Việt Nam cần tập trung phát triển kinh tế số, đổi mới sáng tạo. Ông còn chỉ đạo các cơ quan chức năng giải quyết sớm các vấn đề như: Bbãi bỏ các thủ tục, tạo thuận lợi cho xuất nhập khẩu; quảng bá hàng hóa Việt Nam ra nước ngoài, tạo thuận lợi cho du khách quốc tế đến Việt Nam…

Thủ tướng còn nhấn mạnh sẽ tiếp tục xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo phát triển, hành động, phục vụ người dân và doanh nghiệp. Trong quá trình hoạch định chính sách, Chính phủ Việt Nam lưu tâm ý kiến của các nhà đầu tư.

APEC là Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (Asia-Pacific Economic Cooperation), ra đời cách đây gần 3 thập kỷ và có 21 nền kinh tế thành viên. Việt Nam gia nhập diễn đàn này được gần 20 năm. Năm 2017 là lần thứ hai Việt Nam được chọn là quốc gia tổ chức các sự kiện APEC. Đây là diễn đàn khu vực hội tụ các nền kinh tế hàng đầu thế giới và là diễn đàn liên kết kinh tế quy mô lớn nhất châu Á - Thái Bình Dương. Các nền kinh tế trong diễn đàn chiếm tổng cộng 39% dân số thế giới, 59% GDP toàn cầu, 48% thương mại quốc tế và chiếm khoảng 53% tổng nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của thế giới...

Tuần lễ Cấp cao Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) 2017 diễn ra tại Đà Nẵng từ ngày 6 đến 11/11. Dự kiến, hoạt động cuối cùng và quan trọng nhất trong năm APEC 2017 sẽ có sự tham gia của lãnh đạo thuộc 21 nền kinh tế thành viên APEC cùng khoảng 10.000 đại biểu quốc tế và trong nước.

>> FPT cần đón làn sóng APEC

Việt Nguyễn - Xuân Phương

Ý kiến

()