Chúng ta

FPT giúp Tập đoàn Dầu khí số hoá giàn khoan

Thứ tư, 18/10/2017 | 10:45 GMT+7

Tập đoàn FPT sẽ hợp tác nghiên cứu phát triển khoa học và công nghệ mới trong lĩnh vực dầu khí cho Tổng Công ty thăm dò và khai thác dầu khí (PVEP). Đây là hợp đồng tiên phong trong lĩnh vực này.

Theo thoả thuận hợp tác được ký chiều 17/10, FPT sẽ hỗ trợ Tổng Công ty thăm dò Khai thác Dầu khí (PVEP) chuyển dịch các hoạt động sản xuất kinh doanh sang môi trường số hóa (Digital Transformation) nhằm tăng hiệu quả khai khác dầu khí, giảm thiểu thời gian ngừng hoạt động của hệ thống thiết bị, tiết kiệm chi phí rủi ro.

Hợp đồng do FPT và FPT Software cùng thực hiện. Tại FPT Software, đơn vị FSU1.BU26 đang là đối tác của: Halliburton (Mỹ), Petronas (Malaysia) - những tập đoàn dầu khí hàng đầu thế giới giúp nhà F sở hữu nền tảng công nghệ chuyên biệt cho lĩnh vực.

Daukhi-5428-1508298340.jpg

Tổng Công ty Thăm dò khai thác dầu khí (PVEP) và FPT vừa ký Thoả thuận hợp tác nghiên cứu phát triển khoa học công nghệ mới trong dầu khí.

Ông Ngô Hữu Hải, Tổng Giám đốc PVEP, cho biết, trong bối cảnh các công ty dầu khí phải đối mặt với khó khăn lớn do giá dầu xuống thấp thời gian dài, việc ứng dụng công cụ, giải pháp công nghệ tiên tiến hỗ trợ cho quy trình công việc và nghiệp vụ nhằm phân tích dữ liệu ngành dầu khí chính xác, hiệu quả, tối ưu hoá chi phí sản xuất. “Mặt khác, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 ngày càng trở nên phổ biến với cốt lõi là công nghệ thông tin - công nghệ số”, CEO PVEP nhấn mạnh.

Anh Trương Gia Bình, Chủ tịch FPT, cho hay, các chuyên gia FPT sẽ cùng hợp tác với PVEP để đánh giá hiện trạng, cơ sở dữ liệu của Tổng công ty, từ đó sẽ chọn lọc công nghệ phù hợp nhất trong khai thác mỏ ở Việt Nam.

“Đánh giá ban đầu, PVEP đã có nền tảng thuận lợi của cách mạng công nghiệp 4.0, đó là có sẵn cơ sở dữ liệu của các mỏ/dự án”, anh Bình tiết lộ và thông tin thêm, hai bên quyết tâm thực hiện việc hợp tác này với mục tiêu là tăng sản lượng khai thác dầu khí, rút ngắn thời gian ngừng sản xuất ở PVEP. "Thoả thuận hướng tới giàn khoan dầu 4.0 đầu tiên ở Việt nam, và cũng có thể cả trên thế giới".

bu26-6859-1508297502.jpg

CEO PVEP (ngoài cùng bên phải) khẳng định đơn vị sẽ chọn mô hình, mỏ, dự án đơn giản nhất để quyết tâm ứng dụng 4.0 thành công, để từ đó lan toả ra các mỏ/dự án khác. "Chúng ta làm dự án này rất mới nhưng cấp bách, đòi hỏi phải có tư duy, con người 4.0, phải làm nhanh, mạnh, nếu không PVEP sẽ không thành công, khó cạnh tranh trên thương trường".

Tham dự sự kiện, anh Huỳnh Xuân Thi (ngoài cùng bên trái, hàng đầu), 13 FPT Under 35 mùa 2016, GĐ BU26, chia sẻ, thoả thuận hợp tác mang đến cơ hội cho các kỹ sư phần mềm đặt chân ra giàn khoan.

“Nếu ứng dụng cách mạng công nghiệp ở một ngành sản xuất như đồ uống thì hiệu quả sản xuất có thể tăng lên từ 30-40%, thậm chí là 50%, là con số rất ấn tượng”, Chủ tịch FPT chia sẻ. “Nhưng trong ngành thăm dò khai thác dầu khí như PVEP hiện nay, nếu chỉ cần tăng thêm hiệu quả sản xuất thêm 1% nhờ ứng dụng cách mạng công nghiệp, hiệu quả đem lại sẽ vô cùng to lớn”.

Theo Tổng giám đốc PVEP, lễ ký giữa 2 bên trên tinh thần ưu tiên phát triển nguồn lực, trí tuệ  trong nước giữa các doanh nghiệp lớn của Việt Nam, tạo điều kiện hợp tác triển khai và chia sẻ tri thức trong việc khai thác các giải pháp công nghệ nhằm tăng hiệu quả khai thác dầu khí, giảm thiểu thời gian dừng hoạt động của thiết bị.

Trước mắt, PVEP và FPT sẽ thảo luận và lựa chọn một dự án đang khai thác dầu khí của PVEP điều hành để đề xuất triển khai thí điểm các giải pháp công nghệ mới phù hợp. Hai công ty thành lập nhóm nghiên cứu chung để phối hợp thực hiện các công nghệ mới cho dự án thí điểm và tiếp tục thảo luận, quyết định hướng đi tiếp theo.

“PVEP có kỹ sư nhiều kinh nghiệm. Khi áp dụng công nghệ, chúng tôi kỳ vọng sẽ nâng xác xuất khoan thành công các giếng thăm dò từ 20% lên 50%. Khi áp dụng khoa học công nghệ, mỗi ngày thời gian hoạt động của máy móc tăng lên 1 giờ đồng hồ sẽ tăng giá trị rất lớn cho PVEP”, TS Ngô Hữu Hải cho biết.

>> Anh Trương Gia Bình: 'Doanh nhân 4.0 càng phải dấn thân, đổi mới'

Chi Vy

Ý kiến

()