Chúng ta

FPT giải bài toán tài chính cho startups

Thứ sáu, 18/9/2015 | 10:49 GMT+7

Chủ tịch FPT Trương Gia Bình cho rằng, việc thu hút các quỹ đầu tư mạo hiểm vào Việt Nam là một trong những hướng đi giúp đất nước vươn lên tầm cao mới.

Chia sẻ trong buổi các nhà khoa học trẻ gặp mặt Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hôm 11/9 tại Hà Nội, anh Trương Gia Bình đã chỉ ra nghịch lý về việc năng suất lao động tại Việt Nam đang thấp hơn rất nhiều nước trong khu vực. Kể cả trong lĩnh vực nông nghiệp, năng suất lao động của Việt Nam cũng thấp hơn nước bạn Lào, mặc dù khoa học công nghệ được coi là quốc sách. 

Chủ tịch FPT Trương Gia Bình cho rằng, cần phải tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà Khoa học trẻ phát huy tài năng của mình. Ảnh: C.T.

Chủ tịch FPT Trương Gia Bình cho rằng, cần phải tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà nhoa học trẻ phát huy tài năng của mình. Ảnh: C.T.

Theo người đứng đầu FPT, năng suất lao động thấp hay cao chịu ảnh hưởng từ 3 yếu tố: Nguồn nhân lực, tỷ lệ ứng dụng CNTT ở các lĩnh vực sản xuất và tỷ trọng đầu tư vào phương thức sản xuất. Nhà nước có thể tập trung vào 2 điểm mấu chốt để giải quyết bài toán này, gồm: Đẩy mạnh năng lực tiếp thu khoa học công nghệ và chú trọng đến đầu tư mạo hiểm.

Việt Nam đang đứng trước thách thức lớn và khả năng vượt được bẫy thu nhập trung bình chưa thực sự rõ ràng. 27 năm trước, FPT cũng được thành lập từ 13 nhà khoa học trẻ. Đến nay, tập đoàn đã có hơn 25.000 người, có mặt tại nhiều quốc gia, lãnh thổ. Trách nhiệm đầu tiên là nhà nước nên có thêm nhiều công ty chuyển giao công nghệ, coi doanh số của họ là doanh số hàng đầu của đất nước. Việc lập ra tổ nghiên cứu để nâng cao số doanh nghiệp này lên là việc làm cần thiết.

Anh Bình cho hay, nhiều quỹ đầu tư mạo hiểm ở Asean cực kỳ năng động tại Malaysia, Singapore, Thái Lan... nhưng lại không có mặt ở Việt Nam do những vướng mắc, rào cản thủ tục hành chính. FPT và một số doanh nghiệp đã có quỹ đầu tư này để hỗ trợ các startups trẻ trong nước. Tuy nhiên, về lâu dài, cuộc chơi này cần có các nhà đầu tư nước ngoài.

Hiện, Việt Nam đứng tứ 12 trên thế giới, vượt qua Mỹ về lực lượng nhà khoa học trẻ, trình độ cao thiên về toán và khoa học. Nhiều nhà khoa học trẻ có tới 70 công trình nghiên cứu, đảm nhận chức Tổng biên tập của ba tạp chí lớn... là minh chứng cho nguồn nhân lực trẻ, tài năng mà nhiều quốc gia khác không có được. Tuy nhiên, điều khó nhất hiện nay với đội ngũ này là họ chỉ giỏi chuyên môn, chứ không giỏi về giải quyết các thủ tục hành chính.

"Bản thân họ không muốn xin xỏ ai điều gì. Họ muốn được tự do nghiên cứu và chỉ cần có một môi trường thuận lợi để nhanh chóng hoàn thiện công trình của mình. Vướng mắc lớn nhất của họ là thủ tục hành chính và điều kiện để thực thi các ý tưởng, trong đó tài chính đóng vai trò quan trọng. Hướng giải quyết vấn đề này chính là từ các quỹ đầu tư mạo hiểm", anh nói.

Tại các doanh nghiệp CNTT hiện nay như FPT, nhiều tiến sĩ đang có điều kiện để thực thi ý tưởng của mình. Mới đây, con robot do FPT viết phần mềm đã được các công ty công nghệ Nhật Bản đề nghị làm chuẩn cho ngành điện tử của nước này.

Đa số công ty thường chỉ sản xuất ra những thứ dễ bán được hàng, nhưng chính những lĩnh vực mới mẻ, chưa ai từng làm mới được xem là "khởi nghiệp" và thu hút vốn đầu tư mạo hiểm. Thông thường, cứ 10 công ty khởi nghiệp, chỉ có khoảng 1-2 công ty thành công. Tuy nhiên, kể cả khi chưa có cơ hội thành công, những nhà khởi nghiệp trẻ vẫn cần có cơ hội thử nghiệm, đó là lý do mà các quỹ đầu tư ra đời. 

"Điều đáng buồn là các quỹ đầu tư nước ngoài không nhiệt tình vào Việt Nam, trong khi họ lại hoạt động năng động tại các nước trong khu vực, do khung pháp lý của ta còn chưa mở. Việt Nam đã có cơ chế đầu tư trực tiếp FDI, kêu gọi trong nhiều năm và cũng thành công. Minh chứng là việc nước ta trở thành quốc gia đứng đầu về sản xuất thiết bị di động như Samsung... Tuy nhiên, chúng ta vẫn cần những quỹ đầu tư mạo hiểm. Các nước khác làm được thì Việt Nam cũng làm được nhờ lợi thế đông người, nhiều ý tưởng. FPT sẵn sàng dấn thân đi trước để điều đó xảy ra", người đứng đầu FPT nói.

Tháng 5 vừa qua, FPT ra mắt Quỹ đầu tư mạo hiểm (FPT Ventures) với  mong muốn mang đến cho các startup công nghệ tại Việt Nam cơ hội đưa những sản phẩm khởi nghiệp của mình lên tầm cao mới. FPT Ventures hoạt động với tư cách như một nhà đầu tư và là nơi ươm mầm cho các startup bằng việc cung cấp tiền mặt, nguồn lực cũng như kỹ năng về công nghệ và kinh nghiệm quản lý. Sau gần 2 tháng hoạt động, quỹ đã nhận 150 hồ sơ gửi về qua kênh fptventures.com và mạng lưới riêng, đặc biệt trong đó có 2 hồ sơ của người nước ngoài. 

Chủ tịch FPT thực sự ấn tượng với trình độ của các startups hiện nay. Tuy nhiên, anh cho rằng nhiều nhà khoa học cảm thấy bản thân họ khác biệt: cô đơn, đam mê, không biết sống như nào. Họ đam mê và sống trong thế giới khoa học công nghệ, thế giới ý tưởng bay bổng. Việc cần làm là phải giúp đỡ tối đa để họ thành công, từ đó sẽ có các tổ chức thành công, đất nước thành công.

"Cái thiếu chung của các nhà khởi nghiệp là khả năng đi đến cùng. Nhanh chóng thỏa mãn, doanh nghiệp Việt Nam không còn đam mê như những ngày đầu bởi gánh nặng cơm áo, gạo tiền. Nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã kêu gọi được khoảng từ 5 đến 20 triệu USD, trong khi ở láng giềng như Thái Lan, các nhà doanh nghiệp trẻ có thể kêu gọi được 300 đến 500 triệu USD từ các quỹ. Các quỹ đầu tư mạo hiểm không muốn doanh nghiệp hài lòng sớm, bởi mục tiêu và kỳ vọng là cuối cùng các nhà khởi nghiệp có thay đổi được thế giới hay không?", anh Bình mong mỏi. 

Chiều ngày 11/9, lãnh đạo bộ Khoa học và Công nghệ và 68 nhà khoa học trẻ tiêu biểu đã có chuyến thăm Làng phần mềm FPT (F-Ville) và trường Đại học FPT tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc. Chuyến thăm này nằm trong chương trình Thủ tướng gặp mặt các nhà khoa học trẻ tiêu biểu năm 2015 do bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức, nhằm ghi nhận, biểu dương những đóng góp của thế hệ các tài năng trẻ, nhà khoa học trẻ với sự phát triển của đất nước nói chung và nền KH&CN nói riêng. Tiến sĩ Nguyễn Tiến Dũng, giảng viên Toán trường Đại học FPT, là một trong 68 gương mặt nhà khoa học trẻ tiêu biểu được lựa chọn trong sự kiện này.

Trong chuyến thăm, các lãnh đạo FPT gồm Chủ tịch FPT Software Hoàng Nam Tiến và Hiệu trưởng Đại học FPT Đàm Quang Minh đã dẫn đoàn đi thăm khuôn viên của Làng Phần mềm FPT - dự án phần mềm đầu tiên và có quy mô lớn nhất tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc và trường Đại học FPT - một trong những trường điển hình về đào tạo công nghệ thông tin tại Việt Nam.

Tiểu Thanh

Ý kiến

()