Ngày 29/3, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Đặng Việt Dũng đã chủ trì Hội nghị phát triển công nghiệp CNTT và truyền thông. Hội nghị được tổ chức nhằm nghe vướng mắc, khó khăn của doanh nghiệp, từ đó tìm giải pháp thúc đẩy phát triển. Anh Nguyễn Khánh, PGĐ FPT Polytechnic Đà Nẵng, đại diện FPT tham dự chương trình này.
Buổi hội thảo dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Đặng Việt Dũng. |
Một trong những vấn đề được nhiều doanh nghiệp quan tâm nhất là nguồn nhân lực. Hiện nguồn nhân lực CNTT của thành phố ước đạt 20.000 người, chủ yếu được đào tạo ở các cơ sở trên địa bàn như: Đại học Bách khoa, Đại học Sư phạm, Đại học Duy Tân, Đại học FPT, Cao đẳng CNTT… Riêng FPT Software Đà Nẵng có hơn 2.000 nhân sự. Nhưng để đáp ứng mục tiêu 10.000 người và 300 triệu USD doanh thu vào năm 2020, trong giai đoạn từ năm 2015 đến 2020, FPT Software Đà Nẵng cần tuyển trung bình từ 800 đến 2.000 người mỗi năm.
Đại diện FPT cho biết, lao động không thiếu nhưng trình độ chuyên môn chưa đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp. Chương trình đào tạo CNTT ở Đà Nẵng chủ yếu kế thừa các chương trình đào tạo chung của cả nước, chưa có tính đột phá; chất lượng giảng dạy chưa có nhiều thay đổi, mặc dù đã có nhiều đổi mới về cơ sở vật chất.
Các doanh nghiệp cũng cho rằng, còn nhiều vướng mắc khó khăn trong đầu tư kinh doanh trên địa bàn thành phố, trong đó 3 khó khăn lớn nhất hiện nay là hạ tầng, mặt bằng và nguồn nhân lực chất lượng cao.
Ông Đặng Việt Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, ghi nhận những đóng góp của doanh nghiệp CNTT. Ông cho rằng, Đà Nẵng đã và đang thu hút các doanh nghiệp đến tìm cơ hội kinh doanh, thu hút nguồn nhân lực trẻ về sinh sống, làm việc. Đây là điều kiện hết sức thuận lợi để phát triển công nghiệp CNTT. Điển hình FPT đang ngày càng phát triển và trở thành đơn vị CNTT có quy mô lớn nhất Đà Nẵng cũng như khu vực miền Trung.
Năm 2016, kim ngạch xuất khẩu phần mềm của toàn thành phố đạt 58 triệu USD, trong đó riêng FPT chiếm tới hơn 55%. FPT đã góp phần đưa Đà Nẵng trở thành điểm đến hấp dẫn trong lĩnh vực xuất khẩu phần mềm; giải quyết 2.000 việc làm trong lĩnh vực CNTT năm 2016. FPT cũng đào tạo, cung cấp nhân lực chất lượng cao cho khu vực miền Trung và Đà Nẵng, hằng năm cho ra lò hàng nghìn sinh viên cho thành phố.
Giữa tháng 2, để đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực CNTT chất lượng cao, ĐH FPT cơ sở Đà Nẵng và FPT Software Đà Nẵng đã chủ động thỏa thuận hợp tác đào tạo và cam kết tuyển dụng sinh viên FPT bằng mô hình "Tập trung học - Sớm đi làm - Tự hoàn thiện". Hợp tác có sự chứng kiến của lãnh đạo thành phố cùng các trường đại học, cao đẳng và THPT. FPT Software cam kết tuyển dụng chính thức những sinh viên này. Sau đó, sinh viên có thể lựa chọn vừa đi làm vừa đi học theo chương trình của Đại học Trực tuyến - FUNiX hoặc quay về trường ĐH FPT học theo chương trình chính quy để lấy bằng kỹ sư CNTT.
Trao đổi bên lề trong một cuộc gặp với Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ, Hiệu trưởng FUNiX Nguyễn Thành Nam mong muốn Đà Nẵng xây dựng thành phố nói tiếng Anh. ĐH FPT sẵn sàng hỗ trợ nhờ hệ thống giáo dục quốc tế, đặc biệt là Trung tâm Trao đổi sinh viên quốc tế - FISEC, ĐH FPT. Hiện FISEC là đơn vị chịu trách nhiệm phát triển quan hệ hợp tác quốc tế của Tổ chức Giáo dục FPT trong lĩnh vực trao đổi sinh viên, tuyển sinh và tổ chức quản lý đào tạo các chương trình đào tạo ngắn hạn dành cho sinh viên quốc tế tại Việt Nam. |
Đà Nẵng hiện có gần 700 doanh nghiệp CNTT đầu tư, phát triển với nhiều dịch vụ khác nhau. Toàn thành phố có 6 khu CNTT tập trung, bao gồm: Khu công viên phần mềm số 1, Tòa nhà FPT Đà Nẵng, Khu CNTT tập trung số 1, Khu CNTT tập trung số 2, Khu công viên phần mềm số 2, Khu đô thị công nghệ FPT. Doanh thu giữ được tốc độ tăng trưởng cao qua từng năm từ 25 đến 30%. Riêng năm 2016 đạt 12.035 tỷ đồng, nộp ngân sách 114.8 tỷ đồng. Đà Nẵng trở thành một địa chỉ đầu tư, kinh doanh đáng tin cậy cho cộng đồng doanh nghiệp CNTT. Thành phố cũng đang đầu tư xây dựng Khu công nghệ cao với tổng diện tích 1.129 ha tại Hòa Liên, huyện Hòa Vang, với tổng đầu tư 8.842 tỷ đồng. Đây là khu công nghệ cao thứ ba của cả nước, sau Hà Nội và TP HCM.
Năm 2017, Đà Nẵng sẽ cập nhật, hoàn thiện Đề án phát triển công nghiệp CNTT đến năm 2020; làm việc với các trường đại học, cao đẳng để triển khai các giải pháp nâng cao số lượng, chất lượng đầu ra của sinh viên CNTT; đề xuất cơ chế hỗ trợ, thu hút chuyên gia CNTT các nơi về Đà Nẵng làm việc; tiếp tục triển khai công tác quảng bá, xúc tiến đầu tư cho doanh nghiệp CNTT, kết nối doanh nghiệp CNTT Đà Nẵng với doanh nghiệp CNTT các tỉnh thành trong và ngoài nước; hỗ trợ các nguồn lực về tài chính, thuế...
Năm 2016, FPT Software đã cán đích 10.000 CBNV. Sau 17 năm phát triển, đơn vị đã có 23 văn phòng tại 14 quốc gia trên toàn cầu. Riêng FPT Software Đà Nẵng không ngừng phát triển, đưa đơn vị trở thành điểm đến hấp dẫn về xuất khẩu phần mềm. Hiện có trên 30 công ty lớn trên thế giới đã chọn FPT Software Đà Nẵng để ủy thác dịch vụ phần mềm, trong đó phần lớn là các đối tác Nhật Bản. Ba năm gần đây, mảng xuất khẩu phần mềm của FPT Đà Nẵng luôn đạt con số tăng trưởng trung bình 50-60% mỗi năm, đội ngũ kỹ sư CNTT cũng tăng lên nhanh chóng, từ khoảng 400 người trong năm 2011 lên gần 2.000 người năm 2016. Nhiều dự án trị giá hàng triệu USD với các đối tác lớn trên thế giới được triển khai tại FPT Đà Nẵng, đặc biệt là các dự án theo xu hướng công nghệ mới điện toán đám mây. Cuối tháng 4 vừa qua, đơn vị đã khánh thành công trình FPT Complex, tọa lạc ở quận Ngũ Hành Sơn, dự án giai đoạn một đáp ứng nơi làm việc cho 3.200 người và hoàn thiện vào năm 2020 với sức chứa 10.000 người. Để đáp ứng mục tiêu 10.000 người và 300 triệu USD doanh thu vào năm 2020, trong giai đoạn từ năm 2015 đến 2020, FPT Software Đà Nẵng cần tuyển trung bình từ 800 đến 2.000 người mỗi năm. |
>> Đà Nẵng 8 năm liền đứng đầu về chỉ số ICT
T.V.
Ý kiến
()