Smartphone đang trong quá trình thay thế cho điện thoại cơ bản (feature phone), sản phẩm mà mọi người thường gọi là "cục gạch" vì thiết kế dạng thanh truyền thống với màn hình nhỏ, có bàn phím số và ít tính năng. Trong hai năm trở lại đây, mẫu mã của điện thoại cơ bản ngày càng bị thu hẹp và không còn được các hãng lớn chú ý.
Ở nhiều cửa hàng ở Hà Nội và TP HCM, toàn bộ điện thoại mới được trưng bày là smartphone còn điện thoại cơ bản không còn xuất hiện. Trên kệ một hệ thống bán lẻ lớn trong nước, điện thoại cơ bản cũng chiếm chưa tới 10% số điện thoại trưng bày. Thương hiệu đáng chú ý không còn nhiều, chỉ còn Nokia, Samsung hay Philips bên cạnh phần lớn là các thương hiệu Việt như FPT Mobile, Mobiistar hay Masstel.
Trong vòng một, hai năm trở lại đây, thị phần smartphone ở Việt Nam tăng trưởng tốt. Giá bán của điện thoại thông minh sử dụng hệ điều hành ngày càng rẻ. Giờ cũng không hiếm smartphone Android có giá bán dưới 1 triệu đồng, chỉ tương đương với các dòng điện thoại cơ bản.
Một mẫu điện thoại cơ bản giá hơn 800.000 đồng vừa được Nokia giới thiệu gần đây ở Việt Nam. |
Dù lép vế về mẫu mã, điện thoại "cục gạch" ở Việt Nam vẫn còn bán rất chạy. Thảo Lê, quản lý hệ thống Hoàng Hà Mobile, cho biết, doanh thu và lợi nhuận khiêm tốn nhưng tính về số lượng bán ra, trong hai tháng gần đây, doanh số điện thoại cơ bản còn nhiều hơn cả iPhone 7 và 7 Plus, các smartphone hàng hot trên thị trường.
Theo thống kê từ hãng nghiên cứu thị trường GfK trong vòng một năm trở lại đây, doanh số bán smartphone ở Việt Nam đã vượt qua điện thoại cơ bản, nhưng sự thay đổi chưa đáng kể. Thậm chí, thị phần của feature phone chưa tháng nào xuống dưới 40%, mức thấp nhất vẫn còn 42,7%.
Tại hai thị trường lớn ở Hà Nội và TP HCM, doanh số bán ra của những mẫu điện thoại "cục gạch" như Nokia 105 hay Philips E105 có lúc vẫn lên tới vài nghìn chiếc mỗi tuần, doanh số không hề thua kém những dòng smartphone bán chạy nhất.
Theo chị Thảo, lý do khiến feature phone ở Việt Nam vẫn bán tốt là sản phẩm vẫn được ưa chuộng nhiều ở các tỉnh và khu vực nông thôn. Trong khi đó, ở các thành phố lớn, người mua cũng còn nhiều với nhu cầu sử dụng làm máy điện thoại thứ hai, dùng song song với smartphone. Nhỏ gọn, giá rẻ nhưng pin lâu dài ngày vẫn là điểm mà smartphone chưa thể thay thế được điện thoại "cục gạch".
Nếu tính riêng smartphone, thị phần Microsoft (hay Nokia) ở Việt Nam thời gian qua rớt mạnh xuống tới mức không đủ để báo cáo. Nhưng khi tính gộp chung cả điện thoại cơ bản, đây vẫn là thương hiệu lớn thứ ba ở thị trường Việt Nam hiện giờ. Một số thương hiệu Việt như Mobiistar hay Masstel cũng dựa vào feature phone để có được thị phần cao ở thị trường điện thoại trong nước.
>> iPhone 6 và 6 Plus chính hãng đồng loạt giảm thêm 2 triệu đồng
Theo VnExpress
Ý kiến
()