Chúng ta

Dịch vụ đám mây của FPT Software phục vụ 60 triệu người Mỹ

Thứ sáu, 16/10/2015 | 09:30 GMT+7

Anh Hoàng Nam Tiến, Chủ tịch Phần mềm FPT, tiết lộ, khoảng 800 lập trình viên FPT đang đưa các chương trình của nhà mạng AT&T, Mỹ, lên mây (cloud) để phục vụ 60 triệu người dùng.

Hội nghị phát triển gia công ngành công nghệ thông tin (CNTT) Việt Nam 2015 (Vietnam IT Outsourcing Conference - VNITO 2015) khai mạc sáng ngày 15/10 tại TP HCM thu hút gần 400 lãnh đạo đại diện tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước, trong đó có 100 đại diện đến từ Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Australia, Hàn Quốc, Singapore...

Ông Lâm Nguyễn Hải Long, Giám đốc Công viên phần mềm Quang Trung (QTSC) đồng thời là Trưởng ban tổ chức VNITO 2015, cho rằng VNITO 2015 diễn ra đúng thời TPP hoàn tất đàm phán. "Việc tham gia TPP sẽ tạo cơ hội cho các doanh nghiệp phần mềm Việt Nam mở rộng thị trường và đặc biệt khi Trung Quốc, Ấn Độ là những quốc gia mà chúng ta đang cạnh tranh trực tiếp trong lĩnh vực gia công phần mềm đã không tham gia TPP", ông Long nói. "Tuy nhiên, khi bắt đầu vào “sân chơi TPP”, các doanh nghiệp phần mềm trong nước phải tuân thủ luật chơi chung trên toàn cầu như tuân thủ các quy định về sở hữu trí tuệ, và đây sẽ là một thách thức không nhỏ".

Untitled-Panorama1-2527-1444957981.jpg

Các cử tọa chăm chú theo dõi phần trình bày của Chủ tịch FPT Software Hoàng Nam Tiến tại Hội nghị VNITO đầu tiên. Ảnh: Dương Thi.

Bà Yuko Adachi, đại diện hãng nghiên cứu thị trường Gartner, cho biết, hãng ghi nhận Việt Nam là một thị trường mới nổi (emerging market) cấp 1 về ngành gia công phần mềm ở khu vực châu Á. Và trong lĩnh vực này, Việt Nam được đánh giá cao cùng với các quốc gia khác trong Top 5 thị trường ở châu Á là Trung Quốc, Ấn Độ, Malaysia, Philippines và Việt Nam.

Đại diện Gartner nhận định, một số quốc gia khác trong khu vực Đông Nam Á như Indonesia, Bangladesh, Thái Lan… cũng có sự tăng trưởng nhanh trong ngành gia công phần mềm. Tuy nhiên, ngành gia công phần mềm Việt Nam vẫn đang chứng tỏ khả năng cạnh tranh trong khu vực, chứng tỏ sự hấp dẫn với khách hàng đang có nhu cầu gia công phần mềm.

Theo Nguyễn Công Ái, Phó Tổng giám đốc KPMG Việt Nam, vừa qua, công ty tư vấn này đã thực hiện khảo sát 150 CEO cùng đại diện một số công ty lớn về gia công phần mềm ở Việt Nam. "Trong số 80 bản khảo sát phản hồi từ phía doanh nghiệp CNTT, có khoảng 70% công ty cho biết họ mong muốn sẽ đạt mức tăng trưởng 20% vào năm 2016", ông Ái thông tin.

Trong khi đó, anh Hoàng Nam Tiến, Chủ tịch FPT Software, khẳng định lợi thế của Việt Nam khi làm các dự án gia công phần mềm trên nền tảng công nghệ điện toán đám mây (Cloud Computing/Outsourcing) là doanh nghiệp Việt có sự thích ứng nhanh chóng với công nghệ mới; có nguồn lực nhân lực CNTT dồi dào; có khả năng học hỏi, nắm bắt xu hướng công nghệ mới rất nhanh… 

Anh Tiến dẫn chứng hiện FPT Software hợp tác với AT&T (Mỹ) để đưa các chương trình của nhà mạng này lên mây (Cloud) và có khoảng 60 triệu người dùng tại Mỹ sử dụng các ứng dụng. “Khoảng 800 kỹ sư Việt Nam hằng ngày đang làm việc trong dự án của AT&T”, anh tiết lộ. “Để giành được hợp đồng này, FPT Software phải cạnh tranh với các đối thủ lớn ở tầm thế giới”.

Ở ví dụ khác, FPT Software cũng đang là đối tác của một công ty hóa chất hàng đầu với lịch sử 200 năm tại Mỹ. Với hãng này, Phần mềm FPT ký hợp đồng kỷ lục để đưa 7.000 database (dữ liệu) gồm hệ thống và các ứng dụng lên đám mây.

Năm 2014, thị trường Mỹ mang về cho FPT Software doanh thu gần 40 triệu USD, tăng trưởng 39% so với năm 2013. Hiện FPT Software là một trong các đối tác phát triển ứng dụng theo xu hướng công nghệ mới cho đối tác cung cấp trên phạm vi toàn cầu. 

1-MG-5843-1868-1444957981.jpg

Anh Hoàng Nam Tiến tin rằng Việt Nam sẽ là Ấn Độ thứ hai trong xu hướng công nghệ mới. Ảnh: Dương Thi.

Kể câu chuyện về khủng hoảng Ukraine năm 2014, Chủ tịch FPT Software tiết lộ trong thời gian đó, nguồn lực của Phần mềm FPT đã tham gia làm thay phần việc của các doanh nghiệp Ukraine trong lĩnh vực đám mây khi các công ty gặp khó bởi nội chiến. “Tương tự, nếu Philippines bão gây ảnh hưởng đến công việc ở các công ty phần mềm trong lĩnh vực đám mây hay di động, các công ty Việt Nam hoàn toàn có thể tham gia đảm bảo tính liên tục của công việc”, anh Tiến nói.

Chứng minh bằng sự kiện mới nhất, diễn giả Hoàng Nam Tiến cung cấp thông tin FPT Software vừa được Amazon Web Services công nhận là đối tác Ham học hỏi (Learning and Be Curious) sánh ngang cùng các tên tuổi lớn đến từ Nhật Bản và Ấn Độ như: Hitachi, Fujitsu, NEC, Accenture, Tata, Cognizant... tại hội nghị Đối tác toàn cầu được tổ chức từ ngày 6 đến 9/10 ở The Venetian, Las Vegas, Mỹ. 

Tại đây, AWS đã công bố danh sách các đối tác trên phạm vi toàn cầu và FPT là doanh nghiệp Việt Nam duy nhất có tên trong danh sách này. Cạnh đó, AWS còn công nhận FPT là đối tác Quản lý dịch vụ (Managed Services Partner), và trên thế giới chỉ có gần 40 công ty được lọt vào danh sách này.

Anh Tiến khẳng định, dù Việt Nam chưa thể đạt đến trình độ tạo ra nền tảng đám mây (Cloud Maker) như các công ty lớn (kiểu Amazon), nhưng nguồn lực của các công ty trong nước hoàn toàn có thể đảm đương tốt công việc vận chuyển lên mây (cloud transporter). Chủ tịch Phần mềm FPT tin rằng Việt Nam có thể tận dụng những xu hướng mới để trở thành Ấn Độ thứ hai.

“Sự cố Y2K năm 1999 là tiền đề cho các công ty Ấn Độ vươn ra toàn cầu. Và ngày nay, mây hóa (Cloudification) là cơ hội để Việt Nam là "công xưởng đám mây" (Cloud Factory) cho cả thế giới”, anh Tiến tự tin.

>> FPT Software được vinh danh Top 10 VNITO Award 2015

Nguyên Văn

Ý kiến

()