Hằng năm, người dân Bangladesh đều tụ tập về thủ đô Dhaka để tham dự Hội chợ thuế - nơi mà họ phải di chuyển hàng trăm kilomet, mang theo một tập hồ sơ dày vài chục trang giấy để thực hiện nghĩa vụ công dân. Họ xếp hàng dài và chờ đợi. Không khí đặc quánh lại bởi lượng người đổ về, chen chúc dưới cái nóng như thiêu đốt của vùng đất Nam Á.
Các công đoạn đăng ký, kê khai phức tạp; các quy trình, tính toán số tiền thuế thu nhập phải nộp đều được cán bộ thuế và người dân thực hiện thủ công. Hàng tấn giấy được cơ quan thuế nước này sử dụng chỉ để xác nhận và lưu trữ các thủ tục thanh toán.
Hằng năm, người dân Bangladesh đều tụ tập về thủ đô Dhaka để tham dự Hội chợ thuế - nơi mà họ phải di chuyển hàng trăm kilomet, mang theo một tập hồ sơ dày vài chục trang giấy. |
Theo quy trình, người dân phải đến các cơ quan thuế để nhờ cán bộ tính toán số tiền thuế cần nộp. Sau đó, họ mang chứng từ ra ngân hàng nộp tiền, quay về cơ quan thuế để nộp tờ khai và các chứng từ liên quan. Trung bình, mỗi người phải mất ít nhất 2 ngày cho việc đi lại và hoàn tất các thủ tục nộp thuế.
Hội chợ thuế năm 2016 được tổ chức đúng dịp cuối năm với một tin vui lớn cho những người dân Bangladesh. “Tôi đã tưởng tượng đến việc chỉ với một chiếc máy tính có kết nối Internet, mình có thể tự tính toán và nộp thuế ngay tại nhà. Việc này không chỉ giúp tiết kiệm thời gian, công sức mà còn không mất phí dịch vụ tư vấn nữa. Chỉ cần nhập thông tin, hệ thống sẽ tự động tính toán cho người sử dụng”, Muhammad Shafiqur Rahman, Giám đốc nghiên cứu Mạng lưới chăm sóc sức khỏe Quốc gia của Bangladesh, chia sẻ niềm vui khi Hệ thống quản lý thuế thu nhập tích hợp (BITAX) được Tổng cục Thuế nước này đưa vào vận hành.
Việt Nam đã làm được điều mà ít ai nghĩ đến là triển khai những dự án hàng triệu USD tại Bangladesh khi cơ sở hạ tầng ở đây chậm phát triển, điều kiện xã hội kém, ứng dụng CNTT thấp và là sân sau của ông lớn Ấn Độ. FPT chính là đơn vị đã hiện thực hóa điều không tưởng đó. |
Với hệ thống mới, người dân Bangladesh chỉ việc kê khai trực tuyến các thông tin trên hệ thống online. Hệ thống sẽ tự tính toán số tiền cần nộp và người dân chỉ cần đến ngân hàng để hoàn tất thủ tục. Quy trình gửi các chứng từ liên quan cũng được thao tác trên hệ thống.
BITAX giúp quản lý thuế tập trung cho gần 700 cơ quan trên toàn quốc, phục vụ 1.200 cán bộ thuế của nước này. Hơn 3 triệu người nộp thuế đã có thể kê khai trực tuyến; tìm kiếm thông tin về thu nhập chi phí phải trả, nộp bản sao các giấy tờ liên quan và thanh toán một cách nhanh chóng.
Giờ đây, người nộp thuế ở Bangladesh sẽ quên đi những mùa hội chợ thuế đầy ám ảnh, bởi họ đang được hưởng những lợi ích mà CNTT mang lại, giống như người dân tại quốc gia phát triển trong khu vực.
Đó cũng là niềm vui, tự hào của những cán bộ của FPT IS - người thực hiện triển khai Hệ thống BITAX - khi sản phẩm CNTT do một tập đoàn Việt Nam xây dựng được áp dụng ở quốc gia khác, nhằm giúp họ thay đổi diện mạo và giảm gánh nặng thủ tục cho hàng chục triệu người dân nơi đây. Đây cũng chính là hệ thống CNTT có quy mô quốc gia đầu tiên của Bangladesh được đưa vào vận hành.
BITAX giúp quản lý thuế tập trung cho gần 700 cơ quan trên toàn quốc, phục vụ 1.200 cán bộ thuế của nước này. Hơn 3 triệu người nộp thuế đã có thể kê khai trực tuyến. |
BITAX chỉ là một trong 4 dự án trị giá 60 triệu USD (tương đương 1.350 tỷ đồng) mà FPT IS đang thực hiện tại đây. Ba năm trước, ít ai nghĩ rằng, một công ty công nghệ Việt Nam có thể làm được những dự án hàng triệu USD tại Bangladesh khi quốc gia này vốn được coi là sân sau của cường quốc CNTT Ấn Độ. Bên cạnh đó, Nam Á là thị trường mà nhiều tập đoàn công nghệ lớn trên thế giới e ngại, do cơ sở hạ tầng chậm phát triển, điều kiện xã hội kém, mức độ ứng dụng CNTT thấp. Tuy nhiên, FPT vẫn mạnh dạn tiến một bước vào thị trường này.
Theo PTGĐ FPT IS FPS Chu Khánh Hòa thì “FPT không có gì ngoài sự tự tin từng triển khai các dự án tương tự ở Việt Nam”. Từ hai thập niên trước, FPT đã tham gia triển khai các dự án CNTT lớn cho ngành thuế, hải quan, kho bạc nhà nước và tài chính của Việt Nam với rất nhiều hệ thống phần mềm đáp ứng nhu cầu quản lý của ngành... Trong khi đó, các thầu lớn, đặc biệt là thầu của World Bank, luôn đòi hỏi các nhà thầu phải có kinh nghiệm triển khai thành công những bài toán tương tự. Một chất xúc tác rất quan trọng dẫn đến việc thắng thầu của FPT là sự hợp tác, tin cậy và hỗ trợ của các hãng giải pháp công nghệ hàng đầu thế giới như SAP, Oracle, HP, Dell, Cisco…
“Có 2 lý do chính để chúng tôi tin tưởng lựa chọn một công ty CNTT của Việt Nam triển khai dự án mang tầm cỡ quốc gia. Thứ nhất, FPT đã đến và nhanh chóng minh chứng được năng lực cũng như kinh nghiệm của mình. Thứ hai là sự tương đồng về lịch sử và văn hóa giữa hai nước. Việt Nam cũng từng trải qua giai đoạn lạc hậu, khó khăn để trở thành đất nước với tốc độ phát triển nhanh như hiện nay. Vì vậy, ít nhiều các bạn có kinh nghiệm và sự đồng cảm với vấn đề mà chúng tôi đang gặp phải", Thứ trưởng Bộ Tài chính Bangladesh M.A. Mannan chia sẻ.
Chỉ sau 3 năm, từ con số 0, FPT không chỉ mang về những hợp đồng trị giá hàng chục triệu USD mà đã thay đổi được hình thức xuất khẩu của Việt Nam sang nước bạn. Từ việc chủ yếu xuất khẩu nguyên liệu thô như clanke, sợi thô… sang Bangladesh, đến nay, Việt Nam đã có thể xuất khẩu được CNTT sang đất nước nằm ngay cạnh cường quốc lớn Ấn Độ.
Và với chiến lược Digital Bangladesh, đặc biệt là “việc đầu tư nhanh, mạnh và đi thẳng vào các bài toán cấp thiết nhất của xã hội” sẽ chính là cơ hội để FPT tiếp tục chinh phục mảnh đất Nam Á này.
- BITAX (trị giá 6,6 triệu USD) là dự án trao tay mà FPT IS làm tổng thầu, gồm cả ứng dụng và hạ tầng cho ngành Thuế Bangladesh, phục vụ 1.200 cán bộ thuế, 3 triệu người nộp thuế tại cơ quan thuế trung ương và khoảng 650 cơ quan thuế địa phương. - Dự án “Cung cấp, triển khai và bảo hành, bảo trì hệ thống ứng dụng quản lý thuế VAT (IVAS)”, giá trị 33,6 triệu USD, giúp cơ quan thuế Bangladesh quản lý, tổng hợp, phân tích tốt hơn và có thể nhanh chóng áp dụng Luật thuế VAT mới, loại bỏ khó khăn trong việc thu đúng, thu đủ thuế cũng như tổng hợp thống kê số liệu như trước. Dự kiến, hệ thống sẽ được triển khai diện rộng từ tháng 1/2017. - Dự án “Thiết kế, cung cấp, cài đặt và triển khai phần mềm ERP/EAM cùng các hệ thống hỗ trợ liên quan và đào tạo” cho Công ty Truyền tải Gas Bangladesh (GTCL), trị giá 9,1 triệu USD, là hợp đồng ERP đầu tiên của khối doanh nghiệp Bangladesh. - Dự án “Cung cấp và Triển khai phần mềm ERP/EAM cho Công ty phát điện Bangladesh” (EGCB) trị giá 8,8 triệu USD. |
Hà Dương - Bích Hải
Ý kiến
()