Chúng ta

Cựu CEO FPT Software: 'Đam mê cũng nên tính toán'

Thứ tư, 13/4/2016 | 08:57 GMT+7

Nguyên là CEO của FPT Software nhưng anh Nguyễn Thành Lâm cho biết lập trình không phải là khát khao cháy bỏng của mình.

Đó là chia sẻ của anh với sinh viên Đại học trực tuyến FUNiX trong dịp gặp mặt mới đây. "Tôi thường nhận được câu hỏi "liệu theo đuổi đam mê có mang lại thành công. Từ chính kinh nghiệm của bản thân và nhiều người khác, tôi cho rằng đây là hai phạm trù khá khác nhau", nguyên CEO của FPT Software nói.

Anh giải thích thêm, đam mê thường được hiểu là có hứng thú mãnh liệt với việc gì đó. Còn thành công là có một địa vị nhất định trong xã hội, chức vụ tốt kèm theo mức thu nhập cao. Nhưng anh cũng cho rằng đam mê là một khái niệm không rõ ràng và có thể thay đổi. Một người có thể có nhiều đam mê và đôi khi nó làm người ta mù quáng.

Dẫn chứng cụ thể từ bản thân của mình, anh cho biết anh rất mê xem đá bóng và là fan của Maradona. Dù công việc bận rộn, anh vẫn thường xuyên tham gia vào các giải đấu nhỏ do công ty tổ chức. Mê bóng đá nhưng anh chưa bao giờ chọn lĩnh vực này để theo đuổi và chỉ xem đó là một thú vui của bản thân, thay vào đó anh chọn lĩnh vực công nghệ thông tin để lập nghiệp.

IMG-6191-1437448322-660x0-5635-146051004

Tháng 7/2015, anh Lâm xin từ nhiệm chức TGĐ FPT Software với lý do cá nhân. “Tôi làm việc tại FPT đã 15 năm và đây là thời điểm cá nhân tôi cần có một khoảng thời gian để suy nghĩ về chặng đường tiếp theo của sự nghiệp”, anh Lâm chia sẻ. 

Từng đảm nhiệm vị trí cao nhất trong công ty công nghệ lớn ở Việt Nam, anh Nguyễn Thành Lâm cho rằng để có được thành công đòi hỏi bản thân phải nỗ lực rất nhiều và cộng thêm sự may mắn.

Sau khi tốt nghiệp cử nhân Công nghệ thông tin và Kinh tế tại Đức, anh bắt đầu sự nghiệp của mình bằng việc lập trình phần mềm để gọi món cho một quán ăn gia đình của một Việt kiều ở Mỹ.

Sau đó, anh  về nước, gia nhập FPT Software từ những ngày đầu thành lập và trải qua nhiều vị trí khác nhau như: Sản xuất, bán hàng, quản lý nhân sự, quản lý chất lượng, tài chính, giải pháp công nghệ tại các địa bàn khác nhau. Anh từng là Tổng Giám đốc FPT Software (10/2011-7/2015), Phó Giám đốc FPT Software TP HCM (2004-2007), Phó Giám đốc FPT Nhật Bản (2007-2008), Giám đốc FPT Nhật Bản (2009-2010) và Phó Tổng giám đốc FPT Software kiêm Giám đốc FPT Software TP HCM.

"Nếu bạn có đam mê thì nên theo đuổi, vì nó khiến cho cuộc sống trở nên ý nghĩa hơn. Nhưng việc theo đuổi đam mê không đồng nghĩa sẽ mang lại thành công. Thành công bao gồm những bước nhỏ, ngoài đam mê cần phải có nỗ lực của bản thân và thêm chút may mắn chứ không phải sau vài bước đã có ngay thành công", anh nói với sinh viên.

Tuy nhiên, theo anh, đam mê cũng nên tính toán. Ví dụ, bạn mong muốn du học ở Mỹ thì cần phải tìm hiểu thông tin cần thiết như mất bao nhiêu tiền để hoàn thành khóa học, khả năng công việc và thu lại được gì từ khóa học đó...

"Trong cuộc sống, mỗi sự việc diễn ra đều có xác suất, cũng giống như chơi bài pocker, khi bắt một con bài, có thêm thông tin thì cần phải thay đổi suy nghĩ để không bị thua cuộc", anh Nguyễn Thành Lâm chia sẻ.

Thừa nhận mình khá thành công trong sự nghiệp nhưng anh cho rằng điều đó không phải do đam mê mang lại. Mới đây khi xin từ nhiệm chức CEO của FPT Software, anh Nguyễn Thành Lâm trở thành mentor của Đại học trực tuyến FUNiX. Anh cũng là một trong những thầy giáo đặc biệt của trường này. "Tôi hy vọng kinh nghiệm từ thực tế của bản thân sẽ giúp các bạn sinh viên định hướng tốt hơn việc học của mình", mentor Lâm nói.

>> Anh Lâm 'Già' trong mắt tôi

FUNiX (thuộc hệ thống giáo dục FPT) là đại học trực tuyến đầu tiên ở Việt Nam chuyên đào tạo Công nghệ thông tin.

Học viên tương tác với Mentor - là chuyên gia, nhà quản lý của các công ty hàng đầu trong lĩnh vực Công nghệ thông tin thông qua kết nối online. Chương trình gồm 8 chứng chỉ. Sau mỗi học kỳ, sinh viên được cấp một chứng chỉ có giá trị riêng biệt và tìm kiếm việc làm tương ứng.  

Xem thêm thông tin tại website hoặc liên hệ tầng 0, tòa nhà FPT, phố Duy Tân, Cầu Giấy, Hà Nội. Hotline: 04.7300.5656. Email: funix-support@fpt.edu.vn.

Theo VnExpress

Ý kiến

()