Chúng ta

Công nghệ 4.0 là 'gia vị thông minh' cho quản lý bệnh viện

Thứ năm, 22/3/2018 | 15:35 GMT+7

Tổng Giám đốc FPT Bùi Quang Ngọc nhận định sự xuất hiện của công nghệ như AI sẽ giúp ngành y tế Việt Nam hiện đại và hấp dẫn hơn.

- Công nghệ 4.0 được nhắc đến rất nhiều thời gian qua, theo ông việc ứng dụng công nghệ 4.0 ở Việt Nam đang ở mức độ nào?

Ông Bùi Quang Ngọc: Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã được nói đến vài năm qua nhưng khái niệm này còn chưa được thống nhất như ba cuộc cách mạng trước. Tuy nhiên, điều đó không quan trọng. Vấn đề đáng quan tâm ở đây là sự xuất hiện của những công nghệ mới mà nhiều ngành có thể ứng dụng được, trong đó có y tế.

Chẳng hạn, trợ lý ảo có thể trò chuyện, tư vấn cho bệnh nhân một cách tự động mà không cần đến sự hỗ trợ con người, hay dùng trí tuệ nhân tạo, phân tích dữ liệu lớn để hỗ trợ bác sỹ chẩn đoán bệnh cũng như tư vấn toa thuốc phù hợp; điện toán đám mây cho phép cho các bệnh viện nhanh chóng, dễ dàng thuê phần mềm, rất phù hợp với các bệnh viện vừa và nhỏ... Hiện đã có một số bệnh viện tiên phong ứng dụng giải pháp công nghệ 4.0 nhưng con số này còn rất ít. Do đó mảnh đất cho việc ứng dụng công nghệ 4.0 trong ngành y tế Việt Nam vẫn còn rất lớn.

DSC-9938-2116-1521470809.png

Ông Bùi Quang Ngọc, Tổng giám đốc FPT tại buổi tọa đàm Ứng dụng CNTT 4.0 trong ngành Y tế diễn ra chiều 19/3 tại khách sạn Daewoo (Ba Đình, Hà Nội). Ảnh: Nguyễn Thắng.

- Như ông nói, tiềm năng còn rất lớn và FPT đã cho ra đời giải pháp quản lý bệnh viện ứng dụng công nghệ 4.0. Việc ứng dụng đó cụ thể ra sao?

- Giải pháp FPT.eHospital thế hệ thứ nhất đã được ứng dụng ở hơn 200 bệnh viện, cơ sở y tế giúp nâng cao năng suất làm việc của bác sĩ, giảm thời gian chờ đợi của bệnh nhân và người nhà… Trong phiên bản FPT eHospital thế hệ thứ hai, chúng tôi đã ứng dụng nhiều công nghệ 4.0 như trí tuệ nhân tạo (AI), phân tích dữ liệu lớn (Big Data), điện toán đám mây (Cloud), di động (Mobility), kết nối vạn vật (IoT)…

Chúng tôi cũng đang nghiên cứu phiên bản trợ lý ảo đầu tiên hỗ trợ việc khám chữa bệnh. Trợ lý này ảo có thể giúp bác sĩ dùng giọng nói tìm kiếm các thông tin bệnh nhân, mở sổ khám…, giúp người bệnh tra cứu lịch khám chữa bệnh, các dịch vụ của bệnh viện, hướng dẫn sử dụng thuốc… Các trợ lý ảo có khả năng tự học và làm giàu kiến thức sau khi tiếp nhận thông tin từ người dùng nên theo thời gian sẽ ngày càng trở nên thông minh hơn. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục đầu tư và có những nâng cấp mạnh mẽ hơn nữa cho các công nghệ mới phù hợp với sự phát triển của các bệnh viện trong cuộc cách mạng 4.0.

- Công nghệ 4.0 mang lại hiệu quả khác biệt như thế nào so với phiên bản cũ?

Về tác nghiệp lõi, công nghệ 4.0 không tác động nhiều nhưng giúp tăng cường tính di động, trải nghiệm cho nhà quản lý, thầy thuốc và bệnh nhân. 

Trước đây, các phần mềm quản lý bệnh viện hoạt động riêng lẻ nên chưa đáp ứng được nhu cầu quản lý tập trung của lãnh đạo bệnh viện. Các bác sĩ tác nghiệp chủ yếu trên máy tính. Bệnh nhân chưa có nhiều kênh tương tác với bệnh viện và bác sĩ… Ứng dụng công nghệ 4.0 sẽ giúp lãnh đạo bệnh viện theo dõi số liệu trực tuyến theo thời gian thực, tích hợp chữ ký số, bệnh án điện tử, hướng tới xây dựng bệnh viện không giấy tờ, tối ưu hóa quy trình khám chữa bệnh, nâng cao, hiệu suất bệnh viện, quản lý chặt chẽ tài chính...

Tuy nhiên chúng ta không nên kỳ vọng 4.0 là cây đũa thần, nó thực tế là gia vị. Món ăn nếu thiếu đi gia vị thì vẫn được coi là món ăn, nhưng nếu có thêm gia vị thì món ăn sẽ trở nên hấp dẫn hơn, hoàn hảo hơn. Khi các công nghệ mới xuất hiện, ta không biết tận dụng thì sẽ lạc hậu và lãng phí tài sản trí tuệ của loài người.

- So với các lĩnh vực khác như giáo dục, giao thông, việc xây dựng và triển khai các giải pháp công nghệ cho ngành y tế có những thuận lợi và khó khăn gì?

Về thuận lợi, đây là ngành có nhu cầu tự động hóa, nhu cầu thống kê và điều hành rất lớn. Bệnh viện là nơi có hàng trăm bác sĩ, y tá phục vụ hàng chục nghìn bệnh nhân nên việc ứng dụng công nghệ thông tin rất quan trọng và hữu ích. 

Về khó khăn, hiện nay chính sách quản lý của ngành y tế còn gây vướng mắc cho các bệnh viện muốn tự động hóa, chẳng hạn họ cho rằng không cần đến chữ ký số. Khó khăn thứ hai là về nguồn vốn, nhất là bệnh viện công bị ràng buộc về chi tiêu và để tìm ngân sách triển khai các dự án tin học không dễ.

- Là người đứng đầu một tập đoàn về công nghệ, ông có đề xuất gì để đẩy mạnh ứng dụng CNTT tại các bệnh viện hiện nay?

Từ những khó khăn của câu hỏi trước, tôi cho rằng chính sách cần thay đổi để trở nên đầy đủ, nhanh và thoáng hơn. Các cấp quản lý cần tạo ra một nguồn đầu tư riêng và ổn định cho công nghệ và cuối cùng là cần có sự năng động trong khâu quản lý.

Về phía FPT, chúng tôi cam kết đầu tư nhiều hơn cho các giải pháp CNTT trong y tế. FPT cũng sẵn sàng chuyển giao công nghệ cho các bệnh viện, cơ sở y tế cũng như hỗ trợ đào tạo, vận hành. Đặc biệt, FPT cũng đưa ra nhiều hình thức đầu tư như cho thuê dịch vụ CNTT để giải quyết bài toán khó khăn về việc tìm ngân sách đầu tư hiện nay của các bệnh viện.

>> TGĐ Bùi Quang Ngọc: ‘FPT.eHospital 2.0 đáp ứng mọi nhu cầu của các bệnh viện’

Theo VnExpress

Ý kiến

()