Sáng ngày 12/8, thị trường chứng khoán xuất hiện nhiều rung lắc nhưng mã FPT vẫn phá đỉnh lịch sử và tiếp tục đi lên. Đóng phiên giao dịch, mã FPT đạt mức 52.300 đồng/cổ phiếu, cao nhất trong một thập niên (sau điều chỉnh giá) kể từ 8/2009. Với kỷ lục này, giá trị vốn hoá của FPT đạt 35.502 tỉ đồng.
Hiện FPT đã có liền 3 tháng tăng giá liên tục (từ mức 44.000 đồng/cổ phiếu vào ngày 13/5) và vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. Trước khi cán mốc mới, FPT đã có nửa đầu năm 2019 rất thành công khi cổ phiếu liên tục tăng lên. Từ mức giá khoảng 36.600 đồng/cổ phiếu hồi tháng 1/2019, mã FPT liên tục tăng trưởng để đạt mốc 52.300 đồng/cổ phiếu như hôm qua – ngày 12/8.
Cổ phiếu FPT niêm yết từ cuối năm 2006, đến đầu 2007 có khi cổ phiếu lên tới hơn 600.000 đồng/đơn vị, tuy nhiên sau các đợt điều chỉnh giá vì trả cổ tức, thị giá FPT giảm tương ứng.
Diễn biến giá cổ phiếu FPT trong 10 năm qua. Nguồn: Stockbiz. |
Kết thúc nửa đầu năm 2019, các chỉ tiêu doanh thu và lợi nhuận của FPT đều ghi nhận tốc độ tăng trưởng tích cực. Doanh thu hợp nhất đạt 12.492 tỷ đồng, tăng 22,2% so với cùng kỳ năm 2018. Lợi nhuận trước thuế (LNTT) đạt 2.139 tỷ đồng, tăng 26,8% so với cùng kỳ, tương đương 111,2% kế hoạch lũy kế. Lợi nhuận sau thuế đạt 1.780 tỷ đồng, tăng 26,1% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ đạt 1.418 tỷ đồng, tăng 28,5% so với cùng kỳ. Lãi cơ bản trên cổ phiếu (EPS) sau 6 tháng đạt 2.097 đồng, tăng 28% so với cùng kỳ năm trước.
Tăng trưởng lợi nhuận của FPT trong 6 tháng đầu năm tiếp tục được đóng góp chủ yếu từ hai lĩnh vực cốt lõi là Công nghệ và Viễn thông, chiếm 78% tổng lợi nhuận toàn tập đoàn. Cụ thể, lợi nhuận trước thuế của khối Công nghệ và Viễn thông tăng lần lượt là 44% và 13% so với cùng kỳ năm trước.
Cùng thời điểm, HĐQT FPT vừa thông qua phương án tạm ứng cổ tức đợt 1 năm 2019 cho cổ đông bằng tiền mặt. Theo đó, ngày 16/8 sẽ chốt danh sách cổ đông. Số cổ tức bằng tiền được chi trả vào ngày 30/8 với tỷ lệ 10%, tương ứng cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu được nhận về 1.000 đồng. Với hơn 616 triệu cổ phiếu, nhà F sẽ chi số tiền trả cổ tức đợt này hơn 616,6 tỷ đồng.
Trước đó, lần đầu ra mắt giới đầu tư TP HCM ở vị trí CEO FPT trong sự kiện “Chuyển đổi số tại thị trường toàn cầu – cơ hội của FPT” tổ chức đầu tháng 6, anh Nguyễn Văn Khoa lần lượt trình bày về 3 trụ của FPT: nguồn lực, công nghệ và chuyển đổi số; tình hình kinh doanh của các mảng: Viễn thông, Giáo dục và bức tranh tài chính FPT 3 năm tới.
Tổng giám đốc FPT cho rằng, với nguồn lực hiện có, mảng kinh doanh chuyển đổi số của FPT sẽ đóng góp rất lớn, thậm chí có thể chiếm đến 50% doanh thu của Tập đoàn trong 5–10 năm tới. “FPT sẽ đi rất sâu vào công nghệ”, người điều hành nhà F khẳng định. Dự kiến khối công nghệ sẽ đạt 1 tỷ USD doanh thu, đóng góp 60% doanh thu của Tập đoàn vào năm 2021. Thị trường nước ngoài sẽ chiếm 73% doanh thu khối công nghệ.
Tỷ trọng đóng góp của khối công nghệ từ mức 58% cho giai đoạn 2016–2018 sẽ tăng lên 60% cho giai đoạn 2019 – 2021. Theo lãnh đạo FPT, mặc dù chỉ tăng thêm 2% sau 3 năm nhưng để nâng tỷ trọng đóng góp của mảng này lên đòi hỏi FPT phải chuẩn bị đầy đủ về nhân lực, và thời gian phải “chín muồi”.
>> Nhà đầu tư ấn tượng với chiến lược chuyển đổi số của FPT
Tân Phong
Ý kiến
()