Theo thông báo mới nhất của đơn vị vận hành tuyến cáp quang biển AAG (Asia America Gateway), đến nay, tàu sửa cáp AAG vẫn chưa thể vào vị trí bị sự cố trên phân đoạn cập bờ S1B - Singapore. Do đó, lịch bảo trì cáp sẽ bị chậm so với kế hoạch dự kiến trước đây.
Nhà vận hành cũng xác định AAG bị sự cố rò rỉ nguồn điện từ dịp Tết Bính Thân khiến lưu lượng Internet đi qua tuyến này bị ảnh hưởng.
Tàu sửa cáp của đơn vị vận hành AAG đang chờ cấp phép để tiến hành bảo trì. |
Anh Vũ Anh Tú, PTGĐ Viễn thông FPT, cho biết, việc bảo trì gần như không ảnh hưởng đến khách hàng của FPT Telecom. Trong thời gian qua, FPT Telecom đã bổ sung rất nhiều lưu lượng tuyến quốc tế nên sẵn sàng ứng phó nếu có sự cố.
"FPT Telecom đã chủ động tiến hành nhiều biện pháp phòng bị để hạn chế tối đa mức ảnh hưởng đến người dùng", anh Tú chia sẻ. "Cụ thể, chúng tôi đã chủ động bổ sung dung lượng kết nối quốc tế cả hướng đất liền và biển để nâng cấp hệ thống mạng truyền dẫn, dự phòng dung lượng Internet để khi xảy ra các sự cố, FPT Telecom vẫn đảm bảo duy trì chất lượng dịch vụ cho khách hàng".
Trong 8 tháng qua, mạng AAG không bị sự cố. Đây là đợt bảo trì định kỳ của đơn vị vận hành tuyến cáp.
Năm 2015, tuyến cáp quang biển AAG 4 lần gặp sự cố. Trong đó có hai lần cáp AAG bị đứt vào các ngày 5/1 và 23/4. Với mỗi lần tuyến cáp này bị đứt, việc hàn nối kéo dài 2-3 tuần; và trong thời gian đó, việc liên lạc và trao đổi thông tin đi nước ngoài của các khách hàng theo hướng Việt Nam đi quốc tế như dịch vụ web, e-mail, thoại, video… bị chậm.
Gần đây, các nhà mạng Việt Nam đã đầu tư thêm các tuyến cáp quang mới như tuyến cáp quang biển châu Á - Thái Bình Dương APG (Asia Pacific Gateway, chiều dài hơn 11.000km và băng thông khoảng 4 Tbps, nối từ Việt Nam đi các nước châu Á và Mỹ) và tuyến cáp quang biển AAE1 (Asia Africa Euro 1, chiều dài 25.000 km) nối từ Việt Nam và các nước châu Á đến châu Âu, châu Phi.
>> Nhân viên FPT Telecom xử lý sự cố trong mùng 1 Tết
Nguyên Văn
Ý kiến
()