Chúng ta

Chủ tịch FPT tiếp tục ‘chơi với người khổng lồ’ tại Davos

Thứ hai, 21/1/2019 | 18:48 GMT+7

Anh Trương Gia Bình sẽ tháp tùng Thủ tướng dự Hội nghị thường niên Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) từ ngày 22-25/1 với chủ đề “Toàn cầu hóa 4.0: Định hình cấu trúc toàn cầu trong thời đại Cách mạng công nghiệp lần thứ tư”, diễn ra tại Davos, Thụy Sĩ.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự sự kiện theo lời mời của Chủ tịch sáng lập và điều hành WEF Klaus Schwab. Đoàn đại biểu Việt Nam có Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng; Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng; Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà; Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn.

Chủ tịch FPT Trương Gia Bình, thành viên WEF, cùng đại diện các tập đoàn lớn gồm: Viettel, VinaCapital, VinGroup và Novaland tham gia đoàn.

Hội nghị thường niên lớn nhất của WEF năm nay quy tụ hơn 3.000 nhà lãnh đạo các doanh nghiệp, xã hội dân sự, giới học giả, các đại diện của lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật và truyền thông, hơn 65 nguyên thủ quốc gia và người đứng đầu chính phủ cùng đại diện các tổ chức quốc tế và các nhà lãnh đạo trẻ từ khắp nơi trên thế giới.

Với chủ đề "Toàn cầu hóa 4.0: Định hình một kiến trúc toàn cầu trong thời đại Cách mạng công nghiệp lần thứ tư", Diễn đàn Davos 2019 có mục tiêu xác định các mô hình hòa bình mới, bền vững và toàn diện, nhằm thích nghi với một thế giới mà hội nhập toàn cầu mạnh mẽ là tiến trình không thể tránh khỏi, nơi các mô hình quản trị toàn cầu cho thấy khó khăn trong việc thúc đẩy hành động hài hòa giữa các cường quốc trên thế giới. 

FPT Software đang tập trung mọi nguồn lực cho chương trình Whale hunting (săn cá voi - những tập đoàn/đối tác hàng đầu) với sự hỗ trợ rất lớn của Chủ tịch FPT Trương Gia Bình.

Chương trình Hội nghị thường niên WEF 2019 sẽ gồm 350 phiên họp, thảo luận và đối thoại. Trong số này, có thể kể đến một loạt đối thoại như đối thoại về địa chính trị, đối thoại toàn cầu về hòa bình và phát triển, đối thoại về tương lai của nền kinh tế, về quản lý các hệ sinh thái môi trường quan trọng, và đảm bảo an ninh mạng, đối thoại về việc làm và cải cách các thể chế.

Đặc biệt, buổi đối thoại về kinh tế Việt Nam sẽ được tổ chức ngày 23/1 tại khách sạn InterContinental, Davos. Chủ tịch FPT và các chiến tướng nhà F ở các thị trường trọng điểm (Nhật, Mỹ và châu Âu) sẽ tham gia cùng các đại biểu quốc tế.

Phát biểu tại buổi họp báo diễn ra tại Geneva (Thụy Sĩ) ngày 15/1, một tuần trước thời điểm khai mạc sự kiện, người sáng lập và Chủ tịch điều hành WEF Klaus Schwab nói “làn sóng toàn cầu hóa thứ tư này cần phải tập trung hơn vào con người, toàn diện và bền vững”.

Tháng 11/2011, FPT trở thành “thành viên sáng lập” WEF dành cho 1.000 doanh nghiệp xuất sắc trên toàn cầu, có vai trò kích thích sự phát triển nền kinh tế trong nước, đồng thời có khả năng phát triển mạnh ra quốc tế. Đều đặn suốt 7 năm qua, nhà F đều đặn lên vùng núi tuyết băng giá Davos tiếp tục hành trình “săn cá voi”.

Anh-2-7602-1516801217-7913-1548056497.jp

Chủ tịch Trương Gia Bình gặp bà Ana Pinczuk, Tổng Giám đốc HP Services, một trong những người phụ nữ quyền lực nhất Silicon Valey, bên lề WEF 2018.

Không chỉ trao đổi kinh nghiệm phát triển doanh nghiệp, đóng góp vào hệ giá trị kinh tế toàn cầu, Hội nghị WEF là cơ hội để người đứng đầu nhà F và các phó tướng có thể mở rộng mạng lưới, mối quan hệ và tìm kiếm cơ hội hợp tác trong lĩnh vực công nghệ thông tin với các tập đoàn lớn trên thế giới.

Bên lề WEF năm 2018, FPT đã có hàng loạt cuộc gặp song phương với những người đang dẫn dắt những cuộc chơi công nghệ và kinh doanh, như HP, UPS, Allianz, SK Holdings.... Một trong các cuộc gặp có nhiều triển vọng là cuộc trao đổi về việc hợp tác trong mảng điện toán đám mây với Tổng Giám đốc HP Services, bà Ana Pinczuk - một trong những người phụ nữ quyền lực nhất Silicon Valey, phụ trách 25.000 kỹ sư CNTT.

"WEF là diễn đàn có giá trị thực sự đối với các doanh nghiệp tham gia như FPT. Tại đây, chúng tôi được gặp gỡ, tiếp xúc và tìm kiếm cơ hội hợp tác với những người đang dẫn dắt những cuộc chơi công nghệ và kinh doanh. Sau WEF, FPT cũng đã có những hợp tác thực sự với những đại gia lớn trên thế giới", anh Bình khẳng định.

Việc Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham dự WEF Davos 2019 được cho là sẽ thúc đẩy các đối tác, tập đoàn hàng đầu tiếp tục tăng cường hợp tác với Việt Nam, góp phần củng cố môi trường quốc tế thuận lợi cho việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2019.

Trước đó, hồi tháng 6/2018, anh Trương Gia Bình tháp tùng Thủ tướng đến Canada dự Hội nghị Thượng đỉnh G7 mở rộng và thăm Canada. Trong chuyến công tác, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch FPT Trương Gia Bình và 15 doanh nghiệp lớn của Việt Nam đã dự sự kiện đối thoại với 20 tập đoàn hành đầu Canada do cựu Thủ tướng Jean Chretien và ông Louis Vachon, CEO Ngân hàng Quốc gia Canada, đồng chủ trì.

Dù vắng mặt Tổng thống Mỹ Donald Trump và một số lãnh đạo thế giới khác, WEF 2019 tại Davos vẫn là tâm điểm chú ý. Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, Thủ tướng Đức Angela Merkel và tân Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro là những nhà lãnh đạo hàng đầu trong danh sách tham dự hội nghị. Tuy phái đoàn cấp cao Mỹ không tham dự nhưng có khoảng 800 người từ Mỹ dự kiến có mặt, trong đó có các lãnh đạo của những công ty lớn nhất thế giới.

>> Trái ngọt từ Davos

Diễn đàn Kinh tế thế giới là một tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở chính tại Davos, Geneva, Thụy Sĩ, được Giáo sư Klaus Schwab khởi xướng. Từ một diễn đàn giới hạn ở châu Âu, nay sự kiện đã thu hút hầu khắp các quốc gia trên toàn thế giới tham gia với mục tiêu chung là giải quyết những vấn đề cấp thiết mang tính toàn cầu.

Ngoài các cuộc họp quốc tế thường niên và nhiều cuộc họp khu vực khác, Diễn đàn Kinh tế thế giới cũng xuất bản các kết quả nghiên cứu và khuyến khích các thành viên cùng thực hiện những sáng kiến mang lại lợi ích cho toàn thế giới.

Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) mở ra một kênh quan hệ, một diễn đàn tiếp xúc song phương, đa phương, thu hút sự tham gia của không chỉ giới doanh nghiệp, mà cả giới chính trị, lãnh đạo các quốc gia, tổ chức quốc tế, những nhà hoạt động xã hội, giới hàn lâm cùng chia sẻ tầm nhìn và đề xuất hành động vì sự thịnh vượng chung của thế giới.

Diễn đàn quan trọng nhất của Diễn đàn Kinh tế thế giới là Hội nghị thường niên được tổ chức vào cuối tháng 1 hằng năm tại Davos, Thụy Sĩ. Bên cạnh Hội nghị Davos, mỗi năm Diễn đàn Kinh tế thế giới cũng tổ chức các diễn đàn khu vực, tiêu biểu là Hội nghị Diễn đàn Kinh tế thế giới về Đông Á, Hội nghị Diễn đàn Kinh tế thế giới Thiên Tân (hoặc Đại Liên) tại Trung Quốc, Hội nghị Diễn đàn Kinh tế thế giới về Ấn Độ, Hội nghị Diễn đàn Kinh tế thế giới về Mỹ La-tinh, Hội nghị Diễn đàn Kinh tế Thế giới về Trung Đông… Các diễn đàn khu vực này là nơi trao đổi và phân tích, đánh giá các vấn đề phát triển của khu vực. 

Hà An

Ý kiến

()