Ngành công nghiệp CNTT của Việt Nam đang thay đổi cả về số lượng và chất lượng. Chính phủ Việt Nam và các tổ chức trong ngành công nghiệp CNTT đã bắt đầu kế hoạch tăng gấp đôi các chuyên gia CNTT vào năm 2020. Mục tiêu nhắm đến là nhu cầu phát triển hệ thống trên toàn thế giới. Đặc biệt, tập đoàn công nghệ thông tin lớn nhất Việt Nam - FPT - đang tập trung cho công tác đào tạo khoảng 10.000 kỹ sư phần mềm cho thị trường Nhật Bản
Chủ tịch Tập đoàn FPT Trương Gia Bình trả lời phỏng vấn Nikkei tại Nhật. Ảnh: Nikkei. |
FPT còn cố gắng đẩy nhanh tốc độ cập nhật các công nghệ tiên tiến nhất để nâng cao vị thế của mình. Vào năm 2016, Tập đoàn FPT đã thành lập FPT Global Automotive (FGA), bộ phận chuyên nghiên cứu và phát triển xe tự hành. Trước đó, công ty cũng đã xúc tiến hợp tác cùng các nhà sản xuất ô tô Nhật Bản, Mỹ và nỗ lực thúc đẩy IoT (Internet-of-Things), Cloud.
FPT là sự kết hợp giữa công ty phát triển offshore tận dụng chi phí nhân công giá rẻ và công ty công nghệ với các kỹ thuật tiên tiến nhất. Công ty IT Việt Nam sở hữu hai yếu tố này có thể trở thành đối tác tốt nhất đối với Nhật Bản.
Chủ tịch FPT - công ty CNTT lớn nhất Việt Nam: 'Đang đi trước Ấn Độ trong mảng digital'
"Digital quyết định tương lai của 15 năm tới", Chủ tịch Tập đoàn FPT, tập đoàn lớn nhất của nền ICT Việt Nam, Trương Gia Bình, người được mệnh danh là Bill Gates của Việt Nam, cho biết. Nói về Việt Nam thì thường có ấn tượng phát triển off-shore nhưng FPT đang tích cực thúc đẩy đầu tư vào các công nghệ mới nhất mà trước hết phải kể đến xe tự hành. Theo ông Bình thì ngành công nghiệp ICT của Việt Nam đang thay đổi.
- Xin ông cho biết xu hướng của ngành công nghiệp CNTT đang được chú trọng?
- Cụm từ “Digital Tranformation” hiện rất được chú ý. Toàn thế giới đang chuyển sang kỹ thuật số và sẽ quyết định trong vòng 15 năm tới. Công ty chúng tôi đang nỗ lực tham gia vào lĩnh vực này.
Cụ thể hơn, chúng tôi đầu tư vào những kỹ thuật tiên tiến nhất mà trước hết phải kể đến IoT (Internet-of-Things), AI (trí tuệ nhân tạo) cùng với open mainframe. Đây là hai lĩnh vực mà chúng tôi đang tập trung. Chúng tôi vừa bắt kịp công nghệ mới nhất, vừa đồng hành khách hàng trong công cuộc thoát khỏi mainframe - thứ có thể là yếu tố kìm hãm quá trình số hóa (digitalization).
Tại FPT Software - công ty con của FPT, 28% doanh thu đến từ các dự án liên quan đến digital. Ngành công nghiệp CNTT của Ấn Độ phải đến năm 2020 mới đạt được tỷ lệ này. Chắc chắn chúng tôi đi trước Ấn Độ trong lĩnh vực digital. Tất nhiên, chúng tôi vẫn chưa hài lòng ở mức đó. Trong vòng 5 năm, 10 năm tới liệu có thể tiến gần mức 100% không? Đó vẫn còn là một thách thức với chúng tôi.
- Ông có thể nêu cụ thể nội dung đầu tư vào các công nghệ tiên tiến nhất?
- Nói gì đi nữa, phát triển nguồn nhân lực là vấn đề cấp bách hiện nay. Công ty chúng tôi hiện có 1.000 kỹ thuật viên xử lý các dự án chuyên ngành IoT. Tôi muốn nhanh chóng nâng con số này lên đến 10.000 người. Để đạt được điều đó thì việc cần làm không chỉ là tăng cường đào tạo các kỹ sư mới, mà còn phải làm sao để các kỹ sư hiện tại cũng có hứng thú với kỹ thuật mới.
Gần đây, chúng tôi đã tổ chức một cuộc thi phát triển của các ứng dụng liên quan đến AI, xe tự hành và đã thành công với 145 đội tham gia. Tháng 10/2017, chúng tôi muốn cho chạy thử xe tự hành tại campus của chúng tôi trên Khu công nghệ cao Hòa Lạc. Chúng tôi dự định sẽ sử dụng để vận chuyển nhân viên.
Mục đích cuối cùng của chúng tôi là bắt tay với các công ty sản xuất ô tô để đưa vào sử dụng thực tế. Hiện tại thì chúng tôi đang phát triển ADAS (Hệ thống hỗ trợ lái xe nâng cao). Chúng tôi không tiện nêu tên công ty khách hàng nhưng hiện chúng tôi xúc tiến hợp tác với các công ty ô tô Mỹ và Nhật Bản.
Chúng tôi cũng sẽ tăng số lượng kỹ sư cloud theo hướng IoT mà tiêu biểu là kỹ sư "Predix" của General Electric (GE), tăng số lượng nhân viên có chứng chỉ lên 500 người. Hiện tại, chúng tôi cũng đã có 263 người có chứng chỉ "AWS (Amazon Web Services)" và sẽ tiếp tục tăng lên 500 người.
Chủ tịch FPT Trương Gia Bình trong chuyến tháp tùng Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gặp các doanh nghiệp Nhật Bản ngày 6/6. Ảnh: FPT Japan. |
Mục tiêu mới của gã khổng lồ trong nền IT Việt Nam: Chú trọng thị trường xe tự hành
"Trong tháng 10/2017, những chiếc xe tự hành sẽ được cho chạy tại campus của công ty chúng tôi. Tôi mong rằng các kỹ sư sẽ quan tâm tới việc này”, Chủ tịch FPT, tập đoàn CNTT lớn nhất của Việt Nam - Trương Gia Bình đã tiết lộ điều này.
Tại FPT Software, mảng kinh doanh chính là phát triển offshore vẫn tiếp tục tăng trưởng và không thấy có dấu hiệu chững lại. Cho dù vậy, Chủ tịch Bình vẫn không hài lòng. Ông đã đưa các dịch vụ số (digitalization services) vào mảng kinh doanh chính và đang dồn sức vào mảng này.
Digitalization services của FPT Software bao gồm IoT, Big Data, Analytics, Cloud, Mobility hiện chiếm 28% tổng doanh thu. Chủ tịch Bình tự tin khẳng định: "Chúng tôi đang đi trước Ấn Độ trong lĩnh vực digital”. Tuy nhiên, không có nghĩa là FPT sẽ nới lỏng tay với sự chuyển đổi số.
Xe tự hành là mảng kinh doanh quan trọng của FPT Software trong tương lai. Mục tiêu của FPT là năm 2020 sẽ đạt doanh thu 200 triệu USD/năm. Đồng thời, đây cũng là "biểu tượng" phản ánh tương lai mà FPT đang hướng tới. Nó biểu thị thái độ tập trung vào kinh doanh kỹ thuật số, đó cũng là một biểu tượng nhằm thu hút các kỹ sư để hỗ trợ sự phát triển của mảng này. Việc cho chạy xe tự hành trong campus của chúng tôi cũng nhằm thu hút sự quan tâm của các kỹ sư trong công ty để họ có động lực nâng cao kỹ năng.
Kế hoạch tăng số kỹ sư CNTT của Việt Nam, liệu có phải tin tốt lành cho Nhật Bản?
Việt Nam, với tư cách là điểm đến offshore hàng đầu ở nước ngoài của Nhật Bản, sẽ tăng gấp đôi các kỹ sư CNTT. Hiện nay, Việt Nam có khoảng 300.000 kỹ sư IT, và đang có một kế hoạch đầy tham vọng là tăng lên tới con số 600.000 kỹ sư IT vào năm 2020. Kế hoạch này không phải là không liên quan đến Nhật Bản bởi nó có thể trở thành một chiếc thuyền cứu sinh cho sự thiếu hụt nhân lực CNTT tại Nhật Bản.
"Để đáp ứng nhu cầu CNTT trên thế giới, chúng tôi đang có kế hoạch tăng gấp đôi số lượng các chuyên gia CNTT", ông Bình tiết lộ. Chủ trì kế hoạch là Bộ Khoa học Công nghệ Việt Nam, Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam, Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA). Ngoài ra, Chính phủ và nhân dân cùng bắt tay để tăng cường khả năng cạnh tranh của lĩnh vực CNTT.
Dù vậy, đào tạo từ đầu (từ chỗ chưa biết gì) là không khả thi. Đào tạo nguồn nhân lực trong các ngành toán học, vật lý tại các trường đại học chuyển hướng sang thành kỹ sư IT sẽ giúp tăng số lượng nhân lực trong ngành này. Dưới sự chỉ đạo của Phó Thủ tướng, chương trình hỗ trợ các sinh viên tốt nghiệp đại học đăng ký lại vào các trường đại học và cao đẳng chuyên ngành IT và dễ dàng tìm kiếm việc làm trong các doanh nghiệp IT đã bắt đầu khởi động. Trong tháng 10/2017 sẽ chào đón thời điểm tuyển dụng của nhóm sinh viên đầu tiên.
So với các nước cung cấp nguồn nhân lực trên thế giới như Trung Quốc và Ấn Độ, số lượng 3 triệu kỹ sư của Việt Nam chỉ bằng 1/10. Tuy nhiên, trong khuôn khổ phát triển offshore cho thị trường Nhật Bản thì sự hiện diện Việt Nam không phải là nhỏ. Theo Cục Xúc tiến thông tin - công nghệ (IPA) “Sách trắng về nhân sự CNTT năm 2013", thì tỷ lệ các doanh nghiệp Nhật Bản đặt hàng trực tiếp đến các doanh nghiệp Việt Nam xếp bằng với Ấn Độ với tỷ lệ là 19,2%, tỷ lệ đặt hàng gián tiếp là 21,2% chênh lệch 8,8 điểm so với Ấn Độ, và tự hào xếp chỉ sau Trung Quốc.
Đối với doanh nghiệp Việt Nam, Nhật Bản là một thị trường quan trọng. FPT Software, thuộc FPT, đơn vị chịu trách nhiệm phát triển off shore, có mức doanh thu xấp xỉ 25,6 tỷ Yên trong tài khóa 2016, mức doanh thu liên tục được gia tăng gấp khoảng 3 lần trong 4 năm. Động lực thúc đẩy sự tăng trưởng chính là thị trường Nhật Bản. Vào thời điểm tháng 12/2016, doanh thu từ thị trường Nhật Bản chiếm 55,3%, doanh thu từ thị trường Mỹ chỉ chiếm 19,5%.
Hồng Trâm (theo Nikkei)
Ý kiến
()