Chúng ta

CEO FPT Japan: ‘Nhật Bản là bệ phóng để Việt Nam thịnh vượng’

Thứ ba, 19/12/2017 | 23:23 GMT+7

Từ chính câu chuyện của FPT với doanh thu 160 triệu USD/năm và gần 1.000 CBNV ở 5 tỉnh thành tại Nhật, CEO FPT Japan Trần Đăng Hoà cho rằng Việt Nam sẽ là nước trong nhóm "văn hoá dùng đũa" tiếp theo trở nên văn minh, thịnh vượng.

Theo ông Vũ Văn Chung, Cục phó Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hiện các doanh nghiệp Việt Nam đã đầu tư 1.258 dự án tại 72 quốc gia, vùng lãnh thổ với tổng vốn đăng ký 21,4 tỷ USD. Mặc dù số lượng các dự án đầu tư tại Nhật Bản chưa nhiều, số vốn chưa lớn, nhưng các dự án đầu tư đều đạt hiệu quả cao.

“Điển hình như FPT Japan hiện thu hút hàng nghìn kỹ sư, chuyên gia CNTT làm việc”, ông Chung dẫn chứng và khẳng định, cách FPT chinh phục thành công thị trường “khó tính” này như là một minh chứng rõ nét, góp phần tạo động lực tích cực cho các doanh nghiệp Việt Nam mạnh dạn đầu tư vào các thị trường nước ngoài. 

thumbnail-DSC-0201-5011-1513694388.jpg

Theo ông Vũ Văn Chung, Cục phó đầu tư nước ngoài, khi nói đến Nhật Bản, nhiều người sẽ nghĩ ngay đến đầu tư từ Nhật Bản vào Việt Nam chứ ít khi nói đầu tư của các doanh nghiệp Việt Nam sang thị trường Nhật Bản. Và trường hợp FPT là điển hình thành công.

Chia sẻ tại hội thảo Đầu tư tại Nhật Bản do Tổ chức Thúc đẩy ngoại thương Nhật Bản (JETRO) tổ chức tại TP HCM ngày 19/12, ông Chung cho rằng, các doanh nghiệp Việt đang đứng trước cơ hội rất lớn trong việc đầu tư kinh doanh tại Nhật. Thực tế, thời gian qua cho thấy Việt Nam hoàn toàn khả năng đầu tư vào những nước có trình độ phát triển cao như Nhật Bản. “Đặc biệt, có những lĩnh vực Việt Nam không ưu tiên thúc đẩy đầu tư ra nước ngoài, nhưng hiện lại là thế mạnh của Việt Nam như IT, hàng không…”.

Là khách mời đặc biệt của sự kiện, CEO FPT Japan Trần Đăng Hòa trình bày tham luận về cơ hội và những khó khăn khi đầu tư vào Nhật Bản, góc nhìn từ người trong cuộc. Theo anh Hòa, IBM mất 20 năm để trở thành công ty Nhật. Từ hành trình của người khổng lồ, CEO FPT Japan nhận định đơn vị có thể cần nhiều hơn thế để đạt được tư cách pháp nhân của xứ mặt trời mọc. 

Giám đốc FPT Japan cho biết, tính đến tháng 11, công ty tiếp tục đà tăng trưởng tốt với tổng doanh thu là 160 triệu USD. Song song đó, FPT Japan đang phát triển nền tảng IoT (Internet of Things) Akaminds - tương tự Predix của GE, Mindsphere của Siemens. Tuy nhiên, platform (nền tảng) này của FPT sẽ rẻ hơn, linh hoạt hơn và phục vụ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ. 

thumbnail-Hinh-anh-1-4063-1513694388.jpg

CEO FPT Japan Trần Đăng Hoà là khách mời của JETRO.

Về công nghệ 4.0, theo anh Hoà, cuộc cách mạng này sẽ cần nguồn nhân lực có khả năng xử lý về thuật toán và dữ liệu, trong khi Việt Nam cũng đang có thế mạnh về số lượng nhân tài toán học. Từ đó CEO FPT Japan nhận định, người Việt sẽ có những ưu thế nổi trội để nắm bắt xu hướng này. 

“Khi các nước có văn hóa ‘dùng đũa’ như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản và Đài Loan đều đã trải qua giai đoạn phát triển thần kỳ, Việt Nam là nước duy nhất còn lại có tốc độ phát triển vẫn thấp. Vì vậy, việc đầu tư vào Nhật Bản là cơ hội cho Việt Nam và hy vọng chúng ta sẽ là nước cuối cùng bước vào thời kỳ văn minh, thịnh vượng”, CEO FPT Japan Trần Đăng Hoà bày tỏ.

Hiện tại, FPT tại Nhật nằm trong danh sách 50 công ty IT hàng đầu. Đến năm 2020, FPT Japan đặt mục tiêu trở thành một trong 20 doanh nghiệp công nghệ công ty lớn nhất Nhật Bản, là công ty SI (Systems Integrator - tích hợp hệ thống) Tier 2 lớn nhất Nhật Bản với doanh số dự kiến 500 triệu USD cùng khoảng 3.000 nhân lực. Anh Hoà tiết lộ, năm 2018, FPT Japan dự kiến mở văn phòng tại Shizouka và Hiroshima.

IMG0766-4235-1513694388.jpg

Theo anh Trần Đăng Hoà, 2 năm qua, FPT Japan luôn tăng trưởng trong từng tháng (22 tháng liên tục), từ khoảng 300 người đã chạm đích 1.000 nhân sự, tỷ trọng doanh số và lợi nhuận của đơn vị cũng tăng trưởng liên tục, từ 45% lên gần 60% trong năm nay. Các kỷ lục về dự án lớn liên tục được phá, mốc 7 triệu USD năm 2016 được thay thế bằng 35 triệu USD trong năm nay.

Ảnh anh Hoà chia sẻ với khách mời và truyền thông bên lề sự kiện. 

Phát biểu tại hội thảo, ông Koji Takimoto, Trưởng đại diện văn phòng JETRO tại TP HCM cho hay đây là lần thứ hai tổ chức chuỗi sự kiện. JETRO đặt trọng tâm hỗ trợ các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại nước ngoài và quan tâm hỗ trợ doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Nhật Bản. 

Dù Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể về mặt phát triển kinh tế, các doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa thể hiện rõ thế mạnh đầu tư sang Nhật Bản. 

Theo thống kê của Tổ chức Thúc đẩy ngoại thương Nhật Bản (JETRO), vốn đầu tư được ghi nhận từ Nhật vào Việt Nam là 8,5 tỷ USD. Tuy nhiên, vốn đầu tư từ Việt Nam vào xứ hoa đào chỉ khoảng 7,5 triệu USD với 49 dự án, thấp hơn vốn đầu tư từ Việt Nam sang các nước khác. 

thumbnail-Hinh-anh-2-9992-1513694388.jpg

Nói về cơ hội cho các doanh Việt Nam đầu tư vào Nhật Bản, ông Maeda Shigeki, Phó Chủ tịch JETRO, chia sẻ hiện có nhiều lĩnh vực tiềm năng doanh nghiệp Việt Nam có thể quan tâm đầu tư, trong đó đáng chú ý có hai lĩnh vực là IT và du lịch.

Về chế độ thẻ xanh, ông Shigeki Maeda, Phó Chủ tịch JETRO, khẳng định những ưu đãi trong chính sách đối với nhân lực trình độ cao. “Nếu nguồn nhân lực đáp ứng tiêu chuẩn, các bạn sẽ nhận được visa vĩnh trú chỉ sau một năm làm việc”, Phó Chủ tịch JETRO nói.

>> CEO FPT Japan: ‘Cơ hội FPT ở Nhật 50 năm mới có một lần’

Đình An

Ý kiến

()