Trao đổi với VnExpress, ông Lâm Quốc Cường, Giám đốc công ty Viễn thông Quốc tế VNPT-I, cho biết đến chiều 10/5, các tàu sửa chữa tuyến cáp quang biển AAG đang tiếp tục công việc. Đội sửa chữa phải xử lý từng đoạn cáp, hàn nối, sau đó sẽ chôn cáp xuống khi hoàn thành. Trong quá trình này, đường truyền Internet qua đây hoàn toàn bị ngắt. Dự kiến công tác sửa chữa được hoàn thành và Internet khôi phục trong vài ngày tới, ông Lâm Quốc Cường nói thêm.
Tính đến tối 10/5, tốc độ truy cập từ Việt Nam đi các dịch vụ quốc tế như qua các dịch vụ như: Google, Gmail, YouTube, Microsoft Outlook, Skype, Facebook... đã được cải thiện đáng kể. |
Đây là lần thứ hai trong năm tuyến cáp quang biển AAG bị đứt, gây ảnh hưởng đến đường truyền Internet từ Việt Nam đi quốc tế.
Trả lời về việc kết nối Internet chập chờn trong sáng 10/5, đại diện VNPT-I cho biết sau khi xảy ra sự cố đứt cáp, nhà mạng đã chuyển hướng lưu lượng Internet sang các hướng khác. Cáp AAG hiện vẫn là đường truyền Internet lớn nhất từ Việt Nam đi quốc tế.
Cáp AAG lại bị đứt từ cuối tháng 4. Đến 6/5, tàu của Trung tâm điều hành tuyến cáp quang biển này mới tiếp cận được vị trí gặp sự cố để tiến hành sửa chữa. Công tác sửa chữa được dự báo hoàn thành vào ngày 10 đến 13/5.
Đây là lần thứ hai trong năm cáp AAG bị đứt. Trong sự cố hồi đầu năm, công tác sửa chữa kéo dài 19 ngày. Năm ngoái, cáp quang AAG cũng đứt 2 lần và đều mất trên hai tuần để khôi phục đường truyền Internet.
AAG là hệ thống cáp quang biển dài 20.000 km kết nối khu vực Đông Nam Á với bờ tây nước Mỹ, đi qua Thái Bình Dương và các đảo Guam và Hawaii. Số tiền đầu tư xây dựng tuyến cáp là 500 triệu USD do 19 công ty sử dụng tuyến cáp đóng góp. Có 4 công ty Việt Nam cùng tham gia đầu tư vào dự án này gồm FPT Telecom, Viettel, VNPT, SPT.
Kể từ khi đi vào hoạt động năm 2009, tuyến cáp đã nhiều lần gặp sự cố. Trong đó, đứt cáp hay xảy ra nhất tại đoạn Hong Kong (Trung Quốc) đến Singapore. Các phân đoạn Hong Kong đi Philippines và Philippines đi Mỹ ổn định hơn.
Theo VnExpress
Ý kiến
()