Chúng ta

Bộ trưởng TT&TT tin FPT Telecom sớm thành công tại Myanmar

Thứ hai, 7/9/2015 | 08:11 GMT+7

Chia sẻ trên báo Hà Nội Mới, Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son bày tỏ "rất tin tưởng FPT Telecom sẽ sớm khẳng định là nhà cung cấp dịch vụ ISP hàng đầu ở Myanmar".

Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông (TT&TT) cho rằng, hiện nay cạnh tranh trên thị trường viễn thông đã chuyển sang một thời kỳ mới. Hội tụ dịch vụ và công nghệ, cung cấp dịch vụ qua biên giới… đã làm cho môi trường và hành vi cạnh tranh ngày càng tinh vi, phức tạp.

top4-1-9966-1437971041-7543-1441522744.j

FPT Myanmar vừa kỷ niệm 2 năm hiện diện tại đất nước Chùa Vàng.

"Đây là những thách thức không nhỏ đối với việc bảo vệ và thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh không chỉ ở Việt Nam mà ở cả nhiều nước trên thế giới", ông Son nói và cho biết, để thị trường viễn thông phát triển bền vững, cạnh tranh lành mạnh, trong giai đoạn tới, Bộ TT&TT sẽ tập trung triển khai một số nhiệm vụ, giải pháp cơ bản như: Tiếp tục xem xét giảm bớt các rào cản tiếp cận thị trường; áp dụng một cách bài bản hơn những thực tiễn quản lý tốt về tạo lập và vận hành một thị trường viễn thông cạnh tranh bình đẳng thông qua các công cụ quản lý kết nối, quản lý giá cước, chất lượng, quản lý tài nguyên viễn thông...

Khi được hỏi về việc các doanh nghiệp viễn thông đã đầu tư mạnh ra nước ngoài nhưng liệu các doanh nghiệp này có trở thành những tên tuổi lớn của làng viễn thông thế giới như Vondafone, France Telecom…, Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son đề cập đến hai đơn vị toàn cầu hóa thành công là Viettel và FPT Telecom. "FPT Telecom cũng chỉ cần 3 năm triển khai ở thị trường Campuchia để trở thành nhà cung cấp dịch vụ Internet cố định số 1 thị trường", người đứng đầu Bộ TT&TT dẫn chứng.

Nhắc lại sự kiện ngày 6/7, FPT Telecom đã được cấp giấy phép triển khai hạ tầng và cung cấp dịch vụ Internet (ISP) ở Myanmar, Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son tin rằng đại diện FPT sẽ thành công ở vùng đất được xem là "mỏ vàng cuối cùng" của châu Á. "Với một đội ngũ lãnh đạo trẻ, năng động, sáng tạo; mô hình quản trị hiệu quả của một công ty cổ phần, được kế thừa bề dày kinh nghiệm kinh doanh của doanh nghiệp CNTT hàng đầu của Việt Nam (Tập đoàn FPT), tôi rất tin tưởng FPT Telecom sẽ sớm khẳng định là nhà cung cấp dịch vụ ISP hàng đầu ở Myanmar", ông Son nói và tiết lộ tiếp bước Viettel và FPT Telecom, các doanh nghiệp viễn thông Việt Nam khác như VNPT, MobiFone cũng đang xây dựng chiến lược vươn ra thị trường khu vực.

Lần đầu tiên FPT cử đại diện để khảo sát thị trường Myanmar là vào giữa năm 2012. Tại Diễn đàn Kinh tế thế giới 2013 về Đông Á tổ chức ở Nay Pyi Taw, FPT đã xác định sẽ là một nhà cung cấp dịch vụ Internet ở Myanmar. “Thời điểm đó, FPT bày tỏ hy vọng Myanmar sẽ trở thành "quê hương thứ hai" của mình, với lộ trình phát triển các dịch vụ Internet, giáo dục và công nghệ thông tin”, anh Đoàn Nhật Minh, CEO FPT Myanmar, cho biết.

Ngay trong năm 2013, FPT quyết định lập công ty con tại Myanmar. Với mong muốn cung cấp dịch vụ viễn thông cho người dân Myanmar, FPT đã tiến hành tìm hiểu quy định, luật lệ và tìm kiếm các cơ hội phát triển viễn thông tại thị trường này.

Nhờ vậy, vào tháng 11/2014, một tháng sau khi chính phủ Myanmar ban hành thông tư hướng dẫn cấp phép viễn thông, FPT đã có thể nộp đơn xin giấy phép triển khai hạ tầng viễn thông tại đây.

Trước khi nhận được giấy phép, FPT làm việc với các công ty viễn thông tại Myanmar. Anh Minh tiết lộ, đơn vị tại xứ Chùa Vàng đã cung cấp dịch vụ trung tâm dữ liệu cho Ooredoo và xây dựng tháp điện thoại di động cho Telenor.

Trải qua vài lần điều chỉnh, bổ sung và trình bày trước các cơ quan chức năng, ngày 6/7, Tập đoàn FPT trở thành doanh nghiệp nước ngoài đầu tiên được Bộ Truyền thông và Công nghệ Thông tin Myanmar cấp phép triển khai hạ tầng và cung cấp dịch vụ viễn thông.

Giấy phép do Bộ Truyền thông và Công nghệ Thông tin Myanmar cấp có giá trị trong vòng 15 năm, cho phép FPT xây dựng cơ sở hạ tầng mạng lưới trên toàn quốc, cung cấp viễn thông và Internet cố định cũng như các dịch vụ giá trị gia tăng. Sau khi có giấy phép, nhóm chuyên gia của FPT sẽ đến Myanmar vào tháng 8 để tiến hành nghiên cứu về thị trường và triển khai cơ sở hạ tầng.

Nguyên Văn

 

Ý kiến

()