Trong khuôn khổ chuyến công tác tại Nhật Bản, ngày 23/8, đoàn công tác của Bộ Tài chính do Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng dẫn đầu đã đến thăm và làm việc với FPT Japan.
CEO FPT Japan - anh Trần Đăng Hòa cho hay, công ty đang có những bước phát triển vững chắc tại thị trường Nhật Bản với 4 văn phòng tại Tokyo, Nagoya, Osaka và Fukuoka, và sắp tới sẽ mở thêm một trung tâm nghiên cứu tại Okinawa. Dự kiến năm 2017, doanh số của đơn vị đạt 170 triệu USD, và vươn tới 500 triệu USD vào năm 2020.
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng đánh giá cao những thành tích mà FPT Japan đạt được trong thời gian qua. Ảnh: FPT Japan. |
Không chỉ mang lại những giá trị kinh tế, FPT Japan còn lĩnh hội, đón đầu những kinh nghiệm về quản trị, công nghệ hiện đại và kiến thức về môi trường kinh doanh tại Nhật Bản, và mong muốn chia sẻ, đóng góp cho đất nước.
Theo anh Hòa, 3 năm trước, Việt Nam đã vượt Ấn Độ, trở thành nước thứ hai về outsourcing (dịch vụ thuê ngoài), sau Trung Quốc. Tuy nhiên, quan hệ giữa Nhật - Trung luôn căng thẳng cộng với giá thành tại Đại lục cũng tăng cao nên các đối tác Nhật thường e ngại về công nghệ, bảo mật… Nguồn tăng trưởng của FPT phần lớn lấy từ Trung Quốc. “Dư lượng để tăng thị phần rất dồi dào. Đây cũng là cơ hội của FPT nhưng quan trọng nhất là năng lực để có thể đảm đương”, CEO FPT Japan khẳng định và tiết lộ FPT đang xem xét thực hiện M&A tại thị trường Nhật để tăng thị phần. Mục tiêu là vượt qua Trung Quốc.
"So với ngành xuất khẩu khác, con số ngoại tệ mang về không quá lớn, nhưng với ngành phần mềm, trong 1 đồng ngoại tệ đó còn kèm theo 5 đồng trí thức, đó là kinh nghiệm quản trị, chuyển đổi mô hình kinh doanh rất quý báu...", anh Hòa nhấn mạnh và bổ sung, với năng lực và cả sự may mắn, FPT Japan đã được tham gia vào các mảng việc "hot" nhất giới công nghệ cao như Trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ chuyên sâu mảng tài chính (Fintech)…
Thị trường chi tiêu CNTT của Nhật là 100 tỷ USD, tăng trưởng 45% mỗi năm trong khi FPT mới giành khoảng 175 triệu USD. Xứ anh đào có 1.000 khách hàng trên 1 tỷ USD. FPT đang có khoảng 300 khách hàng trong nhóm này. “Chúng ta mới chiếm thị phần nhỏ và cơ hội tăng là rất lớn”, CEO FPT Japan nói. |
Chia sẻ với lãnh đạo và nhân viên FPT Japan, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng đánh giá cao những thành tích mà FPT Japan đạt được trong thời gian qua. Không chỉ mang lại giá trị kinh tế với doanh thu khoảng 150 triệu USD/năm, FPT Japan còn tạo việc làm cho nhiều lao động Việt Nam cũng như Nhật Bản với khoảng 800 nhân sự. “Những thành tích, kết quả của FPT Japan đã góp phần nâng cao vị thế quốc tế của Việt Nam trong môi trường kinh doanh quốc tế, đặc biệt ở lĩnh vực công nghệ thông tin - lĩnh vực kinh tế công nghệ cao”, Bộ trưởng khẳng định.
Ông Đinh Tiến Dũng cho biết, ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong lĩnh vực tài chính của Việt Nam thời gian qua đã có sự phát triển mạnh mẽ và Bộ Tài chính luôn là đơn vị tiên phong với 4 năm liền đứng đầu các bộ, ngành; những lĩnh vực lớn như thuế, hải quan, chứng khoán… đều đã được ứng dụng CNTT.
Bộ trưởng và đoàn chụp hình lưu niệm với CBNV FPT Japan. Tham gia đoàn công tác của Bộ trưởng Tài chính có CEO FPT IS Phạm Minh Tuấn và CEO FPT Telecom Nguyễn Văn Khoa. Ảnh: FPT Japan. |
“Bộ Tài chính đang thực hiện quyết tâm xây dựng chính phủ điện tử và trong quá trình trên, FPT đã có những đóng góp đáng kể”, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng đánh giá và cho hay Bộ Tài chính sẽ tiếp tục đề xuất chính phủ những chính sách ưu tiên nhằm đẩy mạnh phát triển công nghệ thông tin - ngành công nghiệp chất lượng cao.
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng lưu ý FPT Japan cần tích cực đóng góp hơn nữa cho ngành CNTT Việt Nam, trong bối cảnh thế giới đang bước vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và Việt Nam đang thiếu một tổng chỉ huy trưởng CNTT quốc gia để tham mưu cho Chính phủ.
>> FPT hợp tác chiến lược với Coca-Cola Việt Nam
Nguyên Văn
Ý kiến
()