Chúng ta

Bất ngờ tăng trần, cổ phiếu FPT Retail cao nhất trong 1 tháng

Thứ tư, 17/3/2021 | 17:08 GMT+7

Cổ phiếu nhà Bán lẻ bất ngờ tăng đột biến, cả về giá và lượng giao dịch trong phiên hôm nay (ngày 17/3).

Điểm nhấn nhóm cổ phiếu nhà F hôm nay là FPT Retail (mã FRT) khi bật tăng ở biên độ lớn ngay từ đầu phiên sáng. Từ giá xanh, FRT nhanh chóng được kéo lên trần với mức tăng 1.950 đồng (tương đương 6,9%), lên giá 30.250 đồng.

Hôm nay cũng là một phiên lịch sử với FRT khi lượng giao dịch ở mức cao ấn tượng với hơn 5,3 triệu đơn vị được khớp, trị giá hơn 159 tỷ đồng. Từ 10h, mã FRT chỉ dư mua với gần 1 triệu đơn vị ở giá trần.

Phiên tăng trần của FRT hôm nay là được đánh giá là bất ngờ khi không có thông tin hỗ trợ mới và 10 phiên gần nhất mã này chỉ ghi nhận 3 phiên tăng, 1 đứng giá và 6 phiên giảm.

Vn-Index hôm nay tăng 0,52% tương đương tăng hơn 6 điểm, chỉ số đạt 1.186,09 điểm. Nếu trong phiên sáng nhà đầu tư vẫn canh nhịp tăng để chốt lời khiến VN-Index đóng cửa phiên sáng dưới tham chiếu thì tới chiều, tâm lý lạc quan lan tỏa dẫn chỉ số tăng tốt cho đến cuối phiên.

fpt-ava-1590664780587603851743-9095-8373

FPT Retail sẽ ĐHĐCĐ thường niên năm 2021 vào ngày 29/4.

Mới đây, nhóm quỹ liên quan tới VinaCapital vừa báo cáo về ngày không còn là cổ đông lớn Công ty Cổ phần Bán lẻ Kỹ thuật số FPT.

Theo đó, nhóm quỹ liên quan tới VinaCapital là VOF Investment Limited đã bán 500.000 cổ phiếu FRT để giảm sở hữu từ 5,42%, tương ứng 4.277.963 cổ phiếu, xuống còn 4,78% vốn điều lệ tại FPT Retail, tương ứng 3.777.963 cổ phiếu. Sau giao dịch ngày 11/3, nhóm VinaCapital đã chính thức không còn là cổ đông lớn tại FRT.

Trước đó, kể từ ngày 17/12, nhóm Dragon Capital chỉ còn sở hữu 3,12% vốn tại FRT và chính thức không còn là cổ đông lớn tại doanh nghiệp.

Như vậy, hai quỹ ngoại lớn trên sàn là Dragon Capital và VinaCapital đã chính thức không còn là cổ đông lớn tại FPT Retail.

Năm 2020, FPT Retail ghi nhận doanh số lũy kế đạt 14.667 tỷ đồng, giảm 12% so với cùng kỳ năm 2019 chủ yếu do tác động mạnh của dịch Covid làm sức mua thị trường ICT giảm mạnh. Bên cạnh đó, FRT cũng tiếp tục đẩy mạnh đầu tư mở rộng chuỗi cửa hàng Long Châu và tiến hành thử nghiệm với chuỗi FBeauty, vì vậy lợi nhuận trước thuế năm 2020 giảm mạnh so với cùng kỳ và đạt 28 tỷ đồng.

Kết thúc năm 2020, FRT có tổng cộng 595 cửa hàng FPTshop; Chuỗi cửa hàng Long Châu đã đạt mốc 200 cửa hàng vào cuối năm 2020, trải rộng khắp 43 tỉnh thành trên cả nước, tăng 130 cửa hàng so với cuối năm 2019.

Vừa qua, HĐQT công ty đã thông qua việc cơ cấu lại các chi nhánh theo hướng giảm bớt chi nhánh nhằm vẫn đảm bảo hoạt động bình thường của công ty và tiết kiệm được nguồn lực, chi phí trong vận hành bộ máy hoạt động.

Cụ thể, công ty sẽ giữ nguyên chi nhánh tại Hà Nội và Đà Nẵng. Đồng thời, dừng hoạt động đối với các chi nhánh tại các tỉnh, thành còn lại. Đồng thời, FRT công bố có 60 chi nhánh sẽ dừng hoạt động trong thời gian tới.

Công ty dự kiến tổ chức ĐHĐCĐ thường niên năm 2021 vào ngày 29/4 và ngày đăng ký cuối cùng là ngày 31/3 tới. Địa điểm và nội dung họp, công ty sẽ thông báo sau.

>> Nhà F chiếm 2 vị trí trong top 10 sàn thương mại điện tử Đông Nam Á

Hoa Hạ

Ý kiến

()