FPT Retail lại tiếp tục có một năm kinh doanh rất thuận lợi, khi hết 6 tháng đạt 116% kế hoạch doanh thu, tăng 64% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận đạt 153% kế hoạch, tăng hơn 400% so với cùng kỳ. Số cửa hàng mới cũng đạt 150% kế hoạch, tăng 203% so với cùng kỳ.
“Nhìn vào kết quả đó, mọi người thường bảo, anh em FPT Shop làm việc “trâu” quá và thường thắc mắc hỏi tôi: Không biết chúng mày uống phải thuốc gì mà máu thế?”, chị Trịnh Hoa Giang hóm hỉnh nói.
Đội Taskforce là những chàng trai, cô gái trẻ trung, đầy nhiệt huyết. Ảnh: FPT Retail. |
Thành công ấy là kết quả của một tập thể hơn 4.300 người. Trong đó có vai trò khá quan trọng của một team gọi là Taskforce. Họ là những chàng trai, cô gái trẻ trung, có năng lực, đầy nhiệt huyết, được lựa chọn để đi khắp đất nước đảm nhận xây dựng và hỗ trợ shop mới. Khi họ đến, shop còn là những chiếc tủ mới sơn, những kệ hàng trống không. Nhưng khi họ đi, shop đã đầy ắp hàng hóa, nhộn nhịp khách hàng cùng những tiếng cười chào giòn tan.
Để đong đầy niềm vui đó là cả sự nỗ lực và hy sinh thầm lặng. Chị Huỳnh Thị Cao Thi, GĐ Nhân sự kiêm GĐ Trung tâm Đào tạo, nhớ mãi một lần đội Taskforce đến hỗ trợ shop Bình Dương sau khi khai trương hàng loạt cửa hàng từ Bắc chí Nam. Một tối, khi chịvừa về đến shop, các bạn trong đội ùa ra nói: “Chị ơi, Huy (một nhân viên tư vấn bán hàng trong đội Taskforce) nhập viện rồi Bác sĩ chẩn đoán là sốt rét do đi khắp nơi, ở những nhà trọ không có mùng (màn)”.
Hết giờ đóng cửa shop, chị Thi và đội Taskforce vội chạy vào bệnh viện thăm Huy. Chàng trai trẻ ngày thường khỏe mạnh là thế nay nằm bệt trên giường bệnh, sốt cao miên man cả ngày chưa tỉnh. Hai ngày Huy không ăn gì nên người lả đi.
“Ngồi bên cạnh nhìn Huy, tôi thấy em trẻ quá, liền liên tưởng đến con mình. Nếu nó cũng đi chinh chiến, cũng ốm đau thế này, mình sẽ xót ruột lắm. Tôi lại nghĩ đến ba mẹ em ấy, giờ mà biết chắc cũng rất lo lắng”, chị Thi nhớ lại.
Chị Huỳnh Thị Cao Thi là người gắn bó đầu tiên và có công xây dựng mảng nhân sự đào tạo, dìu dắt nhiều thế hệ quản lý thành công ở FPT Retail. Trong tâm trí chị còn đọng mãi hình ảnh về những thành viên trẻ tuổi, luôn cháy hết mình cho công việc của đội Taskforce. Ảnh: NVCC. |
Lúc ấy, chị đã khóc. Tinh thần tuổi trẻ FPT Retail là thế, chinh chiến hết mình, không quản những nơi xa xôi, không ngại bệnh tật, nhọc nhằn mà chỉ lo mình có còn được tiếp tục chịu cực khổ, tiếp tục được cống hiến không.Không ai bảo ai, tất cả cùng ngồi chờ Huy tỉnh dậy. Huy nhấp nháy mắt và tỉnh lại khi trời đã khuya. “Em nhìn quanh và thấy tôi, nước mắt lăn dài trên má. Em thấy đồng đội của mình ngồi cạnh, chờ bón cháo và nước cho em. Lúc đó, tôi cũng chờ Huy xin cháo, xin nước hay nói em mệt quá… Nhưng không, em nắm tay tôi và câu nói đầu tiên của em làm tôi vô cùng xúc động lẫn ngạc nhiên: "Chị ơi, em bị bệnh nặng như này rồi, khi em bớt ốm, em có còn được đi Taskforce nữa không chị?”.
“Chuyện hơn 3 năm rồi mà tôi vẫn không thể quên. Đó chỉ là một trong số rất nhiều câu chuyện đại diện cho sự nỗ lực quên mình của hơn 4.000 CBNV FPT Retail. Huy là một cái tên gọi chung cho nhiệt huyết của tuổi trẻ. Chưa bao giờ tôi cảm thấy công ty quy tụ được nhiều nhân tài đam mê công việc như bây giờ. Chính những con người đầy tình yêu và nhiệt huyết này đã miệt mài suốt cuộc hành trình giong buồm ra khơi tìm kiếm những mảnh đất màu mỡ cho FPT Retail hôm nay”, chị Thi tâm sự.
Tinh thần ấy đã được khởi phát từ “đầu tàu” - “người đàn bà thép” Nguyễn Bạch Điệp, “phù thủy thương trường” Trịnh Hoa Giang, “tay hòm chìa khóa” Vũ Thanh Huyền, “người thầy nhân sự” Huỳnh Thị Cao Thi… và tiếp lửa lan tỏa đi khắp mọi miền tổ quốc.
Anh Hoàng Phạm Anh Huy (giữa) và Nguyễn Thanh Tuấn (thứ hai từ phải sang) cùng các quản lý chủ chốt của miền Đông – những người có công vực dậy mảng kinh doanh của khu vực này. Ảnh: NVCC. |
Tháng 11/2014, miền Nam tách ra làm hai vùng kinh doanh: Miền Đông và miền Tây. Trong đó, miền Đông đang xếp cuối cùng trong 7 vùng kinh doanh, nhân sự không ổn định, có đến 1/3 quản lý năng lực dưới mức trung bình. Do vậy, nhiệm vụ vực dậy miền Đông trở nên vô cùng cấp thiết.
Khi đó, anh Hoàng Phạm Anh Huy - người có nhiều năm lăn lộn ở thị trường miền Đông của FPT Telecom, và anh Nguyễn Thanh Tuấn - với 14 năm kinh nghiệm làm quản lý ở nhiều tập đoàn đa quốc gia như Unilever, Kimberly Clark… được giao phó trọng trách này.
Với chiến lược tập hợp, xây dựng lực lượng và khích lệ nhân viên, hai anh đã sát cánh cùng với các quản lý giải quyết khó khăn, từng bước thúc đẩy doanh số, giúp miền Đông tiến lên một bậc chỉ trong 6 tháng, đạt được tốc độ phát triển ổn định và vững chắc.
“Thành công đó có chiến lược đúng đắn của anh Huy. Anh là người của công việc. Anh có thể làm việc không biết mệt mỏi từ 6h sáng tới 23h tối. Thời gian đầu mới ra tiếp quản khu vực miền Đông, hầu như hôm nào anh cũng gọi điện cho tôi bàn công việc say sưa tới nửa đêm. Thấy thế, vợ tôi thường chất vấn xem ai gọi và tôi phải giải trình rất nhiều lần. Cứ thế mãi, vợ tôi cũng thành quen”, anh Tuấn kể.
Đến tháng 4 năm nay, FPT Shop cán mốc 200 cửa hàng trên toàn quốc. Ảnh: FPT Retail. |
Ngoài vấn đề kinh doanh, anh Huy cũng rất sâu sát tới cuộc sống, tâm tư, nguyện vọng của nhân viên. “Một hôm xuống thăm shop, anh Huy hỏi tôi: “Em có biết chuyện gì chưa?”. Tôi lo lắng không biết là chuyện gì, anh mới trả lời: “Shop em có bạn sắp lấy chồng, tin vui đấy”.
Không chỉ lãnh đạo mà mỗi quản lý shop của FPT Retail cũng là một chiến tướng dũng mãnh bám sát trận địa, yêu công ty và tha thiết với sự nghiệp bán lẻ như chính hơi thở của mình. Nhiều thời điểm khi mọi người đã chìm vào giấc ngủ thì rất nhiều nhân viên FPT Retail vẫn đang cặm cụi kiểm kho, đối chiếu tiền hàng trước khi đóng cửa, luân chuyển chia hàng cho shop đến 2h sáng với ước mơ ngày mai hàng kịp đến tay từng đồng đội nơi xa nhất.
“Các bạn đều là những người rất trẻ nhưng luôn nỗ lực hết mình, sẵn sàng hy sinh những nguyện vọng riêng của bản thân để toàn tâm cống hiến. Có những người trên hành trình tìm kiếm, hỗ trợ shop đã không ít lần “ăn đường, ở bụi”, tất cả vì mục tiêu xây dựng công ty và hết lòng phục vụ khách hàng”, chị Giang cho hay.
Với tinh thần đó, TGĐ FPT Retail Nguyễn Bạch Điệp tiết lộ, 6 tháng cuối năm, đơn vị sẽ điều chỉnh doanh thu tăng thêm 500 tỷ đồng, lợi nhuận tăng 23% và số cửa hàng mới tăng thêm 10% so với kế hoạch cũ. “Tất cả thành tích hôm nay là kết quả làm việc bằng năm bằng mười năng lực bình thường của một tập thể. Mong các bạn sẽ “chân cứng đá mềm” để tiếp tục chạy khi không thể đi được nữa”, chị Điệp nhắn nhủ.
Ra đời từ tháng 8/2007, FPT Shop là hệ thống bao gồm những trung tâm bán lẻ có không gian mua sắm tiện nghi, hiện đại chuyên kinh doanh các sản phẩm công nghệ như điện thoại, laptop, máy tính bảng. Với số lượng cửa hàng ban đầu là 10, FPT Shop dần đạt các mốc 50 cửa hàng vào năm 2012, 100 cửa hàng vào năm 2013, 160 cửa hàng vào năm 2014 và 200 cửa hàng vào tháng 4 năm nay. Hiện công ty có hơn 4.300 CBNV làm việc trên khắp 63 tỉnh thành toàn quốc. |
Tử Quyên
Ý kiến
()