Một nhà cung cấp dịch vụ Internet (ISP) vừa thông báo, lúc 23h55 đêm 22/10, lưu lượng trên tuyến cáp quang biển quốc tế AAG phân đoạn S1i hướng kết nối từ Việt Nam đi Hong Kong đã được khôi phục.
Thời tiết thuận lợi nên thời gian xử lý, khắc phục sự cố của AAG giảm 4 ngày so với thông báo ban đầu (đến 26/10). Kết nối Internet từ Việt Nam đi quốc trở lại bình thường trong đầu tuần cuối tháng 10. Ảnh: Techradar. |
Trước đó, sự cố trên tuyến cáp này xảy ra vào 7h20 ngày 12/10. Đến 17/10, thông báo từ một nhà cung cấp dịch vụ Internet xác định tối 24/10 việc sửa sẽ được hoàn tất. Tuy nhiên, trong một thông báo sau đó, thông tin lại cho biết đến 26/10 tuyến cáp mới được khôi phục.
Đại diện một ISP trong nước cho hay, cáp nằm trong khu vực nhiều tàu thuyền qua lại. Độ sâu của cáp chỉ khoảng 1,5 m và chủ yếu là loại cáp SA (single armored), có một lớp vỏ bảo vệ. "Do đó, khi tàu thuyền lớn hạ neo sẽ dễ làm đứt cáp, gây ra sự cố trên tuyến AAG", vị đại diện thông tin.
Đây là lần thứ tư trong năm nay tuyến cáp quang biển này gặp sự cố. Ba lần trước đó là vào 8/1 với lỗi sự cố dò điện tại khu vực thuộc vùng biển Vũng Tàu, đến ngày 26/1 mới sửa xong. Sự cố ngày 18/2 kéo dài 49 ngày và mới đây là sự cố ngày 27/8, tròn một tháng sau đó (26/9) mới hoàn tất công tác khắc phục.
Gần đây, nhà cung cấp dịch vụ Internet đã có nhiều phương án ứng phó với sự cố, như đầu tư thêm tuyến cáp mới, định tuyến lưu lượng sang các tuyến cáp khác trên biển hoặc đất liền… để bảo đảm tốc độ truy cập cho người dùng.
AAG có chiều dài 20.191 km, kết nối trực tiếp khu vực Đông Nam Á với Mỹ. Tuyến cáp quang này được đưa vào khai thác từ năm 2009, đi qua Malaysia, Singapore, Thái Lan, Việt Nam (nhánh cáp rẽ vào Việt Nam dài 314 km, điểm cập bờ tại Vũng Tàu), Brunei, Hong Kong, Philippines và Mỹ (Guam, Hawaii và California). Tính đến 2016, hơn 60% Internet quốc tế của Việt Nam đều đi qua AAG.
>> FPT Software lần đầu có giải Vàng iKhiến sau 7 kỳ tranh tài
Chi Vy
Ý kiến
()