Chiều ngày 21/11, vòng chung khảo iKhiến số 8 diễn ra tại 2 điểm cầu thuộc tòa nhà FPT Tower (Hà Nội) và FPT Tân Thuận 2 (TP HCM). Vòng chung khảo với sự tranh tài của 9 sáng kiến tại 2 bảng đấu: Bảng A - Về sản phẩm, dịch vụ đã thương mại hóa và Bảng B - Về quy trình quản trị và công cụ, phương tiện làm việc.
9 đội thi vòng chung khảo iKhiến số 8. |
Bảng A với sự góp mặt của sáng kiến Uengage thuộc FPT IS. Sáng kiến UEngage ra đời dựa trên nhu cầu quản lý và chăm sóc khách hàng của ứng dụng UTOP, sau đó là các doanh nghiệp lớn với dung lượng thị trường khổng lồ. Đây là nền tảng marketing tự động được thiết kế dưới dạng SaaS giúp đội ngũ nhân sự xây dựng các dự án, chương trình khách hàng thân thiết và tương tác cá nhân hóa với người dùng thông qua dữ liệu và ứng dụng AI.
Sáng kiến giúp rút ngắn thời gian xây dựng một trang web marketing/khuyến mãi từ 1-2 tháng xuống 3-4 ngày với hàng trăm mẫu có sẵn. Hiện tại, có hơn 75 doanh nghiệp lớn và 372 doanh nghiệp vừa và nhỏ sử dụng Uengage. Dự kiến, sáng kiến sẽ thu về doanh thu năm 2023 là 85 tỷ đồng.
Đại diện đội dự án Uengage - FPT IS (nữ) là đội thi trình bày sáng kiến đầu tiên trong vòng chung khảo iKhiến số 8. Ảnh: Thanh Dung |
Đội tranh tài tiếp theo là FPT Software với sáng kiến F.AI - FPT Analytics & Insights. Theo nhóm tác giả, trong bối cảnh trí tuệ nhân tạo đang trở thành xu hướng, các tổ chức không ngừng tìm cách tận dụng AI nhằm hợp lý hóa quy trình làm việc và tối ưu hóa nguồn lực. Nắm bắt xu thế đó, đội dự án đã nghiên cứu phát triển ứng dụng chat được tích hợp công nghệ AI để mang đến sự cải tiến vượt bậc trong hoạt động phân tích dữ liệu của doanh nghiệp.
F.AI - ứng dụng chat với khả năng trích xuất, phân tích, giúp người dùng khám phá dữ liệu dưới dạng hội thoại - hỏi và trả lời bằng ngôn ngữ tự nhiên. Sáng kiến giúp đưa ra kết quả phân tích nhanh chóng, dưới 30 giây/câu trả lời, đào sâu hoặc mở rộng câu hỏi để có được góc nhìn sâu sắc hơn.
Ngoài ra, F.AI còn giúp tối ưu chi phí tuyển dụng, đào tạo Data analytics, xây dựng hệ thống Business Intelligence. Dự kiến, biên lợi nhuận của sản phẩm trong năm 2024 khoảng 75%, doanh thu ước tính gần 19 tỷ đồng.
Anh Vũ Anh Tú là giám khảo tại điểm cầu TP HCM. Ảnh: Thanh Dung |
Đội thi cuối cùng ở bảng A đến từ nhà FPT IS với sáng kiến akaMES. Nền tảng chuyển đổi số sản xuất akaMES phiên bản 2023 là bộ phần mềm đóng gói dạng SaaS, tập trung bán phí bản quyền thay vì dịch vụ T&M với cơ chế tự động hỗ trợ cắt giảm thao tác quản lý sản xuất và tăng cường năng lực cho doanh nghiệp.
Đây là sản phẩm đầu tiên trên thế giới ứng dụng AI vào điều phối sản xuất thông minh theo thời gian thực với 3 phân hệ mới: Hệ thống kiểm soát đối chiếu quá trình sản xuất; Advanced Scheduling; Quality + Track & Trace.
Sáng kiến giúp đáp ứng 100% yêu cầu về khả năng truy xuất nguồn gốc, tăng tốc sản xuất nhanh hơn đến 30%, tiết kiệm chi phí vận hành doanh nghiệp tới 25%, cải thiện thời gian hoạt động của nhà máy trên 20%. Sản phẩm mở rộng này của akaMES từ đầu năm 2023 đến nay đã mang về doanh thu 14,6 tỷ đồng.
Sáng kiến akaMES đến từ FPT IS dự thi tại Hà Nội. Ảnh: Trần Huấn |
Bảng B với đội tranh tài đầu tiên đến từ nhà Bán lẻ. Xuất phát từ nhu cầu có một công cụ tự động hóa quy trình gửi báo cáo tài chính để giải phóng sức lao động và tăng hiệu quả công việc, nhóm tác giả FPT Retail đã phát triển Tím - Chatbot AI được tích hợp tại Workchat, với khả năng tổng hợp dữ liệu, gửi báo cáo và tương tác thân thiện với người dùng theo nhiều kịch bản được thiết kế phù hợp.
Áp dụng từ 2/2023, sáng kiến đã gửi chính xác và đúng giờ 43.200 báo cáo, giảm khối lượng công việc lên đến 40% cho AF khi xử lý dữ liệu và báo cáo hàng ngày, đảm bảo tỷ lệ hoàn thành công việc đúng tiến độ trên 98%.
Nhóm tác giả FPT Retail tham gia vòng chung khảo với sáng kiến Tím - Chatbot AI. Ảnh: Thanh Dung |
Nhà Viễn thông mang đến sáng kiến Triển khai game hóa cho khối kinh doanh, được ra đời với mong muốn xây dựng hình thức thi đua mới giúp thúc đẩy số cho khối kinh doanh. Gamification - đây là tựa game được phát triển trên Hi FPT giúp kích thích nhân viên kinh doanh nâng cao doanh số để tham gia, tăng tính tương tác hai chiều trong các chương trình thi đua.
Đến nay, sáng kiến có trên 2.100 salesman tham gia, tương đương khoảng 65% tổng số salesman với 18.192 hợp đồng được quy đổi vào game. Số bán Internet tháng 8 tăng trưởng khoảng 10%, FPT Play tăng trưởng hơn 2% so với tháng 7. Sáng kiến Gamification mang đến sự sáng tạo về concept, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh doanh.
Đại diện đội thi FPT Telecom trình bày sáng kiến Triển khai game hóa cho khối kinh doanh. Ảnh: Thanh Dung |
Trước thói quen work-from-home được hình thành từ dịch Covid 19, nhà Phần mềm tại Europe đã phát triển hoạt động văn hóa FPT Breakfast vào thứ 6 hàng tuần để khuyến khích CBNV quay lại văn phòng làm việc. Từ đó kết nối và nâng cao tinh thần đồng nghiệp, góp phần tăng năng suất lao động và hiệu quả kinh doanh.
Triển khai từ tháng 12/2022, sáng kiến giúp tiết kiệm 80% ngân sách trong suốt 11 số tổ chức so với việc tổ chức tại nhà hàng, tạo lập thói quen tích cực, kết nối tình cảm CBNV và khách hàng với 70-90% số người tham gia.
Sáng kiến ra đời, tỷ lệ work-from-home giảm còn 10-30%, tạo không gian khuyến khích trao đổi các ý tưởng, nâng cao chất lượng dự án, ước tính góp phần tăng doanh thu và lợi nhuận của FPT EU lên 35-40% so với năm 2022.
FPT Software tại Europe mang đến văn hóa FPT Breakfast để kết nối CBNV. Ảnh: Trần Huấn |
Thách thức trong việc rút ngắn thời gian cung ứng Chip bán dẫn để chiếm lĩnh thị trường là động lực để nhóm tác giả FPT IS tạo ra akaPIC. Đây là nền tảng phát triển IC nguồn, từ đó tạo ra sản phẩm phù hợp với nhu cầu của từng khách hàng trong thời gian nhanh nhất.
Sáng kiến giúp rút ngắn thời gian thiết kế chip quản lý nguồn PMIC từ 6-9 tháng còn 3-6 tháng, kỹ sư thiết kế giảm từ 10 người xuống 4 người. Dự kiến, năm 2022-2023 sáng kiến mang về doanh thu 33 tỷ đồng. Nhờ akaPIC, FPT IS đã đáp ứng thời gian sản xuất 7 đơn hàng với 70 triệu chip trong năm 2024.
Đội thi FPT IS với sáng kiến akaPIC tạo dấu ấn cho ban giám khảo. Ảnh: Trần Huấn |
Chung khảo iKhiến số 8 có thêm sự xuất hiện của Synnex FPT với sáng kiến Tự động hóa quy trình nhập kho. Trong bối cảnh dữ liệu nhập kho tại Synnex FPT bị phân mảnh ở nhiều hệ thống, gây ra việc đứt gãy, thiếu tính kết nối giữa các bộ phận. Đội dự án nhà Phân phối đã xây dựng sáng kiến Tự động hóa quy trình nhập kho, tích hợp vào các hệ thống liên quan để tối ưu vận hành, tăng năng suất lao động, rút ngắn quy trình 16 lần so với trước đây.
Với sáng kiến, thao tác tập trung trên 1 hệ thống thay vì 3 hệ thống với quy trình rõ ràng, chặt chẽ. Thời gian nhập kho từ 4h xuống 10 phút, hỗ trợ hơn 10.000 lô hàng, tiết kiệm được 34.500h, 200man-month/quý, tương đương 12 tỷ đồng/năm.
Synnex FPT lần đầu góp mặt trong chung khảo iKhiến năm nay. Ảnh: Trần Huấn |
Kết thúc tranh tài tại iKhiến số 8 là phần trình bày của đội dự án nhà FPT Telecom với sáng kiến Hệ thống cảnh báo cháy nổ, ra vào tại POP. Trước đây, việc cảnh báo cháy nổ tại đài trạm indoor chỉ được thông báo qua telegram với quy trình thủ công dẫn đến chậm trễ trong việc nhận thông tin và xử lý sự cố, có thể gây thiệt hại lên đến hàng chục tỷ đồng/1 đài trạm. Do đó, nhóm tác giả nhà Viễn thông đã xây dựng hệ thống cảnh báo cháy nổ lắp đặt trực tiếp ngay tại các POP, đài trạm... giúp giảm thiểu tối đa các rủi ro trên.
Sáng kiến giúp giảm thời gian phát hiện sự cố và đến hiện trường từ 30 phút xuống còn 5 phút, đảm bảo an toàn cho chủ nhà hoặc nhân sự đang làm việc tại trạm, tối ưu chi phí nhân sự vận hành và tiết kiệm 90% so với giải pháp tương đương Fire Smart.
FPT Telecom là đội thi cuối cùng với sáng kiến Hệ thống cảnh báo cháy nổ, ra vào tại POP. Ảnh: Trần Huấn |
Như vậy, 3 sáng kiến thuộc bảng A và 6 sáng kiến thuộc bảng B đã có phần trình bày "leng keng" trong chung khảo iKhiến số 8. Kết quả sẽ được BTC thông báo sớm nhất đến các đội thi.
Thanh Dung
Ý kiến
()